Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã sản sinh ra những cuộc hỗn chiến gay cấn nhất trong lịch sử xung đột trên không. Hầu hết các cuộc không chiến này diễn ra tại “MiG Alley” (Hành lang MiG) – cái tên do phi công phương Tây đặt cho vùng phía tây bắc CHDCND Triều Tiên, nơi sông Yalu nhập vào biển Hoàng Hải.
|
“MiG Alley” là khu vực phía tây bắc CHDCND Triều Tiên, nơi sông Yalu nhập vào biển Hoàng Hải. |
SỰ THẬT BỊ CHE GIẤU
Trong nhiều năm, màn sương mờ ảo của chiến tranh đã phủ lên tất cả các tuyên bố và phản ứng của các bên. Nhưng theo thời gian, các sử gia quân sự đã có thể tiếp cận được tài liệu giải mật từ tất cả các bên liên quan, nhờ thế ngày nay công chúng đã có một bức tranh thực tế hơn về những gì xảy ra trong những cuộc không chiến ác liệt thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.
|
Máy bay chiến đấu phản lực MiG-15 của Liên Xô: "Khắc tinh" của Không quân Mỹ và đồng minh trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ảnh War Thunder |
Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là cuộc chiến duy nhất mà hầu hết các trận không chiến đều diễn ra giữa các phi công Nga và Mỹ chứ không phải giữa chính các phi công hai miền Triều Tiên.
Cuộc xung đột cũng đánh dấu những tuyên bố phi lý của quân đội Mỹ. Trong những tài liệu từng được công bố vào thập niên 1960, người Mỹ khẳng định tỉ lệ máy bay bị bắn rơi giữa Mỹ và Nga trong trận chiến MiG Alley là 1:14, tức là với mỗi máy bay Mỹ, Anh và Australia bị bắn rơi thì người Nga tổn thất tới 14 chiếc MiG. Trong hai thập kỷ sau đó, tỉ lệ này dần dần giảm xuống còn 1:10 nhưng chưa bao giờ xuống dưới 1:8.
Khi người Nga giải mật kho tài liệu lưu trữ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và các cựu phi công Xô viết được thoải mái kể lại sự việc, thì tuyên bố của không lực Mỹ không còn đứng vững. Trong cuốn sách có tựa “Trận không chiến trên bầu trời tiền tuyến phương Đông và Triều Tiên”, cựu phi công Nga Sergei Kramarenko cho rằng, “tỉ lệ tổn thất của không quân hai phía là 1:1”.
Tỉ lệ mới này được các sử gia quân sự phương Tây chấp nhận, nhưng vẫn chưa gần với sự thật. Trên thực tế, cuộc không chiến MiG Alley là một cuộc "tắm máu" đối với không lực phương Tây. Đó là một câu chuyện đã được giấu bởi nhiều lý do, khi niềm kiêu hãnh và thanh danh đã khiến phương Tây không thể thừa nhận chiến thắng với cách biệt quá lớn của Nga.
Khi các nước phương Tây – núp dưới danh nghĩa Liên hợp quốc - đe dọa kiểm soát toàn bộ bán đảo, mà năng lực của phi công Trung Quốc thì có hạn, Stalin đã quyết định đưa không quân Nga tham chiến.
Tuy vậy, nhằm giữ bí mật về sự can dự của Nga, Stalin áp đặt một số hạn chế với các phi công của ông. Điều đầu tiên, họ sẽ bay với logo của không quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc hoặc Không quân Nhân dân Triều Tiên. Thứ hai, khi đang trên không, các phi công sẽ chỉ được liên lạc bằng tiếng Trung Quốc hoặc Triều Tiên, cấm sử dụng tiếng Nga. Và cuối cùng, phi công Liên Xô không được phép tiếp cận kinh tuyến 38 (biên giới giữa hai miền Triều Tiên) hoặc đường bờ biển, để tránh bị quân Mỹ bắt giữ.
Hạn chế thứ ba này đồng nghĩa các phi công Liên Xô bị cấm rượt đuổi máy bay địch. Do máy bay là phương tiện tẩu thoát dễ tổn thương nhất (vì dễ hết đạn, hết nhiên liệu hoặc trục trặc kỹ thuật), điều cấm đoán cũng có nghĩa là các phi công Nga bị khước từ những kỹ năng đuổi bắt mà họ thành thục. Hàng trăm máy bay phương Tây khi đó đã kịp tẩu thoát về phía Hàn Quốc do phi công Nga buộc phải quay đầu khi họ tiến gần đường bờ biển hoặc biên giới.
Nhưng bất chấp những hạn chế đó, không quân Nga vẫn thể hiện sự vượt trội. Trong 32 tháng lực lượng Nga can dự ở Triều Tiên, họ đã bắn rơi 1.250 máy bay địch. (Trong số này, lực lượng pháo binh phòng không của Nga bắn rơi 153 máy bay còn các phi công tiêu diệt tới 1.097 chiếc”, cựu phi công Karamenko viết. Về phần mình, không quân Xô viết chỉ tổn thất tổng cộng 319 chiếc MiG-15 và Lavochkin La-11.
Karamarenko bổ sung: “Chúng tôi khẳng định rằng các phi công của Liên Xô đã bắn hạ nhiều hơn con số 1.097 máy bay địch, nhưng nhiều chiếc đã rơi xuống biển khi ‘lết’ về Hàn Quốc. Nhiều chiếc khác trở về với thương tích nặng nề đến mức chỉ còn nước thải loại vì không thể sửa chữa”.
NGÀY THỨ BA ĐEN TỐI
MiG Alley trở thành chiến trường cho hàng loạt cuộc không chiến và cũng là nơi diễn ra các cuộc chiến trên không quy mô lớn đầu tiên của máy bay phản lực, giữa một bên là MiG-15 Nga và một bên là F-86 Sabres của Mỹ.
Thời điểm bước ngoặt của chiến tranh xảy ra vào tháng 10/1951. Máy bay trinh sát Mỹ phát hiện hoạt động xây dựng tại 18 sân bay của Triều Tiên. Sân bay lớn nhất trong số này là ở Naamsi, sở hữu các đường băng bê tông, có thể cho phép máy bay phản lực quân sự cất cánh.
Trong cuốn "MiG Menace Over Korea" (Mối đe dọa MiG trên bầu trời Triều Tiên), hai tác giả Yuri Sutiagin và Igor Seidov giải thích: “Các sân bay mới, nằm sâu trong lãnh thổ Triều Tiên, sẽ cho phép bổ sung các đơn vị MiG-15 mới nhằm mở rộng vùng hoạt động và ngăn chặn các chiến dịch của lực lượng Liên hợp quốc”.
Ngày 23/10/1951 – Ngày Thứ ba Đen tối – không quân phương Tây triển khai 200 chiếc phản lực (gồm các loại F-86 Sabre, F-84, F-80 và Gloster Meteor IV - máy bay phản lực đầu tiên của Anh) và trên hai chục chiếc máy bay ném bom Superfortress B-29 (loại đã thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản). Sứ mệnh của phi đội này là cắt đứt tuyến đường hậu cần cho lực lượng Triều Tiên và Trung Quốc, đồng thời triệt hạ các căn cứ không quân ở Naamsi và Taechon của Triều Tiên.
Để đối phó với mối đe dọa này, người Nga đã tổ chức hai sư đoàn không chiến. Sư đoàn 303 gồm 58 chiếc MiG-15 dàn quân theo hình bậc thang, có nhiệm vụ tấn công các nhóm chính của đội máy bay ném bom-chiến đấu hỗn hợp và máy bay ném bom địch. Sư đoàn số 324 gồm 26 chiếc MiG-15 tạo thành đội bay hình bậc thang thứ hai, chịu trách nhiệm yểm trợ và bọc hậu cho sư đoàn 303 thoát khỏi trận chiến.
Sự tập trung và kỷ luật là yếu tố sống còn trong đối phó với mối đe dọa từ máy bay ném bom. Chiến lược của người Nga là phớt lờ những chiến binh hộ tống và xông thẳng vào “thành trì” của phi đội Superfortresses (máy bay ném bom B-29), vốn bay tốc độ chậm hơn. Trong khi MiG trên đường xung chiến với B-29, thì nhóm này phát hiện một nhóm máy bay Meteor của Anh, bay chậm hơn. Một số phi công Nga định “xử” luôn các mục tiêu này, nhưng tư lệnh Nikolai Volkov đã hạ lệnh tập trung cho “nhóm cá lớn”.
|
Phi đội MiG-15 xé toạc đội hình B-29 của Mỹ. Ảnh: War Thunder |
Giống như những chú cá voi sát thủ đang xoay vòng, rồi hớp lấy con mồi, phi đội MiG-15 xé toạc đội hình B-29 của Mỹ. Một số phi công Nga bắt đầu tấn công máy bay ném bom Mỹ từ bên dưới theo phương thẳng đứng, và chứng kiến những chiếc B-29 nổ tung ngay trước mắt. Giống như trò săn gà tây, phi đội máy bay ném bom của liên quân lần lượt bị bắn "rụng" từng chiếc.
Người Nga tuyên bố hạ 10 chiếc B-29 – chiếm tỉ lệ cao nhất máy bay ném bom Mỹ tổn thất trong một chiến dịch - trong khi họ chỉ mất đúng một chiếc MiG. Cựu phi công Kramarenko cho biết, một số phi công tuyên bố có tới 20 chiếc B-29 bị bắn rơi trong tuần lễ không chiến ác liệt từ 20-27/10/1951. Ngoài ra, không lực Mỹ còn mất thêm 4 chiếc F-84 hộ tống.
Phía Mỹ chỉ thừa nhận có 3 chiếc B-29 bị bắn rơi, 5 chiếc khác và 1 chiếc F-84 bị hư hại nặng.
Sau trận MiG Alley, người Nga đã đặt biệt danh cho B-29 là “những chiếc lều bay”, bởi những chú chim sắt khổng lồ này đã trúng đạn và bốc cháy quá dễ dàng.
Cựu phi công Mỹ Earl McGill, người thoát chết trong MiG Alley, từng thừa nhận: “Tính theo tỉ lệ thì ngày Thứ ba Đen tối đánh dấu tổn thất lớn nhất của Mỹ trong bất cứ sứ mạng ném bom lớn nào, ở bất cứ cuộc chiến tranh nào mà nước Mỹ can dự. Và trận MiG Alley có lẽ là trận không chiến vĩ đại nhất mọi thời đại”.
Trận không chiến ngày "Thứ Ba Đen tối" đã mãi mãi thay đổi cách thức mà không lực Hoa Kỳ tiến hành một cuộc dội bom đường không chiến lược. B-29 sau đó không còn bay ban ngày qua MiG Alley nữa. Các thị trấn làng mạc của Triều Tiên cũng không còn bị rải thảm bom và napalm bởi người Mỹ nữa. Hàng chục ngàn dân thường thoát khỏi lửa đạn.
Nhưng quan trọng hơn, sự dũng cảm và kỹ năng của Nga trong sứ mạng can dự vào Triều Tiên có thể đã ngăn chặn một cuộc Đại chiến thế giới nữa. Ông Kramarenko giải thích: “B-29 là máy bay ném bom chiến lược, hay nói cách khách, là một ‘tàu chở bom hạt nhân’. Trong một cuộc Thế chiến thứ ba – mà chúng ta đã từng đứng bên bờ vực – những chiếc máy bay này sẽ thực hiện tấn công các thành phố của Liên Xô với bom hạt nhân. Nay thì hóa ra những chiếc phi cơ khổng lồ này trở nên vô dụng trước tiêm kích phản lực Nga, vốn kém hơn về trang bị”.
Rõ ràng không một chiếc B-29 nào đã có cơ hội bay được hơn 100 km để vào không phận mà Liên Xô đang kiểm soát mà trở về an toàn.
“Có thể tự tin nói rằng, các phi công Liên Xô chiến đấu tại Triều Tiên đã gây ra tổn thất lớn với lực lượng ném bom của kẻ thù, dập tắt nguy cơ Đại chiến thế giới thứ ba - một cuộc chiến tranh hạt nhân – trong suốt một thời gian dài”, cựu binh Mig Alley, Kramarenko nói.