Lực lượng Biên phòng Australia (ABF) cho biết trong một tuyên bố, người phụ nữ 28 tuổi giấu khẩu súng trong hành lý đến Sydney vào ngày 23/4 (theo giờ địa phương), không có giấy phép nhập khẩu hoặc sở hữu súng ở Australia.
Australia có quy định khắt khe nhất thế giới về quyền sở hữu súng và việc một người "cố ý" mang súng vào nước này mà không có sự chấp thuận trước là bất hợp pháp. Hình phạt tối đa cho tội này ở Australia là 10 năm tù.
|
Khẩu súng lục mạ vàng được Lực lượng bảo vệ Biên giới Australia (ABF) thu giữ trong hành lý của người phụ nữ Mỹ. Ảnh: Australian Border Force. |
Người phụ nữ Mỹ, không được nêu tên trong tuyên bố của ABF, đã xuất hiện trước tòa địa phương vào hôm 24/4 và được bảo lãnh. Tình trạng thị thực của người này và việc tiếp tục ở lại Australia sẽ tùy thuộc vào quyết định tòa án. Theo ABF, tùy thuộc vào phán quyết của tòa án, người này có thể bị trục xuất khỏi Australia.
Chỉ huy ABF Justin Bathurst nói thêm trong tuyên bố: "Các quan chức của ABF cam kết bảo vệ cộng đồng của chúng tôi bằng cách hợp tác với các đối tác thực thi pháp luật để ngăn chặn những mặt hàng như vũ khí chưa đăng ký được đưa qua biên giới".
Australia thường được coi là một điển hình về việc kiểm soát súng với hành động quyết đoán và thành công trong việc giảm số người tử vong do súng.
Quốc gia này đã thực hiện các biện pháp kiểm soát súng khắt khe hơn sau khi một tay súng đơn độc sát hại 35 người ở Port Arthur, bangTasmania vào tháng 4/1996.
Vấn nạn bạo lực súng đạn đã lên đến mức kỷ lục tại Mỹ, quốc gia duy nhất trên thế giới có số lượng súng dân sự đông hơn dân số. Trong khi đó, ở Australia, cứ 100 người thì chỉ có 14 khẩu súng, so với 120 khẩu trên 100 người ở Mỹ, theo Cơ quan Khảo sát vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Mỹ là nước có nhiều người chết vì bạo lực súng đạn hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác tính theo đầu người. Tỷ lệ này ở Mỹ cao gấp 8 lần so với Canada, 22 lần so với Liên minh châu Âu và 23 lần so với Australia, theo dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) từ năm 2019.