Số phận nghiệt ngã
Yeni (tên nhân vật đã được thay đổi) qua đời từ 21.9 tại Bệnh viện Công Indramayu nhưng đến nay, kết quả khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân cái chết của cô gái trẻ vẫn chưa được công bố, theo The Jakarta Post.
|
Biểu tình phản đối tảo hôn. |
Theo Liên minh Phụ nữ vì Dân chủ và Công bằng Indonesia (KPI), trên khắp cơ thể Yeni là các vết thường chằng chịt và người gây ra chúng là D, chồng của cô bé. Yeni chỉ mới 15 tuổi khi bước vào cuộc sống hôn nhân trong khi D 16 tuổi. Hai bên gia đình quyết định tổ chức cưới cho con vì lo cả hai sẽ phạm phải tội zina - “ăn cơm trước kẻng” – điều cấm kị trong đạo Hồi.
Luật hôn nhân gia đình của Indonesia quy định tuổi tối thiểu để kết hôn với nữ là 16, trong khi nam là 19, song lễ cưới của Yeni và D vẫn được cử hành với sự cho phép của Tòa án Tôn giáo Indramayu.
Sau lễ cưới, Yeni, vốn phải sống với bà ngoại từ khi mới 7 tháng tuổi sau khi bố qua đời còn mẹ đi lao động ở nước ngoài, đã chuyển tới sống cùng nhà chồng. Cuộc hôn nhân của cô dâu tuổi vị thành niên không êm đềm khi em trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình suốt 2 năm qua.
Vào ngày định mệnh 21.9, bà của Yeni được người thân và hàng xóm thông báo, Yeni bị đánh đập dã man và bị thương khắp người. Bà ngoại của cô bé vội tất cả đến tìm cháu nhưng Yeni đã trút hơi thở cuối cùng mà không kịp gặp bà em lần cuối.
“Người chồng bị tạm giam tại đồn cảnh sát trong 24 giờ nhưng sau đó được thả vì thiếu bằng chứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra tiến độ vụ án với cảnh sát", Thư ký KPI, Indramayu Yuyun Khoerunisa chia sẻ với tờ Jakarta Post.
Về phần mình, Cảnh sát trưởng Indramayu, ông Yoris Maulana Marzuki cho hay, vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra. "Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin mới nhất ngay khi chúng tôi có”, ông Marzuki hứa hẹn
Những bi kịch có thể tránh được
Một cuộc khảo sát năm 2012 cho kết quả, hơn 220.000 thiếu nữ ở Tây Java, Indonesia tuổi từ 15 đến 19 đã kết hôn ít nhất một lần. Con số này cao thứ 2 ở Indonesia chỉ sau Đông Java, với hơn 236.000 thiếu nữ.
Năm 2011, Đại học Gadjah Mada của Indonesia đã nghiên cứu các cuộc hôn nhân sớm ở 8 khu vực bao gồm Indramayu và thu về kết quả, 44% các cô dâu trẻ em phải hứng chịu cảnh bạo lực gia đình, lạm dụng bởi chính chồng họ.
Theo KPI, cái chết của Yeni hoàn toàn có thể tránh được nếu em được bảo vệ khỏi nạn bạo lực gia đình.
"Cô bé có thể đã được cứu nếu được đến trường đi học và giao lưu với bạn bè. Trách nhiệm thuộc về không chỉ gia đình cô bé mà còn cả nhà nước", thư ký KPI ở khu vực Tây Java, Darwinih bình luận
Tỷ lệ tảo hôn ở Indramayu được đánh giá là cao. Tòa án Tôn giáo Indramayu đã cấp phép cho 287 vụ kết hôn trẻ em năm ngoái và 354 vụ vào năm 2016.
"Trong các cuộc hôn nhân trẻ em, các cô gái dễ bị bạo lực gia đình, đặc biệt là khi họ không được giáo dục và thiếu hiểu biết về bình đẳng giới", Thư ký KPI, Indramayu Yuyun Khoerunisa chia sẻ.
Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPAI) ghi nhận 95 trường hợp bạo lực liên quan đến hôn nhân trẻ em trong 8 năm qua, song trên thực tế các trường hợp được báo cáo chỉ là phần đỉnh của “tảng băng trôi”.
"Chính phủ cần phải bảo vệ trẻ em. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Joko Widodo đẩy nhanh các cuộc thảo luận về vấn đề tảo hôn”, ông Darwinih tuyên bố.