Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt rạng rỡ của cô Kirsty Jones (51 tuổi), đến từ Anh, khi nhìn thấy cô con gái Hannah (22 tuổi) vững vàng bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp đại học Aberystwyth.
Với hình ảnh hiện tại, ít ai có thể ngờ rằng chỉ mới 8 năm trước, Hannah đã rất gần với ranh giữa sự sống và cái chết.
Có lẽ những ký ức còn lại trong tâm trí Hannah giờ đây chỉ là những ngày tháng dài đằng đẵng nằm trong bệnh viên. Thế nhưng với cô Kirsty thì chặng đường gian nan đó vẫn mãi in hằn trong trái tim cô.
|
Hannah và người mẹ luôn đồng hành bên cạnh cô suốt tuổi thơ bệnh tật, cô Kirsty Jones. |
Vào tháng 12/1999, khi Hannah mới lên 4, cô bé đã bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tủy xương cấp tính và chỉ còn sống được vài tháng.
Đợt hóa trị 4 tháng sau đó khiến Hannah tiều tụy nhanh chóng, mái tóc thì rụng gần hết, làn da căng mịn ngày nào đã bị teo tóp, nhợt nhạt vì phản ứng phụ của thuốc.
Đến tháng 3/2000, Hannah được đưa về nhà nhưng cô bé vẫn rất yếu, chỉ nặng khoảng 12,7 kg và phải ăn uống cũng như thở bằng ống.
Năm 9 tuổi, nhờ có sự chăm sóc của mẹ, Hannah bắt đầu khá hơn và được đến trường.
Hannah chia sẻ: “Tôi chỉ được học nửa ngày nhưng tôi rất thích. Tôi cảm thấy cô đơn khi ở nhà vì không thể chạy nhảy, vui chơi. Bạn bè của tôi biết tôi bị bệnh, nhưng tôi không thích nói về điều đó”.
Tuy nhiên, căn bệnh vẫn chưa một lần buông tha cho cô gái nhỏ, ngay trước sinh nhật lần thứ 12 của mình, Hannah bắt đầu cảm nhận thấy những cơn đau bụng. Và chỉ vài ngày sau, Hannah bị ngất tại lớp. Khi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng Birmingham, các bác sĩ thông báo với cha mẹ Hannah rằng, tim cô bé đã bị phình ra và gan cũng bị phù. Cách duy nhất để cứu cô bé chỉ có thể là phẫu thuật cấy ghép tim.
Nhưng khi một nhóm bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng Great Ormond Street đến giường bệnh của Hannah để giải thích cho cô bé về thủ thuật cấy ghép, Hannah đã khiến tất cả mọi người rất sốc khi thẳng thừng từ chối phẫu thuật, vì cô bé “muốn được ở bên cạnh bạn bè và gia đình và thú cưng của cháu. Cháu đã phát ốm khi phải nhìn mãi 4 bức tường đó và nghe những lời cảnh báo của bệnh viện. Cháu biết chờ đợi một trái tim mới có nghĩa là hàng tháng phải ở trong viện và cháu không muốn điều đó”.
Sau đó, nhờ sự trợ giúp của cha mẹ, Hannah đã thắng kiện bệnh viện và giành quyền được chết để trở về nhà trong vòng tay yêu thương của gia đình, bè bạn.
Thế nhưng, đúng 1 ngày trước sinh nhật lần thứ 14 của mình vào tháng 4/2009, Hannah đã gọi mẹ vào phòng ngủ của mình và thỏ thẻ với mẹ rằng mình đã thay đổi ý định.
Giải thích cho điều này, cô Kirsty cho biết: “Không có gì ngạc nhiên cả bởi vì chúng tôi đã thảo luận về nó một thời gian. Con nói với tôi rằng con không muốn trở lại danh sách bệnh nhân chờ cấy ghép cho đến qua sinh nhật của mình, bởi vì con đã phải trải qua 5 lần sinh nhật trong viện và muốn được ở nhà”.
Chỉ 3 tháng sau khi trở lại viện, các bác sĩ đã tìm được cho Hannah một trái tim phù hợp và sau ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng rưỡi, cô bé đã tỉnh dậy với một trái tim mới.
Trở ngại lớn nhất đã vượt qua nhưng quá trình phục hồi của Hannah cũng không phải dễ dàng. Cô gái nhỏ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng ngực và phải học lại tất tần tật những kỹ năng sống cơ bản nhất từ đi bộ đến phòng tắm, chải tóc hay chỉ đơn giản là ôm mẹ.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thì đối với Hannah, mỗi cột mốc dù là nhỏ nhất như việc học lái xe, mỗi buổi đi học, bạn trai đầu tiên, hay lễ tốt nghiệp đều là những sự thực đến từ giấc mơ xa vời nhất của cô. Hình ảnh một thiếu nữ trưởng thành, trẻ trung với đôi mắt lấp lánh và mái tóc ánh bạc hiện tại đã không còn chút gì gọi nhắc gì về quá khứ bệnh tật trước đây nữa.