Tàu Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam
Trong những tuần qua, việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống đến Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam đã gây căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông và thu hút sự quan tâm của thế giới.
Có thể nói, hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà còn xâm phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.
Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc qua các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và vì ổn định, hòa bình ở khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như vẫn "làm ngơ".
|
Tàu Haijing 3901 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Trước tình hình hiện nay, giới chuyên gia đều cho rằng hành động của Trung Quốc ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Học viện Chiến lược và Quốc phòng (Singapore) nhận định, bằng việc gửi tàu đến khu vực gần bãi Tư Chính, Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng nếu Trung Quốc không được phép khai thác tài nguyên ở đây thì các nước khác cũng phải chịu như vậy.
Có thể thấy, các bước đi này nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông cũng như kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong "đường lưỡi bò", chiếm 80% diện tích biển Đông, mà Bắc Kinh tự vẽ ra.
“Tôi cho rằng đây là một hành vi đáng chê trách từ phía Trung Quốc. Theo UNCLOS, Trung Quốc không có quyền được khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác”, Sputnik dẫn bình luận của Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Na Uy.
"Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế"
Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS- Yusof Ishak, Singapore, nhận định hành vi của Trung Quốc là nguy hiểm và có thể tạo là một “tiền lệ” mới gây phương hại cho các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về việc Việt Nam cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn những hành vi ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế như vậy của Trung Quốc, Tiến sỹ Tang Siew Mun nói: "Một trong những biện pháp Việt Nam có thể thực hiện là liên tục tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, đây là biện pháp tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực nên cần phải có giải pháp dài hạn vì việc tuần tra trên biển sẽ thiếu hiệu quả nếu không được thực hiện liên tục".
|
Tiến sỹ Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS- Yusof Ishak, Singapore. Ảnh: VOV. |
Một phương án nữa mà Việt Nam có thể tính đến là kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Quốc tế như Philippines. Theo ông Tang, tranh chấp không thể được giải quyết bằng quân sự mà phải bằng biện pháp hòa bình, có thể là qua sự phán xử của một bên trung lập thứ ba.
"Tất cả các nước ASEAN cần tiếp tục khẳng định và bày tỏ mong muốn tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều quan trọng là chúng ta cần thống nhất khẳng định nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế, không chỉ trong các tranh chấp biển mà còn trong quan hệ giữa các nước", Tiến sĩ Tang nói tiếp.
Còn theo Tiến sỹ Murray Hiebert, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về ASEAN, cộng đồng quốc tế cần có những biện pháp cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc, trong đó cần nêu đích danh các hành vi vi phạm luật pháp của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế.
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận định của Tiến sĩ người Mỹ gốc Ấn Parag Khanna, Giám đốc công ty tư vấn chiến lược FutureMap có trụ sở ở Singapore, cho rằng cơ chế trọng tài sẽ mang đến giải pháp tổng thể và lâu dài cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
"Tranh chấp chủ quyền sẽ không thể được giải quyết dựa trên những tuyên bố chính trị, mà cần được giải quyết thông qua cơ chế trọng tài sáng tạo giúp tìm ra giải pháp lâu dài, thống nhất, thậm chí có lợi cho tất cả các bên”, Tiến sĩ Khanna nhận định.
Tiến sĩ Khanna cũng đề xuất thành lập hội đồng gồm các ủy viên đến từ các quốc gia tuyên bố chủ quyền, cùng với một số thành viên độc lập khác nhằm đưa ra giải pháp toàn diện trong khuôn khổ thời gian nhất định.
Mời độc giả xem thêm video: Tàu Trung Quốc Hải Dương 8 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam (Nguồn: VTC1)
Liên quan đến những diễn biến mới trên Biển Đông, Giáo sư Carl A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia khẳng định trên Thông tấn xã Việt Nam rằng trong vụ việc tại bãi Tư Chính hiện nay, hành động của Trung Quốc là xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Để kiềm chế các hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên thực địa, Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Trường Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc), cho rằng cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh... cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ và hành động cụ thể.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á James Gomes đánh giá cao cách hành xử đúng đắn của Việt Nam trong vụ việc căng thẳng với Trung Quốc hiện nay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
"Cách thức Việt Nam đang làm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền là chiến lược đúng đắn", ông James nói.