|
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: SCMP |
Quyết định rút dự luật dẫn độ cho thấy chính quyền đặc khu cuối cùng đã nhượng bộ ít nhất một trong năm đòi hỏi của người biểu tình, sau khi họ xuống đường suốt 13 tuần liên tiếp để không chỉ phản đối dự luật dẫn độ mà cả cơ chế quản trị nói chung của thành phố.
“Chúng ta phải tìm cách giải quyết bất mãn trong xã hội và tìm kiếm giải pháp”, bà Lam nói trong tuyên bố bằng video đưa ra tối qua. “Sau hơn 2 tháng bất ổn xã hội, một điều rõ ràng là những bất mãn đã vượt ra khỏi dự luật”, bà nói.
Quyết định chấp nhận một trong năm đòi hỏi cốt lõi của người biểu tình đánh dấu bước chuyển hoàn toàn đối với bà Lam sau nhiều tháng liên tục khước từ.
Nhưng bà vẫn từ chối bốn đòi hỏi khác, bao gồm quyền dân chủ lớn hơn cho thành phố và lập ủy ban độc lập để điều tra hành vi của cảnh sát với người biểu tình. Bà nói rằng tất cả các cuộc điều tra đều sẽ được thực hiện bởi hội đồng khiếu nại cảnh sát độc lập.
Bà nói rằng ưu tiên của chính quyền hiện nay là khôi phục trật tự và pháp luật ở Hong Kong. “Hãy thay thế xung đột bằng đối thoại và cùng tìm kiếm giải pháp”, bà nói.
Tháng 6 năm nay, nhà lãnh đạo này thông báo hoãn dự luật dẫn độ sau khi hơn một triệu người xuống đường phản đối. Nhưng bước đi đó không thỏa mãn người biểu tình vì họ đòi phải rút hoàn toàn dự luật.
Trong những tuần gần đây, nhiều người biểu tình có những hành động bạo lực hơn để ép chính quyền chấp nhận đòi hỏi của họ.
Bản chất thay đổi
Người biểu tình Hong Kong cũng đòi bà Lam phải từ chức. Hôm 2/9, Reuters dẫn một đoạn ghi âm cuộc gặp của bà với các lãnh đạo doanh nghiệp vào tuần trước, trong đó nhà lãnh đạo này thừa nhận đã gây ra “sự tàn phá không thể tha thứ” khi đưa ra dự luật dẫn độ, bà nói sẽ xin lỗi và từ chức nếu được lựa chọn.
Cũng trong cuộc họp kín này, bà Lam nói rằng bà có rất ít dư địa để giải quyết cuộc khủng hoảng vì nó đã trở thành một vấn đề về chủ quyền và an ninh quốc gia, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Nhưng sau đó bà Lam phủ nhận đã đề nghị từ chức vì không xử lý được cuộc khủng hoảng. Chuyện này càng khiến nhiều người Hong Kong cho rằng bà đang nói dối.
Sau khi dự luật chính thức bị rút, nhiều người Hong Kong sẽ chất vấn rằng vì sao phải mất đến 3 tháng với nhiều bất ổn, bạo lực và tổn thất chưa từng có như vậy để chính quyền thành phố đi từ bước “hoãn” đến “rút” dự luật, cho dù nhiều lần khẳng định sẽ không đưa dự luật này ra nữa trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng có những khác biệt quan trọng giữa việc dừng và rút dự luật. Nếu chỉ bị hoãn, dự luật vẫn còn sống, và về lý thuyết, có thể được đưa ra một lần nữa. Thời gian tồn tại của nó đồng bộ với nhiệm kỳ của chính quyền đặc khu hiện tại, sẽ kết thúc vào tháng 7/2020.
Các nhà phân tích cho rằng việc rút dự luật là nhằm hạ nhiệt tình hình trước ngày quốc khánh 1/10, khi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Nhưng chưa biết nhượng bộ mà bà Lam đưa ra hôm qua có đủ để xoa dịu người biểu tình hay không.
“Bản chất của phong trào biểu tình đã thay đổi trong 13 tuần qua”, CNN dẫn lời ông Adam Ni, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại ĐH Macquarie ở Sydney. “Bà ấy sẽ phải có những bước đi khác, như lập ủy ban điều tra độc lập. Nếu không, biểu tình rất có thể sẽ tiếp tục”, ông nói.
Nghị sĩ thân Bắc Kinh Michael Tien nói rằng việc bà Lam rút dự luật có thể không hạ hỏa được tình hình. “Tôi tin rằng việc rút dự luật...có thể đã quá muộn vì phong trào biểu tình hiện nay không chỉ dừng lại ở dự luật”, ông nói.
Trung Quốc phủ nhận đang can thiệp vào vấn đề Hong Kong, nhưng cảnh báo hôm 3/9 rằng họ sẽ không ngồi yên nếu bất ổn đe dọa an ninh và chủ quyền quốc gia.
Nhà hoạt động Hoàng Chi Phong, người bị bắt cuối tuần qua trong một chiến dịch truy quét của thành phố nhằm vào các chính trị gia đối lập và nhà hoạt động, vừa viết trên Twitter: “Bà Carrie Lam nhiều lần thất bại trong việc hiểu đúng tình hình. Bà ấy cần đáp ứng đủ tất cả 5 yêu cầu: Dừng truy tố, dừng gọi chúng tôi là người nổi loạn, điều tra cảnh sát một cách độc lập và bầu cử tự do!”.
*Title do Kiến Thức biên tập lại