Quỹ tín thác ở quần đảo Virgin
Theo thông tin được Hãng Bloomberg đăng tải hồi trung tuần tháng 1, 4 nhà tài phiệt Trung Quốc đã chuyển hơn 17 tỷ USD tài sản của họ vào quỹ ủy thác của gia đình từ cuối năm ngoái (2018). Đây là cách mới mà giới nhà giàu Trung Quốc đang đổ xô thực hiện nhằm bảo vệ khối tài sản khổng lồ khỏi quy định thuế mới ở nước này.
Tỷ phú Sun Hongbin, Chủ tịch của Tập đoàn phát triển nhà và bất động sản Sunac China Holdings Ltd. đã tiết lộ trong một hồ sơ tại Hong Kong hôm 12-1 rằng đã chuyển phần lớn cổ phần của mình trong công ty sang South Dakota Trust Co.
Ngày 31-12-2018, Chủ tịch của Longfor Group Holdings Ltd., bà Wu Yajun - một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc cũng có một động thái tương tự khi chuyển tài sản trị giá 7,5 tỷ USD sang một quỹ khác lập dưới tên con gái. Tiếp đó là các ông trùm của nhà phân phối thực phẩm Dali Foods Group Co. và Hãng Zhou Hei Ya International Holdings Co.
|
Tỷ phú Sun Hongbin, Chủ tịch Tập đoàn phát triển nhà và bất động sản Sunac China Holdings Ltd. đã chuyển phần lớn cổ phần của mình trong công ty sang South Dakota Trust Co. |
Bài báo đăng tải trên tờ Bloomberg có đoạn viết: "Ba trong số bốn công ty niêm yết ở Hong Kong đã trích dẫn kế tiếp theo của mình là chuyển nhượng. Những gì mà 4 ông trùm nói trên đang sở hữu đã được ủy thác cho các thực thể tại quần đảo Virgin thuộc Anh.
"Các quỹ tín thác ở nước ngoài có thể không tránh được thuế hoàn toàn, nhưng ở một mức độ nào đó, họ có thể giành được nhiều thời gian hoãn thuế hơn cho các tỷ phú", Oscar Liu, Giám đốc điều hành tại Noah International Holdings (Hong Kong) Ltd., một nhà cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho biết. Đồng thời, ông Oscar Liu cũng khẳng định, luật thuế mới của Trung Quốc không quy định rõ ràng về việc liệu tài sản ủy thác ở nước ngoài có phải chịu thuế hay không.
"Bất kỳ khoản thuế nào cũng sẽ phụ thuộc vào các điều kiện khác nhau, chẳng hạn như liệu người thụ hưởng ủy thác có phải là cư dân thuế ở Trung Quốc hay không? Trong vòng 2 tháng qua, 4 ông trùm này đã chuyển 17,2 tỷ USD trị giá cổ phần cho các quỹ tín thác", ông Oscar Liu nói.
Thống kê từ Ngân hàng Singapore cho thấy sự gia tăng 35% trong số các khách hàng Trung Quốc quan tâm đến các quỹ tín thác ở nước ngoài kể từ nửa cuối năm 2018 đến nay. Woon Shiu Lee - Giám đốc Lập kế hoạch tài sản tại Ngân hàng Singapore cho hay, số câu hỏi liên quan đến việc lập quỹ được gửi tới ngân hàng cũng tăng gấp đôi kể từ tháng 8-2018. Tỷ lệ từ việc đặt câu hỏi dẫn đến việc thiết lập một ủy thác cũng được thực hiện một cách nhanh chóng.
"Nhu cầu lập quỹ tín thác ở nước ngoài và hủy đăng ký hộ khẩu tại Trung Quốc rất lớn", Peter Ni - chuyên gia thuế tại Hãng Luật Zhong Lun cho biết: "Người thu nhập cao đang đổ xô làm việc này trước hạn chót năm 2019 và kể cả khoảng thời gian sau đó. Họ muốn càng làm sớm lúc nào càng tốt. Tài sản trong các quỹ sẽ được đặt dưới quyền sở hữu của một người quản lý thuộc bên thứ ba. Việc này thi thoảng có thể hạn chế khả năng quyết định của chủ nhân số tài sản, nhưng nó sẽ giúp họ né mức thuế có thể lên tới 20% lợi nhuận".
Nhấn mạnh về việc này, Alan Jia - CEO Hãng tư vấn tài sản Ishtar Consulting cho biết ông đã bắt đầu giúp khách hàng lập quỹ trước cả khi thông tin cải tổ thuế được công bố. "Việc lập quỹ cũng mất thời gian. Nhiều khách hàng của chúng tôi đã đoán trước việc này và hành động từ sớm", Alan Jia giải thích.
|
Năm 2018, tổng giá trị tài sản của người Trung Quốc ở nước ngoài chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD. ảnh: Bloomberg. |
Theo đó, khách hàng ủy thác của bên thứ ba, còn được gọi là Settlor, chuyển quyền sở hữu cho người được ủy thác. Các văn phòng lập kế hoạch cho việc này là những người bận rộn nhất trong suốt nửa cuối năm 2018.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý thuế của Trung Quốc cũng đau đầu với một loạt câu hỏi được đưa ra. Alan Jia chi sẻ: "Ban đầu chúng tôi phải thiết lập niềm tin tốt với khách hàng. Việc này cần phải có thời gian. Từ tháng 9/2018, Trung Quốc thực hiện thỏa thuận chia sẻ dữ liệu quốc tế có tên là Chuẩn mực báo cáo chung, khiến tiền ở nước ngoài có thể dễ thấy hơn đối với các quan chức đại lục. Vì thế, số người làm theo cách này lại gia tăng. Họ đều muốn tiền, tài sản của mình được đảm bảo một cách tốt nhất. Chiêu trò này hiện cũng gây nhiều cái khó cho các cơ quan thu thuế".
Thiên đường trốn thuế Cayman, Malta
Trong khi đó, báo cáo từ các cơ quan quản lý thuế của Trung Quốc cho hay, riêng trong năm 2018, tài sản cá nhân của người Trung Quốc tăng vọt lên mức 24.000 tỷ USD. Khi người giàu Trung Quốc giàu lên, việc giữ tài sản ở nước ngoài, hoặc thay đổi nơi lưu trú đã trở nên phổ biến.
Và cho dù giới chức Trung Quốc đã tăng kiểm soát hoạt động đưa tiền ra nước ngoài từ năm ngoái, nhằm hạn chế các thương vụ M&A rủi ro cao và ngăn dòng vốn rút khỏi Trung Quốc nhưng Boston Consulting Group vẫn ước tính rằng, số tài sản người dân nước này ở nước ngoài chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD năm 2018.
Thêm vào đó, đánh thuế vào người giàu là một phần trong cuộc đại tu hệ thống thuế Trung Quốc. Nền kinh thế lớn thứ 2 thế giới đang muốn dùng giảm thuế như là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Các nhà kinh tế của JPMorgan Chase & Co. ước tính tổng tác động sẽ vào khoảng 300 tỷ USD hoặc 1,2% GDP.
|
Tỷ phú Zhongtian Liu và căn nhà ở Malta. |
Năm 2017, số tiền thuế thu nhập cá nhân thu được của Trung Quốc đạt gần 1.200 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 174 tỷ USD), chiếm 8,3% tổng doanh thu thuế cả nước. Luật Thuế thu nhập cá nhân mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ 1-1 nhằm giảm bớt gánh nặng cho người thu nhập thấp và trung bình, trong khi siết chặt hơn với người lao động nước ngoài và nhóm thu nhập cao.
Luật này bao gồm các quy định về những khoản khấu trừ bổ sung đặc biệt, các loại thu nhập chịu thuế hợp nhất, việc đánh thuế thu nhập toàn cầu của những người sống ở đại lục hơn 183 ngày hay lần đầu tiên đưa ra các điều khoản tránh thuế, trao quyền cho cơ quan thuế đánh thuế người chuyển tài sản hoặc lợi dụng nơi ưu đãi thuế để trốn thuế…
Các khoản khấu trừ bổ sung đặc biệt được xem như điểm nổi bật trong lần cải cách mới nhất bởi nó sẽ không chỉ tăng cường hệ thống thu thuế toàn diện mà còn giúp giảm gánh nặng kinh tế cho người nộp thuế, từ đó khuyến khích tiêu dùng và phân phối thu nhập công bằng hơn. Trước đó, ngày 1-10-2018, khung thuế mới và các khoản khấu trừ tiêu chuẩn đã có hiệu lực.
Giới quan sát nhận định, Luật Thuế thu nhập cá nhân mới của Trung Quốc được coi là thay đổi quan trọng bậc nhất trong lịch sử 38 năm cải cách luật thuế này. Những đề xuất cải tổ từ quy tắc cư trú đến việc kiểm soát, thực thi chính sách thuế… sẽ tạo ra những biến đổi sâu sắc ở nhiều lĩnh vực liên quan. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc thay đổi luật này (trước đó đã có ít nhất 6 lần sửa đổi), nhưng hầu hết các sửa đổi trước đây chỉ về thuế suất, nhóm người đóng thuế hoặc các khoản khấu trừ được phép.
Ngoài việc ký các quỹ tín thác ở quần đảo Virgin, Hãng tin Global Time cho biết thêm rằng, quần đảo Cayman cũng được nhiều đại gia Trung Quốc nhằm tới bởi lẽ nơi đây là “lỗ hổng thuế lớn nhất" cho các cá nhân cũng như các tập đoàn đa quốc gia.
Giám đốc hoạt động thuế tại Công ty 1stTax, Los Angeles, Crystal Stranger lý giải: "Cayman là một lãnh thổ nước ngoài của Anh và các quốc gia khác có luật cho phép một công ty được thành lập và giữ lại tài sản mà không phải đóng thuế. Khi được tổ chức vì mục đích kinh doanh, điều này hoàn toàn hợp pháp. Lợi ích về thuế này có thể đáng giá đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và trên thế giới có tài sản ở Cayman".
Bên cạnh đó, giới nhà giàu Trung Quốc còn tìm cách mua "visa vàng" của Malta sau khi chính phủ nước này mở chương trình kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Malta để được cấp quốc tịch Malta. Thực chất, khi được cấp quốc tịch rồi, họ có thể trốn thuế, hối lộ và sử dụng địa chỉ giả.
|
Bà Wu Yajun - một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc đã chuyển tài sản trị giá 7,5 tỷ USD sang một quỹ khác lập dưới tên con gái. |
Thông thường, "visa vàng" ở Malta có giá 1,2 triệu euro - một số tiền không nhỏ nhưng cũng không quá lớn đối với giới nhà giàu Trung Quốc nếu nó giúp họ trốn được Luật Thuế thu nhập cá nhân mới. Hơn nữa, cá nhân khi được cấp quốc tịch Malta có thể kinh doanh tại Malta và có hộ chiếu đến hơn 160 quốc gia không cần visa, trong đó có Mỹ. Cá nhân ấy cũng đương nhiên trở thành công dân Châu Âu và có thể cư trú tại một trong 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)...
Điển hình là ông “trùm” nhôm Zhongtian Liu, người giàu thứ 8 Trung Quốc, đã thực hiện chiêu thức này một cách trót lọt. Tại Malta, Zhongtian Liu sở hữu căn hộ ba phòng trong một khu phố vắng hoe tại thành phố nhỏ Naxxar. Zhongtian Liu hiện là Chủ tịch của Zhongwang Holdings, nhà sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hành động trốn thuế của ông trùm này đã bị giới chức Mỹ phát giác khi ông đã mở rộng “đế chế” của mình sang nước này và phát triển chân rết khắp nơi trên thế giới.
Theo Hãng tin CNN, hoạt động kinh doanh của Zhongwang Mỹ chứng kiến nhiều thăng trầm kể từ năm 2009, cùng thời điểm công ty được niêm yết tại Hong Kong. Trong năm 2009, doanh thu của công ty ở Mỹ đạt 5 tỷ NDT (740 triệu USD), so với 214 triệu NDT (31,6 triệu USD) trong năm 2008. Sự gia tăng mạnh mẽ đó đã khiến Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chú ý.
Năm 2010, DOC đã điều tra tình trạng trợ cấp ngành nhôm ở Trung Quốc, và yêu cầu Zhongwang Mỹ giải thích, nhưng công ty này phớt lờ. Năm 2011, doanh thu ở Mỹ của công ty đã giảm còn 404 triệu NDT (59,7 triệu USD). Trong báo cáo thường niên 2011, công ty đổ lỗi cho hoạt động điều tra chống trợ cấp của DOC. Tuy nhiên, đến năm 2012 công ty lại bất ngờ có doanh thu nhảy vọt: đạt 1,1 tỷ NDT (160 triệu USD).
Năm 2015, Dupré Analytic - một công ty chuyên điều tra các công ty Trung Quốc - đã gửi báo cáo kiến nghị lên Ủy ban Thương mại Mỹ. Những năm sau đó, DOC điều tra một nhà máy ở New Jersey, Shapes LLC Aluminum, thuộc sở hữu Peng Cheng và Global Aluminum và Zhongwang Mỹ bị đình chỉ giao dịch cổ phiếu ở Hong Kong.
Ma trận gian lận của Zhongwang Holdings sau đó tiếp tục bị Dupre Analytics phanh phui. Dẫu vậy, cho đến nay, giới chức Trung Quốc vẫn chưa thể làm được gì với khối tài sản mà ông trùm Zhongtian Liu cất giấu ở Malta.