Cảnh sát Nhật tung chiêu, giang hồ Nhật Bản 'hấp hối' vì lý do này

Google News

Sau những chiến dịch trấn áp mạnh tay, các tổ chức Yakuza tại Nhật Bản đã bị mất hết các nguồn thu truyền thống và đang sụp đổ trên quy mô toàn quốc.

Nhắc đến Yakuza Nhật Bản, người ta từ lâu liên tưởng tới những hoạt động tội phạm như bảo kê, mại dâm, ma túy hay đánh bạc. Thế nhưng, những hoạt động trấn áp mạnh tay của cảnh sát đã khiến những tổ chức từng một thời lũng đoạn nền kinh tế Nhật sụp đổ trên quy mô lớn.
Yakuza ngày nay tồn tại với những hoạt động kinh tế ít tai tiếng hơn, như đánh cá bất hợp pháp.
Mất hết nguồn thu
Các nhà quan sát cho biết sự trấn áp của cảnh sát lên những hoạt động mang lại nguồn thu truyền thống của Yakuza đã biến đánh bắt cá trái phép trở thành một trong những lĩnh vực ít ỏi còn lại có thể mang lại thu nhập. Thế nhưng, ngay cả đánh cá trái phép cũng bắt đầu rơi vào tầm ngắm của lực lượng chấp pháp Nhật.
Tuần qua, cảnh sát Nhật Bản thông báo đã bắt giữ thành viên của một nhóm Yakuza sau khi phát hiện những người này đánh bắt thủy sản trái phép ngoài khơi Nagasaki, vùng biển Tây Nam nước này. Nhà chức trách cho biết nhóm tội phạm đã hoạt động tại khu vực này trong ít nhất 3 năm.
Cảnh sát cho biết hải sản đánh bắt được sau đó sẽ được bán cho một nhà hàng ở thành phố Nagasaki, điều hành bởi thân nhân của một thành viên trong nhóm tội phạm. Theo điều tra, nhà hàng trên có thu nhập hàng năm khoảng 2,8 triệu USD.
Canh sat Nhat tung chieu, giang ho Nhat Ban 'hap hoi' vi ly do nay
Bố già Kenichi Shinoda điều hành tổ chức Yamaguchi-gumi, băng đảng Yakuza lớn nhất Nhật Bản. Ảnh: AFP. 
Jake Adelstein, cây bút điều tra người Mỹ làm việc tại Tokyo, cho biết cảnh sát từ lâu đã biết tới sự dính líu của các bang đảng tội phạm trong ngành công nghiệp đánh cá, tuy nhiên cố tình làm ngơ. Chỉ đến khi cuốn sách có tựa đề Cá và Yakuza: Tội phạm có tổ chức kiếm tiền nhờ đánh bắt trái phép được xuất bản hồi đầu năm 2019, cảnh sát Nhật mới vào cuộc.
"Các băng nhóm tội phạm dính líu vào ngành đánh cá trong cả thập kỷ, hệ quả của việc cảnh sát tấn công những nguồn thu truyền thống, đặc biệt là khi luật mới được ban hành năm 2011 cấm việc trả tiền bảo kê cho các nhóm tội phạm", Jake Adelstein nói.
Chỉ sau một thời gian ngắn, người dân không còn trả tiền bảo kê nữa bởi nguy cơ bị truy tố hình sự, và điều này cắt mất một nguồn thu nhập lớn của các tổ chức Yakuza. Khi cả thế giới tội phạm phải chật vật vì không có thu nhập, các thành viên đứng trước hai lựa chọn: rời khỏi các băng nhóm Yakuza, hoặc phải tìm các hoạt động khác mang lại nguồn thu.
Nhiều thành viên Yakuza đã lựa chọn con đường hoàn lương, rời khỏi thế giới ngầm. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia, số lượng thành viên các tổ chức Yakuza trên toàn Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn 34.500 người trong năm 2017. Vào thời hoàng kim năm 1964, các tổ chức Yakuza có tới 184.000 thành viên.
Những thành viên Yakuza khác tìm cách có chỗ đứng trong các ngành kinh doanh hợp pháp tại Nhật Bản. Dù vậy, làn sóng tẩy chay Yakuza đang ngày càng gia tăng tại Nhật Bản, dù cho những thành viên băng đảng có cố gắng khoác lên mình những vẻ ngoài đáng kính.
Yakuza đã hết thời?
"Rõ ràng, họ không còn có thể tự do làm những gì mình thích mà không sợ bị trừng phạt như trước. Và tôi cho rằng Yakuza đang ở trong thời kỳ cuối cùng của mình còn có thể tồn tại ở quy mô tổ chức", Mieko Nakabayashi, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda, nhận xét.
"Họ đã cố gắng thay đổi để giữ Yakuza còn được coi là một "nghề", cũng như thay đổi cách ăn mặc". Trước đây, Yakuza có thể được phân biệt thông qua đồng phục không chính thức, thường là áo sơ mi, quần rộng, đồng hồ lớn, đeo nhiều trang sức, kính râm, và kiểu tóc uốn lượn với biệt danh "cú đấm". Nhưng nay, cách ăn mặc nổi bật này không còn nữa.
Với sự phản đối từ công chúng và truy quét từ chính quyền, các thành viên băng đảng đã phải tìm cách lẩn trốn, hòa mình và trở nên không thể phân biệt so với những công dân Nhật Bản lương thiện bình thường.
Canh sat Nhat tung chieu, giang ho Nhat Ban 'hap hoi' vi ly do nay-Hinh-2
Một cuộc tuần hành phản đối Yakuza của người dân ở thành phố Kobe. Ảnh: AFP. 
Nakabayashi cũng tin rằng, trong khi những người lớn tuổi vẫn có tâm lý sợ sệt nhất định đối với các thành viên băng đảng, tầng lớp thanh niên coi Yakuza là một biểu tượng đã lỗi thời của quá khứ. "Họ không sợ Yakuza nữa, và tôi nghĩ tâm lý này sẽ ngày càng lan rộng".
Bất chấp cảnh sát đã tiến hành vụ trấn áp tại Nagasaki, ông Adelstein cho rằng những vụ truy quét thường kỳ, vốn bắt đầu diễn ra từ hơn 10 năm trước, sẽ bị gián đoạn trong thời gian ngắn nhằm tránh sức ép từ dư luận quốc tế trước thềm Olympics mùa hè dự kiến diễn ra ở Tokyo vào năm 2020.
"Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka hồi tháng 6, thông qua cảnh sát, chính phủ đã làm rõ với giới băng đảng tại thành phố là họ không muốn có bất cứ vấn đề gì xảy ra trước và trong hội nghị. Họ không muốn truyền thông đưa tin gì tiêu cực. Và đó là điều đã xảy ra, hoàn toàn không có vụ việc nào", ông Adelstein nói.
"Sau hội nghị, 3 băng đảng đang cạnh tranh vai trò độc bá ở Osaka lại tiếp tục đánh nhau, thế nhưng nay chính phủ đang nhẹ tay hơn trong các chiến dịch trấn áp thế giới ngầm, bởi họ không muốn hình ảnh Yakuza bắn lẫn nhau hay đọ súng với cảnh sát xuất hiện trên báo chí quốc tế trước thềm Olympics", ông Adelstein nhận định.
Một trong những vấn đề mà chính phủ Nhật Bản phải cân nhắc khi chuẩn bị cho Olympics mùa hè đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành vốn chịu sự kiểm soát truyền thống của các băng đảng tội phạm.
"Nhưng một khi Olympics qua đi, cảnh sát sẽ không phải ra vẻ tử tế nữa. Tôi tin là họ sẽ truy quét các băng đảng Yakuza tới cùng, cho tới khi xóa sổ hoàn toàn", ông Adelstein nói.
>>> Xem thêm video: Tấn công bằng dao ở Trung Quốc 1 người chết

 


Theo Duy Anh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)