Cái chết của bé 12 tuổi khiến nước Anh phải sửa Luật chăm sóc trẻ

Google News

Dennis O'Neill, cậu bé mới 12 tuổi đã chết đau đớn dưới bàn tay của chính cha mẹ nuôi. Vụ án làm rúng động Anh quốc vào năm 1945, dẫn đến một loạt sửa đổi trong luật chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em ở quốc gia này.

>>> Mời quý độc giả xem video "Phòng tắm đặc biệt cho trẻ em". Nguồn Youtube:
 
Cái chết đau thương của Dennis O'Neill còn trở thành nguồn cơn cho tiểu thuyết gia Agatha Christie viết nên vở kịch The Mousetrap (Cái bẫy chuột) thu hút hơn 10 triệu khán giả và giữ kỷ lục vở kịch được công diễn lâu nhất trong lịch sử sân khấu London. Có điều vụ án trong đời thực diễn ra tàn nhẫn hơn nhiều, và cái kết không khiến nhiều người bức xúc.
Cai chet cua be 12 tuoi khien nuoc Anh phai sua Luat cham soc tre
Vụ án của Dennis O'Neill gây phẫn nộ trong dư luận khắp nước Anh. 
Nhận nuôi chỉ vì tiền
Ngày 9/1/1945, cậu bé Dennis O'Neill được tìm thấy đã chết trong nhà của bố mẹ nuôi là cặp vợ chồng Reginald và Esther Gough. Điều bất thường là cậu bé tử vong trong tình trạng rất đáng thương, thân thể chỉ còn da bọc xương, suy dinh dưỡng nặng.
Những vết bầm giập, những vết đòn roi phủ kín cơ thể từ lưng, ngực, bụng, chân tay lở loét, nứt nẻ…cho thấy những vết đòn roi cũ chưa hết đã bị che lấp bởi những trận đòn roi kế tiếp. Khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé chết là do cú đá mạnh vào ngực dẫn đến trụy tim, đồng thời với những cú đánh bằng gậy vào sau lưng.
Cậu bé qua đời trong khi chỉ hai ngày nữa là sinh nhật thứ 13 của mình. Vào ngày định mệnh ấy, lúc 13h chiều, bà Esther Gough, mẹ nuôi của Dennis O'Neill gọi điện cho bác sĩ báo tin rằng cậu bé vẫn ổn và đang hồi phục dần.
Nhưng đến 15h chiều, khi bác sĩ đến nông trại để kiểm tra, cậu bé Dennis O'Neill đã chết, và thậm chí chết nhiều giờ trước đó. Điều đó chứng tỏ cậu bé đã chết một thời gian trước khi bà Gough gọi bác sĩ, và người mẹ nuôi không hề hay biết, hoặc vờ không biết rằng cậu bé đã chết.
Ban đầu, cậu bé Dennis O'Neill và hai người em trai là Terence và Frederick ở thành phố Newport. Vì mồ côi cha mẹ nên vào ngày 30/5/1944, Tòa án Newport đã đưa cậu vào nuôi dưỡng ở trong trại trẻ mồ côi.
Đến ngày 5/7/1944, Ủy ban Giáo dục Newport đã gửi Dennis O'Neill và em trai Terence tới sống cùng vợ chồng Reginald và Esther Gough trong một nông trại hẻo lánh rộng 69 mẫu tại ở Thung lũng Hope, Shropshire. Cậu em trai Frederick được gửi đến một gia đình khác cũng ở gần đó.
Cặp vợ chồng Reginald và Esther Gough nhận nuôi nấng, cam kết chăm sóc những đứa trẻ, coi chúng như con và cung cấp thức ăn, quần áo và chỗ ngủ cho chúng theo Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên 1933. Tuy nhiên, họ làm điều này chỉ vì muốn nhận được hai bảng Anh trợ cấp mỗi tháng, một khoản tiền không hề nhỏ ở thời điểm năm 1945. Và bi kịch cũng từ đó diễn ra với Dennis O'Neill.
Dennis O'Neill và em trai Terence sống những tháng ngày địa ngục với cha mẹ nuôi, cả hai đứa trẻ đều bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, bị bạo hành. Terence chỉ may mắn hơn anh trai đôi chút là vì ít tuổi hơn, nên cha mẹ nuôi không thể bắt cậu bé làm những công việc như Dennis O'Neill đã làm, cũng không thể đánh Terence như đã đánh Dennis O'Neill.
Phải có người trả giá
Cảnh sát vào cuộc điều tra, ngày 3/2, Reginald và Esther Gough bị bắt giữ. Ông Reginald bị buộc tội bạo hành, tra tấn tàn độc, còn bà Esther Gough bị cáo buộc đối xử tệ bạc. Bà Esther khai nhận với nhà chức trách rằng mình chỉ tuân theo lệnh của chồng, bởi nếu không cũng sẽ bị người đàn ông vũ phu đánh đập.
Khi cặp vợ chồng này bị đưa ra xét xử tại tòa án, câu chuyện đau thương của cậu bé Dennis O'Neill được phơi bày. Nhân chứng quan trọng nhất trong vụ án là cậu em trai Terence đã kể về cuộc sống địa ngục ở nông trại. Mỗi ngày hai anh em chỉ được ăn ba lát bánh mì bơ và uống trà.
Vì quá đói nên hai anh em thường xuyên phải ăn cấp đồ ăn thừa trong nhà bếp, thậm chí Dennis O'Neill còn mút sữa từ đàn bò cho đỡ đói. Hai anh em thường bị đánh vào chân và tay, có những ngày lên đến hàng trăm cái, vì ngủ dậy muộn hoặc bị đánh giá “làm việc chậm chạp”.
Ngày 6/1/1945, Dennis O'Neill được bố nuôi ra lệnh đi kiếm củi, song lúc trở về nhà chỉ mang được một nhúm củi nhỏ. Tức giận, ông Reginald đã dùng chính cây củi đánh đập dã man cậu bé, túm tóc kéo vào rừng bắt ở đó cả đêm.
Sáng ngày hôm sau, cậu bé tiếp tục bị ông Reginald dùng gậy đánh cho tới khi gãy gậy và tiếp tục đánh bằng cây gậy khác khiến cậu bé liên tục chảy máu, mặt mũi tái xanh.
Ngày 8/1, khi em trai đi học về, thấy anh trai bị nhốt dưới hố trong nhà bếp trong tình trạng không thể dứng dậy được. Dennis O'Neill kêu với em trai rằng lưng quá đau và rát. Cuối cùng sang ngày thứ tư, cậu bé bị ông bố nuôi đá mạnh thêm một lần nữa và khiến cậu bé tắt thở.
Theo lời khai khác của cô Eirlys Edwards, một nhân viên của Phòng Giáo dục Newport, khi cô đến thăm nông trại vào ngày 20/2/1944 để kiểm tra tình hình sinh sống của những đứa trẻ được nhận nuôi, cô nhận thấy rằng Terence có vẻ ổn, Dennis O'Neill ốm yếu hơn nhiều và tỏ ra sợ hãi. Cô đã yêu cầu ông bà Reginald và Esther Gough gọi bác sĩ đến khám cho Dennis O'Neill.
Trung sĩ cảnh sát Macpherson cũng đứng ra làm chứng, rằng sau khi cậu bé qua đời, cảnh sát đã khám xét nông trại. Phòng ngủ của hai đứa trẻ rất bẩn thỉu, đồ đạc tồi tàn, trong khi phòng ngủ của cặp vợ chồng rất sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp.
Reginald lúc đầu bị kết án tù sáu năm, sau đó tăng lên 10 năm tù, còn Esther Gough bị kết án sáu tháng tù. Công chúng nước Anh cảm thấy hình phạt ấy không tương xứng với tội ác mà cặp vợ chồng này đã gây ra. Một làn sóng dư luận yêu cầu phải sửa đổi lại luật lệ để phù hợp hơn với bối cảnh xã hội, với những kẻ tàn bạo như cặp vợ chồng Reginald và Esther Gough.
Đến năm 1948, Đạo luật trẻ em mới ra đời, có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ tốt hơn trẻ em tại Anh quốc.
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết. 
Theo Mến Bùi (Pháp luật Việt Nam)

>> xem thêm

Bình luận(0)