Ngày 23/7, với việc giành được 66,4% số phiếu ủng hộ, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã được bầu làm lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ cầm quyền, và ông nhậm chức Thủ tướng Anh thay thế bà Theresa May vào chiều 24/7.
Trở thành chủ nhân mới của căn nhà số 10 phố Downing đồng nghĩa với việc tân Thủ tướng Boris cũng sẽ phải gánh vác những trọng trách nặng nề mà người tiền nhiệm Theresa May để lại. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt đó là đưa nước Anh rời khỏi EU (Brexit) khi thời hạn chỉ còn hơn 3 tháng.
|
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP. |
Thời hạn Brexit được ấn định vào ngày 31/10, và ông Boris Johnson sẽ phải thuyết phục EU "hồi sinh" các cuộc đàm phán về việc Anh rút khỏi liên minh này và cũng như tìm được tiếng nói chung để tránh việc Anh rời đi mà không có bất cứ thỏa thuận nào.
Tuy nhiên, quan điểm của Thủ tướng Johnson là nước Anh chắc chắn sẽ rời EU vào ngày 31/10 trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong bài phát biểu khi thắng cử, tân Thủ tướng Johnson cam kết Anh sẽ rời EU đúng thời hạn, đồng thời chấp nhận một Brexit không có thỏa thuận nếu không thể đạt được thỏa thuận mới với EU.
Quyết tâm này của ông Boris có thể được nhận thấy qua việc ông đã bổ nhiệm hàng loạt thành viên chủ chốt trong chính phủ mới là những nhân vật có quan điểm ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận.
Trước đây, Thủ tướng Johnson luôn phản đối thỏa thuận Brexit mà bà May đã đạt được với Liên minh Châu Âu. Nhà lãnh đạo mới của Anh tuyên bố rằng nếu muốn các cuộc đàm phán tương lai về Brexit và đạt được một thỏa thuận giữa Anh và EU thì chỉ bằng cách loại bỏ điều khoản gọi là “kế hoạch dự phòng về biên giới Ireland" (hay còn gọi là điều khoản "rào chắn").
Mời độc giả xem thêm video: Thị trường quốc tế trong tình trạng hỗn loạn vì Brexit (Nguồn: VTC14)
Trong khi đó, lập trường kiên quyết của EU cho rằng điều khoản "rào chắn" này là không thể thiếu nhằm đảm bảo tránh thiết lập một đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
"Thỏa thuận Brexit đạt được hồi tháng 11/2018 giữa liên minh với chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May, bao gồm cả điều khoản 'rào chắn', là 'tốt nhất và duy nhất khả dĩ", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố.
Trong trường hợp ông Johnson không thuyết phục được các nhà lãnh đạo EU thì nước Anh có thể sẽ đi theo hướng Brexit không thỏa thuận.
Tuy nhiên, nếu như vậy, ông Boris sẽ vấp phải sự phản đối của không chỉ các đảng đối lập mà cả những người thuộc phe ủng hộ gần gũi Châu Âu và thậm chí những người bảo thủ ủng hộ việc Anh rời EU một cách mềm dẻo.
Được biết, ít nhất hai bộ trưởng cấp cao là Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng tư pháp David Gauke đã từ chức nhằm phản đối kế hoạch Brexit của ông Boris.
Quốc hội Anh cũng luôn phản đối việc Brexit không thỏa thuận, và đã nỗ lực để xây dựng điều luật ngăn cản thủ tướng tiếp theo của Anh thúc đẩy kế hoạch này.
Trong khi Anh và EU vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận thì không loại trừ khả năng Brexit sẽ tiếp tục phải lùi lại sau thời hạn vào ngày 31/10 tới.