|
Trung Quốc có nhiều lựa chọn đáp trả đòn tăng thuế của Mỹ. (Nguồn: AFP). |
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - bắt đầu chuyến thăm Washington kéo dài 2 ngày từ hôm thứ Năm trong tuần nhằm giải quyết bất đồng thương mại. Tuy nhiên sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc cố gắng đàm phán lại gần như toàn bộ dự thảo thỏa thuận thương mại đã hoàn tất và đe dọa sẽ tăng thuế trong hôm 10/5.
Bắt đầu từ 12h01 ngày 10/5 (theo giờ Mỹ), Mỹ chính thức tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD mà Trung Quốc xuất sang nước này. Giới chức Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ có biện pháp đáp trả, dù chưa đưa ra chi tiết. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung một lần nữa đe dọa các nhà đầu tư trên toàn thế giới và làm viễn cảnh kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm.
Phía Trung Quốc đã cực lực bác bỏ cáo buộc cho rằng họ từ bỏ cam kết. “Trong suốt hơn 1 năm đàm phán, sự ngay thật và tử tế của chúng tôi là điều rõ ràng, - Gao Feng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ: “Các vòng đàm phán là quá trình trao đổi ý tưởng, giải quyết vấn đề và đạt sự đồng thuận. Việc hai bên có một số quan điểm trái ngược là bình thường”.
Trung Quốc hiện có nhiều lựa chọn đáp trả trước quyết định tăng thuế lên 25% mà chính quyền Trump đưa ra, trong đó bao gồm nhiều cách gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của Mỹ.
“Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ nhanh chóng đáp trả bằng các đòn áp thuế tương tự, - Jake Parker, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung có trụ sở tại Bắc Kinh, đại diện cho 200 công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc - cho hay: “ Chúng tôi đã đưa ra lời khuyên cho các thành viên chuẩn bị cho trường hợp xấu, như việc người tiêu dùng Trung Quốc tránh xa các sản phẩm của Mỹ”.
Các lựa chọn đáp trả của Trung Quốc đưa ra có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ, tuy nhiên cũng có thể gây tác động ngược tới nền kinh tế của họ, cũng như ảnh hưởng tới Mỹ.
Lời đe dọa của ông Trump
Trước đó một tuần lễ, Tổng thống Trump từng cảnh báo sẽ tăng thuế từ mức 10% lên 25% đối với lượng hàng trị giá 200 tỷ USD mà Trung Quốc xuất sang nước này. Việc tăng thuế đã có hiệu lực tức thì trong trong hôm 10/5 mà không có thời gian bước đệm như trước. Người dân Mỹ trong hôm thứ Sáu vừa qua đã chứng kiến một cuộc chiến thương mại giờ còn căng thẳng hơn trước.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng đòn tăng thuế này có thể được cân nhắc lại nếu như Bắc Kinh phục hồi lại các cam kết mà họ đưa ra trước đó trong dự thảo thỏa thuận thương mại, và đạt thêm bước tiến. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump thậm chí còn đe dọa sẽ áp thuế đối với lượng hàng trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc mà không nêu rõ thời điểm.
Đáp trả bằng đòn thuế
Giới phân tích cho rằng, lựa chọn đáp trả mà Trung Quốc có thể đưa ra thậm chí còn mang tầm cao hơn cả các đòn áp thuế. Họ có thể tăng mức thuế đã từng áp đặt với các loại hàng hóa xuất khẩu của Mỹ hồi mùa Thu năm ngoái. Khi Tổng thống Trump áp mức thuế 10% hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc tăng thuế từ 5% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ. Lượng hàng này chỉ có giá trị bằng 1/5 lượng hàng mà Trung Quốc xuất sang Mỹ hàng năm.
Trung Quốc cũng có thể áp đặt trở lại các hàng rào nhập khẩu đặc biệt nhằm vào các bang của Mỹ từng ủng hộ ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016. Tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh hai bên đàm phán xuôi chèo mát mái, Trung Quốc đã nối lại hoạt động nhập khẩu đậu nành của Mỹ sau khi ngừng mua hồi mùa Hè năm ngoái. Trung Quốc cũng gỡ bỏ mức thuế 25% đối với hàng hóa Mỹ mà họ áp đặt trước đó - chủ yếu là xe hơi và các loại xe thể thao chuyên dụng của Mỹ. Nhưng đối với Trung Quốc, vấn đề của họ ở chỗ, các đòn áp thuế đáp trả mà họ đưa ra khó có thể thuyết phục Mỹ nhượng bộ.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực để đa dạng hóa nền kinh tế, nhưng vẫn phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường Mỹ. Dù một số doanh nghiệp Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng từ các đòn áp thuế của Trung Quốc, nhưng toàn thể nền kinh tế Mỹ thì chỉ chịu ảnh hưởng hết sức hạn chế. Các đòn áp thuế cũng chỉ được áp dụng đối với một thành phần nhỏ các loại hàng hóa, nên người tiêu dùng Mỹ sẽ chỉ thấy một số mặt hàng nhất định tăng giá.
Phía Trung Quốc cũng có thể đáp trả Mỹ bằng cách mở rộng đòn áp thuế, tức nhằm vào 1/3 tổng lượng hàng hóa mà họ nhập khẩu từ Mỹ (hiện chưa bị áp thuế). Các sản phẩm này chủ yếu là các bộ bán dẫn và máy bay của hãng Boeing. Nhưng các công ty Trung Quốc lại cần có các bộ bán dẫn của Mỹ bởi có rất ít các nhà sản xuất thay thế trên thế giới. Bởi vậy, các công ty này sẽ buộc phải chịu mức giá nhập bán dẫn cao hơn, từ đó trở nên kém cạnh tranh hơn. Thêm vào đó, áp đặt thuế quan đối với máy bay của Boeing sẽ gây ra thế tiến thoái lưỡng nan cho Trung Quốc. Nó sẽ buộc các hãng hàng không Trung Quốc phải chuyển sang mua máy bay của hãng Airbus - nhà sản xuất thay thế duy nhất trên thế giới. Airbus đương nhiên sẽ bán với giá cao hơn.
“Vũ khí hóa” người tiêu dùng
Một lựa chọn khác mà Trung Quốc có thể áp dụng là khuyến khích người tiêu dùng nước này tẩy chay hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, hoặc cho phép tâm lý tẩy chay hàng Mỹ được lan rộng. Trung Quốc từng sử dụng tâm lý này như một thứ vũ khí trong lúc có tranh chấp ngoại giao với Hàn Quốc và Nhật Bản trong thập niên trước đây. Tuy nhiên, một khi đã cho phép làn sóng tẩy chay này diễn ra, chủ nghĩa dân tộc sẽ khó mà được kiểm soát. Nếu việc tẩy chay dẫn tới các cuộc biểu tình chống Mỹ trên đường phố, khả năng chính quyền Bắc Kinh đạt được các thỏa thuận với phía Mỹ sẽ càng nhỏ hơn. Việc tẩy chay hàng hóa Mỹ cũng có thể gây tác dụng ngược tới người tiêu dùng Trung Quốc do hạn chế sự lựa chọn hàng hóa của họ, từ đó ảnh hưởng tới các nhân công Trung Quốc đang làm việc tại các công ty của Mỹ - như các hãng chế tạo xe hơi, iPhones và chuỗi cửa hàng Starbucks.
Những lựa chọn khác
Nếu Trung Quốc thực sự muốn đáp trả mạnh mẽ, họ cũng có nhiều lựa chọn khác, nhưng mọi lựa chọn đều có khả năng gây tác dụng ngược. Trung Quốc có thể gây khó dễ cho hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào nước này thông qua việc gia tăng thời gian thực hiện các thủ tục thông quan và kiểm dịch. Chiến thuật này từng được Trung Quốc áp dụng hồi năm ngoái, khi kéo dài thời gian làm thủ tục nhập cảnh đối với các xe thể thao hiệu Lincoln của hãng Ford và táo, cam sơ-ri của Mỹ. Trung Quốc cũng có thể cử các đoàn thanh tra tới kiểm tra giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trên lãnh thổ của họ.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất cung cấp thiết bị, thành phần cấu thành sản phẩm cho rất nhiều công ty của Mỹ. Rất nhiều công ty Mỹ từng yêu cầu giới chức nước này miễn trừ các loại hàng hóa mà họ cần nhập khẩu từ Trung Quốc, nói rằng họ phụ thuộc rất lớn vào các hàng hóa đó. Bởi vậy, Trung Quốc có thể đáp trả Mỹ bằng cách hạn chế xuất khẩu các thiết bị này sang Mỹ, dù hành động này cũng ảnh hưởng tới các công ty của họ. Bằng cách đó, Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng tới các công ty Mỹ. Nhưng nó cũng gây tổn thất vĩnh viễn tới danh tiếng của Trung Quốc như một nhà cung ứng đáng tin cậy cho các công ty lớn của phương Tây.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách để cho giá trị đồng tiền của họ giảm mạnh so với đồng USD của Mỹ. Điều này giúp cho các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc giảm giá thành và cạnh tranh hơn trên các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để giá trị đồng tiền giảm cũng gây ra nhiều rủi ro. Nó sẽ khiến giá dầu và các loại hàng nhập khẩu khác tăng giá ở Trung Quốc, làm tăng lạm phát trong thời điểm mà giá cả vốn đang tăng cao.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, việc giá đồng tiền của Trung Quốc giảm mạnh sẽ buộc các công ty và hộ gia đình của nước này chuyển tiền ra nước ngoài, tạo một dòng chảy tiền ra khỏi Trung Quốc, gây bất ổn cho hệ thống tài chính.