|
Chính phủ Ấn Độ đã cấm ứng dụng TikTok từ tháng 6/2020. Ảnh: Bloomberg.
|
Theo South China Morning Post, TikTok, ứng dụng video ngắn bị cấm ở Ấn Độ từ năm 2020, đã sa thải khoảng 40 nhân viên còn lại ở nước này trong bối cảnh chính quyền New Delhi tăng cường giám sát đối với các công ty công nghệ đến từ Trung Quốc.
"Chúng tôi quyết định đóng cửa trung tâm hỗ trợ bán hàng tại Ấn Độ. Đây là nơi được thành lập vào cuối năm 2020 để hỗ trợ cho các nhóm bán hàng toàn cầu và trong khu vực. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nhân viên của trung tâm vào thời điểm khó khăn này”, một đại diện của TikTok chia sẻ.
Các nhân viên bị sa thải, những người chủ yếu hỗ trợ các thị trường bên ngoài Ấn Độ như Dubai và Brazil, sẽ làm việc đến hết ngày 28/2.
Theo The Economic Times, TikTok cho rằng việc quay trở lại hoạt động tại Ấn Độ sẽ không hiệu quả "vì lập trường cứng rắn của chính phủ đối với các ứng dụng đến từ Trung Quốc”.
TikTok thuộc sở hữu của kỳ lân công nghệ ByteDance. Ứng dụng này đã bị chính phủ Ấn Độ cấm kể từ tháng 6/2020 vì lo ngại an ninh quốc gia.
Kể từ đó, hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc đã bị chính phủ Ấn Độ đưa vào danh sách đen, bao gồm hàng chục ứng dụng cá cược và cho vay đã bị chặn vào tuần trước. Chính sách này được ban hành sau khi cuộc đụng độ quân sự tại biên giới Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra vào tháng 6/2020.
Trước khi TikTok bị cấm, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của ứng dụng này nếu tính theo số lượt tải xuống. Theo Sensor Tower, quốc gia đông dân thứ hai thế giới chiếm hơn 18% tổng số lượt tải xuống toàn cầu vào tháng 6/2020. Con số này tại Mỹ chỉ là 8,7%.
Ấn Độ cũng đã gây áp lực đối với các công ty công nghệ Trung Quốc thông qua việc điều tra các nhà sản xuất điện thoại thông minh, bao gồm Xiaomi, Vivo và Huawei.
Năm ngoái, chính quyền Ấn Độ đã điều tra đột xuất văn phòng của Xiaomi và Vivo vì các cáo buộc liên quan đến trốn thuế và rửa tiền.
TikTok hiện còn phải đối mặt với sự quay lưng từ giới chức phương Tây. Tuần trước, các nhà lập pháp Mỹ đã lên kế hoạch cấm ứng dụng này vì lo ngại chính quyền Bắc Kinh có thể buộc TikTok chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ.
Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt lệnh cấm sử dụng TikTok trên mọi thiết bị của nhân viên chính phủ liên bang. Ít nhất 32 tiểu bang của Mỹ đã đã ban hành lệnh cấm cài đặt, sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính quyền địa phương.
Ông Chew Shou Zi, CEO của TikTok, sẽ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3/2023. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà lập pháp đặt nhiều câu hỏi về hoạt động bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của ứng dụng.
Bên cạnh đó, những tác động của TikTok đối với người dùng trẻ tuổi và mối quan hệ của công ty với chính quyền Trung Quốc cũng sẽ là vấn đề được đặt ra cho ông Chew.
Vào tháng trước, ông Thierry Breton, Ủy viên Liên minh châu Âu, cũng cảnh báo tới ông Chew rằng TikTok có thể bị cấm nếu ứng dụng này không tuân thủ Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU trước tháng 9/2023.