9h15 sáng 26/8, khi được thông báo về vụ tấn công liều chết tại cổng vào sân bay Kabul, Tổng thống Biden tỏ ra tức giận và bực bội, nhưng ông không ngạc nhiên, CNN mô tả trong bài viết ngày 29/8.
Những gì vừa xảy ra tại Afghanistan là kịch bản “ác mộng” mà ông Biden đã lo sợ trong nhiều ngày. Trước đó, một bản đánh giá tình báo từng cảnh báo có khả năng xảy ra tấn công khủng bố trong lúc Mỹ và các nước phương Tây đang gấp rút sơ tán công dân và đồng minh người địa phương.
Mỗi giờ trôi qua, tình hình càng trở nên u ám. Thương vong của binh sĩ Mỹ dần tăng từ 4 tới 10, cuối cùng lên 13. Con số này khiến ngày 26/8 trở thành ngày chết chóc nhất của quân đội Mỹ trong một thập kỷ.
Theo một quan chức, đội ngũ an ninh của ông Biden gần như không có thời gian đau buồn vì phải tập trung vào nhiệm vụ không vận ở Kabul và tìm cách tiêu diệt phần tử khủng bố.
Trả lời CNN, nhiều cố vấn mô tả Tổng thống Biden vẫn luôn bình tĩnh và sáng suốt sau khi nghe tin vụ tấn công. Nhưng khi ông Biden đứng trước báo chí vào ngày hôm ấy, sự căng thẳng vẫn hiện rõ.
“Một ngày thật khó khăn”, ông Biden nói rồi bắt đầu đọc những tuyên bố vừa được chuẩn bị vài tiếng trước.
|
Người bị thương sau các vụ đánh bom ở sân bay Kabul. Ảnh: New York Times.
|
“Một quả bom hẹn giờ”
Từ thời điểm Kabul rơi vào tay Taliban vào ngày 15/8, các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây bắt đầu cảnh báo nguy cơ cao xảy ra tấn công khủng bố nhắm vào đám đông tuyệt vọng muốn trốn chạy khỏi Afghanistan.
Nhiều phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã trốn thoát khỏi các nhà tù khắp Afghanistan. Điều này làm thổi bùng nỗi lo ngại những người này có thể xuyên thủng lớp an ninh mà Taliban dựng lên quanh sân bay.
Trong những cuộc họp hàng ngày của đội an ninh quốc gia Nhà Trắng, phần lớn thời gian được dành ra để bàn bạc về những mối đe dọa tiềm tàng của những phần tử có liên quan tới IS hoạt động tại Afghanistan.
Tuy lực lượng Mỹ đã thực hiện hoạt động chống khủng bố quanh Kabul để giảm thiểu rủi ro, các quan chức vẫn lo lắng tình hình tại đây là “một quả bom hẹn giờ”, một nguồn thạo tin trả lời CNN.
|
Lính Mỹ và Na Uy phối hợp để đảm bảo an ninh tại điểm kiểm soát sơ tán tại sân bay Kabul, Afghanistan vào ngày 20/8. Ảnh: AP.
|
Tới ngày 24-25/8, nguy cơ tấn công khủng bố nghiêm trọng đến mức quan chức Mỹ cảnh báo các nước phương Tây khác nên tạm dừng công tác sơ tán.
Có lần, tình báo Mỹ chặn được thông tin có liên quan trực tiếp tới vụ tấn công tiềm tàng bằng áo vest gắn thuốc nổ, một quan chức cho biết.
Tối 25/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân tránh xa cổng vào sân bay cho tới khi có tin tức mới. Nhưng cảnh báo này là không đủ để giải tán đám đông tuyệt vọng người Afghanistan.
Những tuần trước đó, nhiều người trong Nhà Trắng rất thất vọng vì lực lượng tình báo Mỹ không thể dự đoán tốc độ thất thủ của Afghanistan trước Taliban. Nhưng lần này, lời cảnh báo về vụ tấn công tiềm tàng bên ngoài sân bay Kabul đã chính xác.
Ác mộng thành sự thực
Một số quan chức an ninh quốc gia xem cuộc tấn công ngày 26/8 là kịch bản tồi tệ nhất đối với Tổng thống Biden. Trước đó vị tổng thống từng cho rằng việc rút quân sẽ có ít tác động tiêu cực tới vị thế của mình trong mắt đa số người Mỹ, trừ phi có binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
“Không có ai bị giết lúc này”, ông Biden bảo vệ quyết định rút quân trong lúc trả lời phỏng vấn ABC News vào tuần trước. “Chúa tha thứ cho tôi nếu tôi sai, nhưng hiện không có ai chết cả”.
Nhưng liên tục trong vài tháng qua và đặc biệt là những ngày gần đây, đa phần lỗi lầm trong vụ rút quân hỗn loạn ở Kabul được đổ lên người ông Biden và Nhà Trắng, thay vì quân đội và cơ quan tình báo, một số nguồn thạo tin tại Nhà Trắng và Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ) cho biết.
Một số đồng minh Nhà Trắng nhận định ông Biden dường như bị thôi thúc bởi mong muốn rời khỏi Afghanistan mà không để ý tới phương thức thực hiện điều ấy.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp và Anh vào ngày 30/8 sẽ đề xuất Liên Hợp Quốc lập "vùng an toàn" ở Kabul. Ảnh: France24.
|
Không chỉ đối diện thái độ gay gắt từ trong nước, ông Biden cũng gặp phải sức ép từ đồng minh phương Tây.
Trong cuộc họp trực tuyến sáng 24/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục ông Biden gia hạn sơ tán. Trước đó, ông Macron cũng từng cho rằng Mỹ có “trách nhiệm đạo đức” đối với những người Afghanistan có nguy cơ bị Taliban trả thù.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có lời kêu gọi tương tự.
Tới lượt mình, ông Biden kiên định với hạn chót ngày 31/8, chủ yếu do nguy cơ an ninh ngày một lớn. Rủi ro tấn công là “rất cao”, ông Biden nói với những người đồng cấp.
Trong suốt tuần trước khi vụ tấn công xảy ra, Tổng thống Biden không bao giờ xem xét lại hạn chót là ngày 31/8, theo các cố vấn. Vụ tấn công khủng bố chỉ càng khiến ông Biden tin rằng ngày nào Mỹ còn ở tại Afghanistan, ngày đó là sai lầm.
Sự công kích lưỡng đảng
Từ trước vụ khủng bố ngày 26/8, đảng viên Cộng hòa đã tấn công ông Biden vì vấn đề Afghanistan. Những người này cho rằng việc trì hoãn sơ tán trong mùa xuân đã góp phần tạo ra sự hỗn loạn phút chót.
Ngay khi có tin quân đội Mỹ chịu thương vong, những lời chỉ trích gần như lập tức đã lan tỏa khắp Điện Capitol. Lời kêu gọi từ chức hoặc luận tội ông Biden cùng đội cố vấn cao cấp càng thêm leo thang khi xuất hiện những tin tức mới về số lượng binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã phải “ghì cương” những đảng viên kêu gọi ông Biden từ chức. Nhưng trong một cuộc gọi tối 26/8, ông McCarthy nói Tổng thống Biden sẽ chịu “hậu quả” vì Afghanistsan, theo một nguồn thạo tin.
|
Quốc kỳ Mỹ được hạ thấp xuống một nửa cột cờ vào ngày 28/6. Ảnh: AFP.
|
Người dưới quyền của ông McCarthy cũng nhanh chóng yêu cầu các cơ quan bảo lưu tài liệu. Đây là tín hiệu cho thấy việc điều tra chính quyền Biden về vấn đề Afghanistan sẽ là một trong những ưu tiên của đảng Cộng hòa nếu họ chiếm đa số ghế vào năm 2022.
Ngay cả đảng viên Dân chủ, đảng của ông Biden, cũng bày tỏ sự thất vọng trước cách Nhà Trắng rút quân đội khỏi Afghanistan. Rất ít đảng viên Dân chủ lên tiếng công khai để bảo vệ ông Biden sau vụ tấn công vào tuần này, theo CNN.
Tuy đa số thành viên đảng Dân chủ ủng hộ quyết định rút lui, các nguồn tin trong đảng cho rằng đội ngũ của ông Biden đã lúng túng ở khâu thực thi.
Trong lúc tỷ lệ ủng hộ của ông Biden có dấu hiệu suy giảm, đảng Dân chủ ngày càng lo sợ những sai lầm tại Afghanistan có thể phá hỏng chương trình nghị sự trong nước đầy tham vọng của của đảng này.
Nhiều người trong số cố vấn của ông Biden cho rằng tổng thống sẽ bãi nhiệm người nào đó trong đội vì những gì đã xảy ra tại Afghanistan. Nhưng Nhà Trắng cho biết ông Biden không có ý định yêu cầu bất cứ lãnh đạo quân đội nào từ chức sau vụ tấn công khủng bố vừa qua.
Bảo vệ ông Biden, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng việc lên tiếng phê bình rất dễ dàng khi ở bên ngoài Nhà Trắng.
“Việc ném đá hoặc chỉ trích từ bên ngoài là rất dễ. Nhưng để ở trong hoàn cảnh ấy và ra quyết định thì sẽ khó hơn rất nhiều”, bà Psaki nói.