Nhưng quân đội Mỹ đã luôn có phương án dự phòng nếu như trường hợp đó xảy ra, theo CNN. Một vị tướng 4 sao sẽ ngay lập tức cất cánh từ một căn cứ bí mật, mang theo mệnh lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống, trên máy bay được mệnh danh là “ngày tận thế”.
“Tôi có đủ thời gian, dù chỉ vài phút để lên máy bay đó và cất cánh đến nơi an toàn trước khi vũ khí hạt nhân giáng xuống đây”, tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói trên CNN.
Tại căn cứ không quân Mỹ ở phía đông Nebraska, có một chiếc đồng hồ đếm ngược luôn sẵn sàng để tướng Hyten biết thời điểm thảm họa xảy ra, cũng như khoảng thời gian còn lại để lên chiếc máy bay quan trọng đang chờ sẵn.
|
Máy bay "ngày tận thế" E-6B của Mỹ. |
“Mọi con đường khi đó sẽ mở và tôi sẽ chạy thẳng đến đường băng”, tướng Hyten nói.
Máy bay “ngày tận thế” thực chất là chiếc Navy E-6B, nâng cấp từ nguyên mẫu Boeing 707. Chiếc máy bay này giúp tướng Hyten có toàn quyền chỉ huy kho vũ khí hạt nhân Mỹ ngay trên bầu trời.
“Tôi nhìn vào chiếc máy bay đó và đó là chiến lược phòng vệ cuối cùng của nước Mỹ”, thiếu tướng Gregory Bowen, Phó giám đốc Trung tâm Chiến dịch Toàn cầu thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược nói. “Đây là cách nước Mỹ sẽ sống sót qua chiến tranh hạt nhân”.
|
Máy bay có thể chở theo tối đa 100 người. |
Chi phí sản xuất mỗi máy bay “ngày tận thế” vào khoảng 250 triệu USD. Một giờ vận hành máy bay cũng sẽ tiêu tốn 160.000 USD.
Máy bay được trang bị khả năng chống bom điện từ. Phi hành đoàn trên máy bay chỉ sử dụng phương tiện định hướng truyền thống để giảm thiểu khả năng bị tấn công mạng.
Chuẩn tướng Gregory Bowen, Phó giám đốc Trung tâm Chiến dịch Toàn cầu thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược, cho biết: “Trên chiếc máy bay này, chúng tôi nắm rõ được ngài Tổng thống đang ở đâu, cả vị trí của những ứng viên kế nhiệm Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Bộ trưởng Quốc phòng, chúng tôi theo dõi vị trí của tất cả những nhân vật quan trọng”.
Ngoài các cố vấn về hạt nhân, trên máy bay “ngày tận thế” còn có chuyên gia khí tượng học liên tục theo dõi diễn biến thời tiết trên thế giới, theo dõi tên lửa hạt nhân của đối phương.
Máy bay có thể hoạt động liên tục trên bầu trời trong nhiều ngày, bằng cách tiếp nhiên liệu ngay trên không. Máy bay cũng có kênh liên lạc riêng với tàu ngầm hạt nhân để gửi mệnh tấn công ngay lập tức.
Điều quan trọng là máy bay “ngày tận thế” có bộ điều khiển để phóng các tên lửa đạn đạo liên lục địa trong trường hợp xấu nhất. Chuẩn tướng Bowen khẳng định: “Nếu tất cả nhân sự tại các căn cứ điều khiển tên lửa thiệt mạng thì chúng tôi có sẽ trực tiếp điều khiển và phóng tên lửa”.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, máy bay “ngày tận thế” có mặt liên tục trên bầu trời 24/7, đề phòng nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Ngày nay, với các mối đe dọa mới từ Nga và Triều Tiên, những chiếc E-6B vẫn luôn sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.