Báo cáo còn tuyên bố nạn quấy rối tình dục “tăng mạnh” và thậm chí “trở thành chuẩn mực” – như trường hợp gọi là “đổi tình lấy điểm” khá phổ biến trên thế giới – tại một số khối trường đại học ở Uganda.
Khi trúng tuyển vào Đại học Makerere - một trong những trường danh giá nhất được mô tả là “Harvard hay Oxford của châu Phi” – ở thủ đô Kampala của Uganda, Monica (không phải tên thật) cảm thấy tương lai của mình hứa hẹn bừng sáng.
Nhưng, niềm hy vọng của cô gái nhanh chóng vỡ vụn sau khi trở thành nạn nhân của hành vi mưu toan cưỡng bức từ một giảng viên nhà trường. Monica nhớ lại người giảng viên đề nghị được dạy kèm cô ngay tại nhà riêng của ông ta và sau đó có ý định thực hiện hành vi đồi bại. May mắn là Monica đã học qua khóa huấn luyện chống cưỡng bức nên nhanh chóng tấn công bất ngờ đối phương.
Mặc dù hoang mang và sợ hãi, Monica quyết định không âm thầm tự oán trách bản thân tại sao dễ bị gài bẫy mà phơi bày sự thật. Bất chấp sự đe dọa thường xuyên từ người giảng viên, Monica vẫn mạnh dạn kể câu chuyện xấu xa cho bạn đồng học nghe.
Từ đó, Monica nghe được những câu chuyện quấy rối tình dục từ bạn học và nữ sinh viên trong nhà trường mà hung thủ cũng chính là người giảng viên đã tấn công cô. Điều không may là ít nhất một nữ sinh viên đã bị hắn cưỡng bức.
|
Ông Barnabas Nawangwe. |
Monica giải thích: “Phần đông các cô gái không báo cáo vụ việc bị cưỡng bức có lẽ vì sẽ không có ai tin họ. Mọi người có thể cho rằng chính bạn tự dấn thân vào chuyện đó”.
Do thiếu sự hỗ trợ từ nhà trường nên Monica không còn tinh thần tham dự những buổi học và việc học hành trở nên sa sút. Cuối cùng, Monica quyết định viết thư gửi đến phó chủ tịch Đại học Makerere. Sau đó, một ủy ban của ban giám hiệu được thành lập để điều tra vụ việc.
Monica kể: “Họ yêu cầu tôi cung cấp bằng chứng về hành vi quấy rối tình dục. Tôi đưa cho họ những tấm ảnh chứng minh mà tôi đã chụp”.
Theo chính sách trường đại học về những vụ việc như thế này phải được điều tra và xử lý trong vòng 3 tháng. Thế nhưng, gần 7 tháng trôi qua mà Monica vẫn chưa nhận được câu trả lời từ ủy ban giám hiệu Đại học Makerere. Điều đó có nghĩa là Monica đã thất bại trong vụ kiện chống người giảng viên đại học. Thậm chí, một số giới chức nhà trường còn bảo Monica nên bỏ học thay vì giúp đỡ cô.
Monica nhớ lại: “Họ lăng mạ tôi, gọi tôi là kẻ ngu xuẩn”. Cuối cùng, Monica nhận được kết luận điều tra từ ủy ban giám hiệu là thực sự “có môi trường quấy rối tình dục” trong Đại học Makerere.
Với kết quả tích cực như thế, Monica được khuyến khích đi học trở lại và ban giám hiệu thông báo cô sẽ được học với giảng viên khác và những vụ quấy rối tình dục sẽ không tái diễn.
|
Đại học Makerere. |
Quấy rối tình dục đang là “vấn đề cực kỳ nghiêm trọng” ở Đại học Makerere. Trong những tháng gần đây, báo chí Uganda thường xuyên đưa tin về vụ bê bối “đổi tình lấy điểm” xảy ra ở Đại học Makerere gây ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng nhà trường.
Barnabas Nawangwe, người giữ chức phó chủ tịch Đại học Makerere từ tháng 6-2017, cam kết: “Chúng tôi có chính sách và Đại học Makerere sẽ không khoan dung cho hành vi quấy rối tình dục. Sự yếu kém duy nhất mà tôi nhận thấy là chưa có biện pháp trừng phạt rõ ràng đối với những đối tượng bị kiện. Đó là điều mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết”.
Nawangwe cũng cho biết thêm là từ khi ông nhậm chức phó chủ tịch nhà trường, có 5 nhà giáo thâm niên bị bị sa thải do có hành vi quấy rối nữ sinh viên.
Nhà báo và tác giả Joachim Buwembo cho rằng nạn quấy rối tình dục cũng như những vụ vi phạm nhân quyền thường xuyên xảy ra ở Uganda do xã hội nơi đây không tin sự tố cáo của nạn nhân.
Nhà báo kể trường hợp vào năm 2014, lúc đó vài phụ nữ trẻ mặc váy ngắn ở khắp Uganda bị một số tên côn đồ quấy rối giữa ban ngày nhưng sau đó không tên nào bị chính quyền trừng phạt.
Theo Joachim Buwembo, chính vị trí của giảng viên và giáo sư đại học cho họ có trong tay quyền lực đối với sinh viên.