Cảnh sát nam Afghanistan cưỡng hiếp đồng nghiệp nữ

Google News

Nhiều nữ cảnh sát Afghanistan bị nam đồng nghiệp cưỡng hiếp, quấy rối tình dục cũng như chưa có phòng thay đồ, nhà vệ sinh riêng…

 Nữ cảnh sát Afghanistan tập bắn súng ngày 11/12, dưới sự huấn luyện của NATO. Ảnh: Fabrizio Bensch.

Phụ nữ trong lực lượng cảnh sát được coi là biểu tượng của nỗ lực chung Afghanistan - phương Tây nhằm cải thiện các quyền ở một nước Afghanistan mới, sau khi Taliban bị lật đổ năm 2001.

Hình ảnh nữ cảnh sát Afghanistan mang súng được phát đi khắp thế giới. Thậm chí, nó còn truyền cảm hứng cho một chương trình truyền hình rất quen thuộc với nữ thanh niên nước này.

Tuy nhiên, việc chuyển từ burqa (trang phục kín mít từ đầu đến chân) sang đồng phục xanh ô-liu không dễ dàng gì.

Reuters phỏng vấn 12 nữ cảnh sát ở khắp các quận của Thủ đô Kabul và phần lớn trong số họ than phiền về việc bị quấy rối tình dục, phân biệt đối xử, mất dần sự tự tin và niềm tin.Ngay sau khi gia nhập Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Afghanistan (ANP), Friba tự đặt tên hiệu của mình là Rồng, thề đem lại an ninh trật tự cho quê hương.

Nhưng sau đó cô luôn cảm thấy mệt mỏi với sự quấy rối tình dục của đồng nghiệm nam, lo lắng vì lương sẽ giảm và sợ rằng chính phủ sẽ bỏ rơi họ sau 5 năm làm việc.

“Tôi là Rồng và tôi có thể tự vệ nhưng hầu hết các cô gái khác liên tục bị quấy rối. Mới chỉ hôm qua thôi, đồng nghiệp của tôi đặt cả hai bàn tay của anh ta lên ngực một cô gái. Cô ấy xấu hổ và cười cười trong khi anh ta bóp ngực. Sau đó, cô ấy quay sang phía chúng tôi và òa khóc”, Friba xót xa kể lại.

Cũng ở Kabul, nữ thám tử Lailoma nói rằng, một số nữ cảnh sát dưới quyền cô bị nam đồng nghiệp cưỡng hiếp. Mái tóc nhuộm nâu nhạt của Lailoma lộ ra khỏi chiếc khăn trùm đầu màu đen - một phần của đồng phục ANP dành cho nữ.

Cô siết chặt đôi tay khi giải thích về nam đồng nghiệp: “Họ muốn giống thời kỳ Taliban. Ngày nào họ cũng bảo rằng, chúng tôi là phụ nữ tồi, lẽ ra không được làm việc ở đây”.

Những cảnh sát nam cũng thường mắng nhiếc, chế nhạo phụ nữ, ngăn họ vào nhà bếp. Điều này đồng nghĩa với việc họ lỡ bữa ăn trưa, Lailoma buồn rầu nói.

Trong một số trường hợp, các nam đồng nghiệp cố tình cắt ngang buổi phỏng vấn của Reuters, để dọa các nữ cảnh sát, nhằm buộc họ im lặng.

Nữ cảnh sát Rana 31 tuổi, tóc xoăn tâm sự rằng, đồng nghiệp nam trông đợi phụ nữ đối xử tốt với họ về mặt tình dục. “Một số nữ cảnh sát bị ép làm điều đó để được ở lại trong lực lượng”, Rana nói thêm.

Việc nam cảnh sát cưỡng hiếp nữ đồng nghiệp “chắn chắn đã và đang diễn ra”, Phó giám đốc Cục Giới và Nhân quyền - Bộ Nội vụ (cơ quan quản lý cảnh sát) Sayed Omar Saboor khẳng định.

“Những người đàn ông đó phần lớn dốt nát và coi phụ nữ là đồi bại”, ông Saboor phát biểu.

Tình trạng không an toàn, phản đối phụ nữ làm việc ngoài nhà và phân biệt đối xử do giới tính khiến nhiều phụ nữ không muốn làm cảnh sát, Phó Giám đốc Saboor chia sẻ thêm. Tuy nhiên, các góa phụ nghèo khó đôi lúc không có sự lựa chọn nào khác. Lương khởi điểm của nữ cảnh sát khoảng 10.500 afghani (4 triệu VND/tháng).

Thiếu người

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đặt ra mục tiêu có 5.000 phụ nữ gia nhập tính đến cuối năm 2014, khi hầu hết quân nhân nước ngoài rút khỏi Afghanistan.

Nhưng vì tuyển dụng kém, sự thiếu quan tâm của chính phủ, ngành cảnh sát và một xã hội do nam giới chi phối, nên mới chỉ có 1.850 phụ nữ gia nhập ANP, chiếm khoảng 1,2% lực lượng.

Và tình hình dường như đang tồi tệ hơn. Nữ cảnh sát Friba nói: “Một khi người nước ngoài rút đi, chúng tôi sẽ không thể ra chợ. Chúng tôi lại phải mặc burqa. Taliban sẽ trở lại”.

“Nói chung, nước chúng tôi không tạo ra được lực lượng cảnh sát nữ như mong muốn. Các giáo sĩ Hồi giáo phản đối và phụ nữ bị coi là không phù hợp với công việc”, một quan chức an ninh cấp cao nói.

Gần 1/3 thành viên của lực lượng cảnh sát nữ làm việc ở Kabul, chủ yếu kiểm tra an ninh nữ hành khách ở sân bay và kiểm tra dữ liệu sinh trắc học.

“Trong ANP, phần lớn các lãnh đạo nam giới không muốn dây dưa với phụ nữ. Người chỉ huy muốn họ ra khỏi đơn vị mình”, Đại tá Saboor nói.

Ít nữ cảnh sát có cơ hội thăng tiến. Họ thường phải ở các đồn cảnh sát thiếu trang thiết bị cho phụ nữ, như nhà vệ sinh, phòng thay đồ… Phòng thay đồ rất quan trọng vì nhiều phụ nữ giấu gia đình chuyện mình làm cảnh sát.

Mãi tới gần đây Bộ Nội vụ mới bắt đầu lắp đặt nhà vệ sinh cho cảnh sát nữ.

“Chiến tranh kéo dài 10 năm đã qua và chúng tôi chỉ mới đang xây toilet cho họ”, ông Saboor cười nhăn nhó.
TIN BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

TIN LIÊN QUAN



Theo Tiền Phong

Bình luận(0)