|
Ông Trump và đối thủ Joe Biden đang chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP |
Theo báo cáo từ Trung tâm Chính trị Đáp ứng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 tiêu tốn khoảng 6,3 tỷ; cuộc bầu cử năm 2016, tổng chi phí rơi vào khoảng 6,5 tỷ USD. Còn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có thể tiêu tốn gần 11 tỷ USD ở cấp liên bang, đây là một con số kỷ lục.
Như vậy, cuộc bầu cử quan trọng nhất đã tồn tại hàng trăm năm nay trong chính trường xứ sở Cờ hoa vẫn không ra khỏi “truyền thống”: tốn kém, phức tạp và gay cấn.
Hiến pháp Mỹ quy định Tổng thống Mỹ phải là người sinh ra tại Mỹ, ít nhất 35 tuổi và định cư tại Mỹ ít nhất 14 năm. Ứng viên tổng thống thường đến từ hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ. Ngoài ra, còn có ứng viên đảng khác hoặc ứng viên độc lập.
Việc đầu tiên một chính trị gia có tham vọng trở thành Tổng thống Mỹ phải làm là thành lập một ủy ban nhằm tìm hiểu triển vọng của mình trong mắt cử tri và quyên tiền. Nếu thu được kết quả khả quan, người đó sẽ chính thức tuyên bố ra ứng cử tổng thống và bắt đầu vận động, cạnh tranh trong nội bộ mỗi đảng (gọi là bầu cử sơ bộ), nhằm trở thành người đại diện duy nhất của đảng mình chạy đua vào Nhà Trắng.
Các cuộc bầu cử sơ bộ thường mở màn vào đầu tháng 1 của năm diễn ra bầu cử và kéo dài tới tận tháng 6. Trong giai đoạn này, cử tri tại mỗi trong số 50 bang của Mỹ bầu ra các đại diện địa phương mình tới dự đại hội toàn quốc của đảng (được tổ chức mấy tháng sau đó) nhằm chọn ra ứng viên duy nhất của đảng tranh cử tổng thống.
Điều đặc biệt là một số bang dùng các cuộc họp kín (caucus) diễn ra ở nhà riêng, trường học… để chọn ra những đại diện dự đại hội đảng và những người này đều tuyên bố rõ họ sẽ ủng hộ ứng viên nào. Một số bang lại sử dụng hình thức bỏ phiếu sơ bộ (primary), cho phép tất cả những cử tri có đăng ký bỏ phiếu được quyền chọn đại diện tham dự đại hội đảng, thay vì chỉ những đảng viên tích cực tham gia như trong các caucus.
Bước vào đại hội đảng toàn quốc, các đại biểu được lựa chọn qua các kỳ bỏ phiếu ở địa phương sẽ chọn ra ứng viên của mình. Tuy nhiên, với kết quả các cuộc bỏ phiếu ở giai đoạn sơ bộ, thông thường người ta đã biết ứng viên nào sẽ là người thắng.
Ứng viên chiến thắng của mỗi đảng sẽ chọn một người cùng ra tranh cử với mình (ở cương vị phó tổng thống). Sau đại hội mỗi đảng, ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa và Dân chủ mới bắt đầu trực tiếp đối đầu trong cuộc chạy đua. Họ sẽ chi những khoản tiền khổng lồ cho hoạt động quảng bá và vận động ở các bang. Thời điểm này, một trong những hoạt động gây chú ý nhiều nhất là các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên. Những tuần cuối cùng của chiến dịch vận động, các ứng viên sẽ tập trung vào những bang mà tại đó chưa rõ ứng viên nào sẽ nhận được sự ủng hộ cho tới khi bầu cử diễn ra.
Cuối cùng là ngày bầu cử-thường được tổ chức vào năm chẵn, trong ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên trong tháng 11 (năm nay vào ngày 3-11).
Về mặt kỹ thuật thì cá nhân các cử tri Mỹ (voter) không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông (popular vote) và công việc của họ là chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri (elector), tức những người đã tuyên bố rõ ủng hộ ứng viên này hay ứng viên kia. Những đại cử tri này hợp thành Cử tri đoàn (Electoral college).
Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số lượng nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn này. Do đó ở hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều hơn phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó. Bang đông dân nhất nước Mỹ-California cũng là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất: 55 phiếu; trong khi một số bang nhỏ dân cư thưa thớt chỉ có 3 phiếu đại cử tri. Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri trong Cử tri đoàn. Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiểu 270 phiếu trong Cử tri đoàn.
Cũng vì hệ thống bỏ phiếu này mà ứng viên nhận được nhiều đầu phiếu phổ thông chưa chắc đã trở thành tổng thống; một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng dù không đạt được đa số phiếu phổ thông mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn. Trong cuộc bầu cử năm 2000, ông George Bush thuộc phe Cộng hòa đã thắng đối thủ Al Gore của đảng Dân chủ, bất chấp ông Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông cả nước so với 47,87% của ông George Bush, do ông Bush nhận được 271 phiếu đại cử tri, trong khi Al Gore chỉ được 266 phiếu. Bang quyết định chuyện thắng/thua này là Florida, nơi toàn bộ 25 đại cử tri bỏ phiếu cho Bush, dù chênh lệch phiếu phổ thông tại Florida của hai ứng viên chỉ là 537 phiếu.
Với diễn biến như hiện nay, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 (là cuộc bầu cử tổng thống thứ 59 liên tục bốn năm một lần trong lịch sử nước Mỹ), không loại trừ cuộc chạy đua giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden cũng sẽ có những bất ngờ vào giai đoạt chót.