Bất lợi cho phe nổi dậy và cả Nga khi Mỹ rút quân khỏi Syria?

Google News

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria được xem là sự thức thời của Tổng thống Trump và thắng lợi lớn của Nga. Nhưng hai học giả Mỹ lại có quan điểm hơi khác.

Theo quan điểm của hai học giả Mỹ, Colin Clarke và William Courtney, cho rằng không chỉ phe đối lập Syria mà cả bản thân Nga cũng gặp khó khi Mỹ rút quân khỏi Syria:
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria đã đảo ngược chính sách gần đây của chính phủ này là giữ quân Mỹ ở lại càng lâu đến chừng nào quân Iran vẫn còn ở lại. Khi không còn là một bên chính ở Syria, nước Mỹ có thể lảng tránh vai trò lãnh đạo các nỗ lực quốc tế để đạt một dàn xếp chính trị thông qua đàm phán. Tình trạng tiếp tục bất ổn ở Syria có thể đem lại lợi ích dài hạn cho Iran nhưng có thể lại không có lợi cho Nga.
Thực hiện đúng lời hứa trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter vào giữa tháng 12/2018: “Chúng tôi đã đánh bại IS ở Syria, lý do duy nhất để chúng ta ở đây”. Mặc dù tuyên bố này khiến nhiều đồng minh của Mỹ và nhiều nghị sĩ Mỹ bất ngờ, đa phần đều dự kiến Mỹ sẽ rút ra khỏi Syria vào một ngày nào đó.
Bat loi cho phe noi day va ca Nga khi My rut quan khoi Syria?
 Các thành viên của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và Đơn vị Bảo vệ Phụ nữ (YPJ) tham dự lễ tang các chiến binh người Kurd từ Lực lượng Dân chủ Syria thiệt mạng trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Deir Ezzor, ngày 3/3/2018. Ảnh: AFP/Getty.
Phe đối lập Syria mất người đỡ đầu
Thực ra sự hiện diện của Mỹ ở Syria là khá khiêm tốn, chỉ có khoảng 2.200 lính đặc nhiệm Mỹ, với vai trò cố vấn và hỗ trợ cho số lượng chiến binh người Kurd và người Arab của Syria đông hơn nhiều. Dẫu vậy, dạng hỗ trợ này đã góp phần tạo ra nhiều thành công đáng ấn tượng.
Năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS kiểm soát được trên hơn 34.000 dặm vuông ở Syria và Iraq, với 8 triệu người dân chịu sự cai trị hà khắc. Ngày nay IS chỉ còn nắm một lãnh thổ hạn chế, chủ yếu ở hang ổ Hajin và một số thị trấn, làng mạc nhỏ dọc theo thung lũng Sông Euphrates – chưa tới 1% diện tích của “vương quốc Hồi giáo IS” vào thời điểm đỉnh cao của nó. Nhiều phiến quân vũ trang vẫn tiếp tục chiến đấu, nhưng không phải trong đội hình có tổ chức.
Tuần trước, các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc dẫn dắt về một giải pháp chính trị ở Syria đã một lần nữa thất bại. Các ngoại trưởng của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp gỡ với đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria - Staffan de Mistura, đã không đạt được tiến bộ về cách thức cải cách hiến pháp Syria và mở ra các cuộc bầu cử mới. Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phản đối mạnh mẽ tiến trình này và Moscow cũng không thể ép họ chấp nhận điều đó.
Thực tiễn này không có gì lạ. Vài năm trước, Tổng thống Assad cũng từ chối thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn mà Ngoại trưởng Mỹ khi ấy - ông John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đạt được.
Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là thiếu kinh nghiệm đàm phán cùng ảnh hưởng quốc tế cần thiết để tạo ra và thực hiện một giải pháp chính trị cho một cuộc xung đột phức tạp và trên quy mô lớn như vậy. Có thể sẽ cần đến một nỗ lực lớn hơn liên quan đến nhiều cường quốc (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga) và các quốc gia khu vực (Ai Cập, các nước vùng Vịnh, Jordan, và Thổ Nhĩ Kỳ) để đạt được giải pháp đó và có đủ tiền triển khai giải pháp.
Với một mạng lưới các nhóm phiến quân vẫn tiếp tục chiến đấu ở nhiều nơi trên lãnh thổ Syria, đất nước này có khả năng vẫn là một khu vực xung đột trong một thời gian dài sau khi người ta đạt được bất cứ thỏa thuận chính trị nào. Và các tổ chức như IS, Hayat Tahrir al-Sham (một nhóm chiến binh thánh chiến cực đoan dòng Salafi), và những nhóm liên quan đến al-Qaeda nhiều khả năng sẽ không bao giờ chịu công nhận tính hợp pháp chính trị của chế độ Tổng thống Assad.
Nga vẫn gặp thách thức
Một số lãnh đạo Nga đang tỏ ra vui sướng về việc Mỹ rút quân khỏi Syria. Có vị nói rằng điều này sẽ giúp ổn định tình hình ở Syria, trong khi một vị khác nói rằng Mỹ đang bỏ rơi người Kurd.
Tuy nhiên dù đa số nhận định việc Mỹ rút khỏi Syria là chiến thắng cho Tổng thống Nga Putin, thì người Nga có lẽ vẫn phải thận trọng trong cách đánh giá tình hình của mình.
Bat loi cho phe noi day va ca Nga khi My rut quan khoi Syria?-Hinh-2
Dù Nga có muốn hay không thì Mỹ vẫn là nhân tố không thể bị loại bỏ trong cục diện chiến trường hiện tại ở Syria. Ảnh: Sputnik.
Đúng là việc Mỹ rút đi sẽ tạo thêm nhiều không gian để chính quyền Syria của Tổng thống Assad (được Nga và Iran hậu thuẫn) trấn áp phe đối lập.
Tuy nhiên, với việc thiếu vắng một thỏa thuận hòa bình, một số nước vùng Vịnh có thể tiếp tục viện trợ cho các phong trào nổi dậy ở Syria, khiến cho nước này còn bất ổn một thời gian dài nữa. Mặc dù chính quyền ông Assad có thể củng cố sự kiểm soát đối với các thành phố và trung tâm kinh tế lớn, khu vực nông thôn ở miền đông Syia sẽ có thể tiếp tục là vùng không bị kiểm soát.
Để có thể giành lại vùng miền đông này và kiểm soát được các giếng dầu tại đó (cần thiết trong việc cung cấp tài chính cho chế độ), Tổng thống Syria Assad phải dựa vào lực lượng của Iran và tổ chức Hezbollah. Hiện tại chính quyền của ông Assad chưa thể hiện được sức mạnh của mình ở các khu vực do phiến quân kiểm soát.
Các cuộc nổi dậy kéo dài có thể phá hỏng hy vọng của Moscow về một nước Syria ổn định và thân thiện đồng ý cho Nga thiết lập các căn cứ hải quân và không quân tạo ra sự răn đe đối với Hạm đội 6 của Mỹ cùng các lực lượng NATO khác ở khu vực đông Địa Trung Hải.
Tình trạng bất ổn tiếp tục ở Syria có thể ngăn châu Âu cung cấp các khoản viện trợ tái thiết kinh tế, khiến Nga và Iran ở vào thế dễ bị chỉ trích vì đã không giúp gì cho việc tái thiết sau đó.
Hồi năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo rằng Nga có thể tự đẩy mình vào chỗ kẹt ở “bãi mìn” Syria.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)