5 lý do Tổng thống Trump sẽ thất bại khi tăng cường trừng phạt Iran

Google News

Vòng trừng phạt tiếp theo của Mỹ nhằm vào Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/11. Vòng này chủ yếu tập trung đánh vào ngành dầu khí Iran.

Các lệnh trừng phạt này từng được giảm nhẹ sau sự kiện ký kết Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, và nay được đưa trở lại sau khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này cách đây 6 tháng.
Mục tiêu của ông Trump là tái thể chế hóa các lệnh trừng phạt nhằm "giết chết" thỏa thuận hạt nhân nói trên, đưa nền kinh tế Iran tới chỗ sụp đổ hoàn toàn, kiềm chế sự can thiệp của Iran vào Syria, Iraq và Yemen. Thậm chí mục tiêu này có thể hướng tới việc thay đổi chế độ chính trị hiện nay của Iran.
5 ly do Tong thong Trump se that bai khi tang cuong trung phat Iran
 Phụ nữ Iran biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.
Quan điểm chính thức của Nhà Trắng là bằng cách tăng áp lực kinh tế và chính trị, họ sẽ đưa Iran trở lại bàn đàm phán nhằm thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận mới có chữ ký của ông Trump.
Tuy nhiên, có ít nhất 5 lý do khiến chiến lược này của ông Trump không thành công.
Thứ nhất, Mỹ tìm cách cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống mức 0, nhưng điều này rõ ràng không thực tế. Nếu sản lượng 2,5 triệu thùng dầu xuất khẩu/ngày của Iran mà bị mất đi thì sẽ có khó có nguồn thay thế ổn định. Mặc dù Saudi Arabia trước đó tuyên bố họ sẽ bù lại sự thiếu hụt đó, giới chuyên gia tin rằng Riyadh và các đồng minh không có đủ khả năng để bù đắp hoàn toàn cho việc thiếu hụt dầu do Iran cung cấp.
Hiện nay lượng dầu xuất khẩu của Iran đã giảm xuống mức ước chừng 1,5 triệu thùng/ngày từ mức 2,5 triệu trước khi Mỹ rút khỏi JCPOA hồi tháng 5. Giá dầu chung của OPEC đã tăng lên khoảng 76 USD/thùng. Dự đoán mức này có thể tăng lên 100 USD/thùng. Khi ấy giá dầu tăng lên sẽ lại bù cho doanh thu sụt giảm của Iran khi lượng dầu xuất khẩu của Iran bị cắt giảm nữa xuống mức 1 triệu thùng/ngày.
Thứ hai, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc và việc Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga khiến Bắc Kinh và Moscow ít khả năng sẽ hợp tác với Washington trong vấn đề Iran.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng không thể dựa vào sự hợp tác từ phía Liên minh châu Âu – khối đã đề xướng thương lượng hạt nhân với Iran vào năm 2003 và chứng kiến JCPOA như một trong các thành tựu đối ngoại nổi bật của họ. Và, EU đang ngày càng xem các lệnh trừng phạt bên ngoài lãnh thổ là một mối đe dọa với bản sắc và nền độc lập của họ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gần đây nói rằng “kết quả của cuộc khủng hoảng với Iran sẽ là cơ hội để châu Âu có được các thể chế tài chính độc lập riêng, để chúng ta có thể giao dịch với bất cứ ai chúng ta muốn”. Trong quá khứ, hợp tác với tất cả các cường quốc lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một chính sách Iran hiệu quả.
Thứ ba, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã đặt nền móng cho thay đổi lịch sử trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, đồng đô la Mỹ đã ngự trị các thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi JCPOA đã khuyến khích các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các đồng nội tệ của họ để giao dịch với Iran. Nếu châu Âu thành công trong việc tạo ra một hệ thống tài chính có thể tách khỏi đồng đô la, các quốc gia khác có thể sử dụng đồng euro để giao dịch với Iran, xóa bỏ sự thống trị của Mỹ đối với thị trường toàn cầu.
Thứ tư, các bên ký kết JCPOA xem thỏa thuận hạt nhân này là phương tiện để ứng phó với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Điều này là nhờ vào thực tế JCPOA là một thỏa thuận đa phương được hậu thuẫn bởi nghị quyết Liên Hợp Quốc 2231 mà chính quyền ông Trump đã rút khỏi một cách đơn phương và đang cố gắng trừng phạt các quốc gia nào thực hiện nghị quyết này. Bất cứ sự nhượng bộ nào đối với Washington trong vấn đề này sẽ càng củng cố thêm cách tiếp cận hiện nay của Mỹ. Để tránh gặp phải điều này, cả Iran và cộng đồng quốc tế sẽ xem việc bảo vệ JCPOA là điều cần thiết có tính chiến lược.
Thứ năm, các đồng minh mạnh của Mỹ như là EU và Nhật Bản tiếp tục ủng hộ JCPOA. Chỉ một nhóm nhỏ đồng minh khu vực của Mỹ, bao gồm Saudi Arabia, UAE và Israel, là ủng hộ quyết định của ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong khi các nước chính trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Oman và Iraq tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này.
Đồng thời, các diễn tiến trong các cuộc khủng hoảng khu vực là không thuận lợi cho Mỹ và các đồng minh: Tổng thống Syria al-Assad, được Nga và Iran chống lưng, đang giành chiến thắng trong Nội chiến Syria. Chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan đã thất bại. Saudi Arabia không thể đánh bại lực lượng Houthi được Iran ủng hộ ở Yemen và Qatar đã vượt qua được thế bao vây của Saudi Arabia. Các bước phát triển này sẽ tạo thuận lợi cho Tehran tìm cách để vượt qua các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt.
Trong 6 thập kỷ qua, Mỹ là một thế lực áp đảo trong khu vực.
Tuy nhiên, cách tiếp cận đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tương lai của JCPOA có thể làm thay đổi các tính toán bằng việc tạo ra rạn nứt giữa các đồng minh hai bên bờ Đại Tây Dương, và đưa các nước khối phương Đông, châu Âu, và cường quốc khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq xích lại gần nhau hơn nữa.
Ngoài ra, JCPOA đã dọn đường cho các cường quốc thế giới, đặc biệt là châu Âu, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, bảo tồn các thỏa thuận quốc tế mà không cần có Mỹ. Điều này, cộng với việc Mỹ rút khỏi nhiều nơi trên thế giới, có tiềm năng làm chuyển đổi chính trị cường quyền quốc tế, từ chỗ là một hệ thống do Mỹ lãnh đạo sang một thế giới đa cực, với các nhân tố khu vực đóng vai trò quan trọng.
Trong bối cảnh đó, vòng trừng phạt tiếp theo của Mỹ nhằm vào Iran có khả năng sẽ làm tăng căng thẳng ở Trung Đông nhưng ít khả năng làm cho Mỹ đạt được mục tiêu ở Iran.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)