Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 22/9, cướp biển đã bắt cóc 12 thành viên thủy thủ đoàn một con tàu thương mại của Thụy Sĩ, mang tên MV Glarus, trong vùng lãnh hải Nigeria.
Theo Massoel Shipping, chủ sở hữu tàu, tàu MV Glarus đang vận chuyển lúa mì giữa thủ đô Lagos và trung tâm dầu khí Port Harcourt, thủ phủ bang River, Nigeria. Cướp biển đã bắt 12 trong số 19 thành viên thủy thủ đoàn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images. |
Hiện công ty Massoel Shipping đang làm việc với chính quyền và các chuyên gia để đảm bảo những người bị bắt giữ sẽ sớm được trả tự do. Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ đã được chủ tàu thông báo về tình hình, đồng thời cho biết không một thành viên nào trong thủy thủ đoàn là người gốc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, bộ trên không cho biết quốc tịch của các con tin.
Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, Cơ quan Hàng hải Thụy Sĩ đang làm việc với công ty vận tải. Lực lượng chức năng Nigeria cho biết chưa có thông tin về vụ bắt cóc và sẽ tiến hành điều tra.
Những năm gần đây, Vịnh Guinea đã trở thành tâm điểm của các vụ cướp biển ở châu Phi. Trong 6 tháng đầu năm nay, trên toàn thế giới có 6 thủy thủ đoàn bị cướp biển bắt cóc, tất cả đều xảy ra ở vịnh Guinea. Năm 2017, trong tổng số 16 vụ tàu thuyền bị tấn công bằng súng trên thế giới, Vịnh Guinea ghi nhận 7 vụ việc.
Cướp biển hoạt động ngoài khơi Nigeria, Togo hay Benin thường được trang bị vũ khí và hành xử bạo lực. Có lúc, cướp biển bắt giữ tàu trong nhiều ngày, đối xử tàn bạo với các thủy thủ đoàn. Các tàu ngày càng ít đi vào khu vực biển này. Cướp biển chỉ trả tự do cho các tàu thuyền và thủ thủy đoàn sau khi nhận được tiền chuộc.