Chi phí quân sự của Trung Quốc hiện lớn hơn Philippines 47 lần, nên trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào, quốc gia này cũng cần có sự chi viện quân sự của Mỹ.
|
Bãi cạn Scarborough - tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.
|
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã tuyên bố rằng, trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, số lượng quân Mỹ ở nước này có thể tăng lên, một căn cứ quân sự đang được hiện đại hóa và nó “sẽ kiềm chế bước đi cuối cùng của Trung Quốc”.
Các chuyên gia cho rằng, Philippines phải giải quyết càng nhanh càng tốt tranh chấp biển với Trung Quốc thông qua tòa án trọng tài quốc tế. Các quan điểm pháp lý của Philippines khá mạnh và thuyết phục trong khi Trung Quốc bác bỏ tham gia vụ kiện.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Russel nói rằng việc Nga sáp nhập Crimea làm gia tăng lo ngại với các đồng minh của Mỹ trong khu vực trước nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Tuy nhiên theo ông Russel, "viễn cảnh trả đũa kinh tế cũng sẽ làm nản lòng Bắc Kinh nếu nước này định dùng vũ lực theo đuổi yêu sách lãnh thổ ở châu Á theo cách Nga làm ở Crimea". Đặc biệt khi hiện nay nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc qua lại với Mỹ và các nước láng giềng châu Á.
Ông Russel khẳng định Mỹ vẫn duy trì cam kết bảo vệ đồng minh và cần thiết phải gia tăng áp lực lên Trung Quốc.
Ông Russel cũng hy vọng rằng việc Philippines cuối tuần trước đệ đơn kiện Trung Quốc tại tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague (La Haye) sẽ hối thúc Bắc Kinh nên rõ ràng, xóa đi sự mơ hồ xung quanh tuyên bố chủ quyền tại Đông Á.
Việc Trung Quốc triển khai một số lượng lớn tàu thuyền ra khu vực có tranh chấp với Philippines ở biển Đông, theo ông Russel là hành động mang tính "khiêu khích".