Phương Tây đẩy Nga về phía Iran

Google News

(Kiến Thức) - Nga và Iran có thể trở thành đồng minh của nhau nếu hợp tác giữa Nga và phương Tây xấu đi.

Theo chuyên gia quân sự Nga, Iran có thể trở thành đồng minh đáng tin hàng đầu của Moscow trong quốc phòng và an ninh khi quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi.
Mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã trở nên rất xấu trong tháng 3/2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea sau 60 năm được trả về Ukraine. Nhằm phản ứng với hành động của Nga, NATO đã ngừng tất cả những hợp tác quân sự với Nga vào cuối tháng 3/2014 trong khi Mỹ và EU ban hành các lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều quan chức Nga.
“Tình trạng hiện tại gợi cho chúng ta về Chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây. Trong tình cảnh này, Nga cần tìm kiếm những cơ hội mới để duy trì sự ổn định toàn cầu và xây dựng các mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi cũng như mối quan hệ kinh tế chính trị với các trung tâm quyền lực khác của thế giới”, ông Igor Korotchenko – thư ký tòa soạn tờ nguyệt san National Defense kiêm Giám đốc trung tâm Phân tích Thị trường vũ khí thế giới cho hay.
Iran có thể trở thành đồng minh thân cận nhất của Nga.
Ông Igor cho biết thêm, Moscow và Tehran nên khởi động lại các hợp tác quân sự nếu có một hiệp định bỏ qua các lệnh trừng phạt quốc tế được thông qua trong các cuộc đàm phán sắp tới về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
“Khi quan hệ hợp tác quân sự được bắt đầu trở lại giữa 2 nước, Nga cũng nên xem xét việc bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran”, ông Igor đưa ra lời khuyên.
Nga đã đồng ý bán 5 hệ thống phòng không S-300 cho Iran vào cuối năm 2007 với giá 800 triệu USD. Hợp đồng này bị dừng vào năm 2010 theo nghị quyết cấm xuất khẩu vũ khí tới Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – hình phạt dành cho chương trình hạt nhân của Iran. Iran phản ứng bằng cách kiện nhà xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport ra tòa án Geneva.
Người đứng đầu trung tâm Nghiên cứu Iran hiện đại là Radzhab Safarov cho biết, ông tin 90% rằng một hiệp định xóa bỏ lệnh trừng phạt Iran sẽ được thông qua vào cuộc họp diễn ra từ ngày 7/4-9/4 tại Vienna. Nếu được thông qua, hiệp định này sẽ mở đường cho hợp tác quân sự giữa Moscow và Tehran.
“Tôi cho rằng vòng thứ 3 của cuộc đàm phán sẽ có những giải pháp mang tính đột phá”, ông Radzhab Safarov cho hay.
Ông Radzhab Safarov cho biết, bế tắc ở Crimea – khủng hoảng tồi tệ nhất sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt có thể sẽ đóng góp cho các cuộc thảo luận về Iran vì sẽ có một cuộc đấu tranh gay gắt giữa Nga và phương Tây đối với vấn đề Iran.
Hồi đầu tuần, Nga và Iran đã bắt đầu thảo luận về việc đổi dầu lấy lương thực và trang thiết bị. Theo đó, Iran sẽ chuyển cho Nga 500.000 thùng dầu mỗi ngày để đổi lấy lương thực và trang thiết bị.
Iran và 6 quốc gia khác bao gồm Đức và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thảo luận về việc loại bỏ lệnh cấm vận dành cho Tehran nếu nước này dừng một phần chương trình hạt nhân.
Vào tháng 11/2013, hai bên đã nhất trí về một loạt các biện pháp tạm thời để hạn chế các hoạt động hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo trước khi đưa ra một thỏa thuận rộng lớn hơn.
Ngô Trang

Bình luận(1)

Minh Hiền

Trần Tuấn

Ngưu tầm ngưu, nã tầm mã. Một nước Nga với một nền kinh tế chưa phát triển nhưng lại đầu tư quá nhiều cho khí tài quân sự.