Trong bức thư gửi 192 thành viên LHQ và hai nước quan sát viên, Triều Tiên thúc giục họ "xem xét lại bất kỳ hoạt động nào đến khi tính hợp pháp của những "biện pháp trừng phạt" được làm rõ". Đến nay, Bình Nhưỡng đã nhiều lần yêu cầu LHQ thành lập một diễn đàn quốc tế gồm các chuyên gia pháp lý để giải thích cơ sở pháp lý cho các lệnh trừng phạt.
Trong thông cáo báo chí đính kèm với bức thư, Triều Tiên cáo buộc Mỹ ép buộc các nước khác thực hiện đầy đủ lệnh trừng phạt của LHQ bằng cách "công khai đe dọa họ sẽ phải đối mặt với 'những biện pháp trừng phạt nặng nề' của Mỹ".
Theo Triều Tiên, Washington không cần phải "van xin hay đe dọa" các nước khác thực thi biện pháp trừng phạt nếu những biện pháp này có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Truyền thông Triều Tiên đưa tin chính phủ còn gửi một bức thư hiếm hoi tới Hạ viện Mỹ hôm 12/5 để cảnh báo rằng những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn sẽ chỉ thúc đẩy nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters |
Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc, đồng minh của Bình Nhưỡng, về việc tăng cường các lệnh trừng phạt của LHQ. Trong năm qua, Triều Tiên liên tục thực hiện các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và phóng hàng chục loại rốc-két.
Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên lên Triều Tiên vào năm 2006 và đã tăng cường các biện pháp đáp trả 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân và 2 vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến khác, Triều Tiên đã triệu tập lại Ủy ban Đối ngoại của quốc hội, vốn bị bãi bỏ từ cuối những năm 1990, vào tháng 4 vừa qua. Theo các chuyên gia phân tích, đây có thể được xem là nỗ lực cải thiện quan hệ với thế giới bên ngoài trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng bị cô lập sâu sắc.
Ngày 12/5, Mỹ cảnh báo Trung Quốc sự tham dự của Triều Tiên tại một cuộc họp thượng đỉnh về sáng kiến "Vành đai và Con đường" (Con đường Tơ lụa mới) tổ chức vào cuối tuần này có thể ảnh hưởng đến sự có mặt của những nước khác và làm hỏng sự kiện ngoại giao lớn nhất năm 2017 của Bắc Kinh.
Hai nguồn tin tiết lộ đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã gửi một thông điệp ngoại giao đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc với nội dung rằng việc mời Triều Tiên sẽ gửi một thông điệp sai lầm vào thời điểm thế giới đang cố gắng gây áp lực lên Bình Nhưỡng về các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Trong khi đó, vào ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ thông báo Triều Tiên sẽ gửi một phái đoàn đến tham dự cuộc họp nhưng không cho biết thêm chi tiết.
|
Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức diễn đàn Vành đai và Con đường vào cuối tuần này. Ảnh: REUTERS |
Khi được hỏi về việc mời Triều Tiên tham gia, bà Anna Richey-Allen, phát ngôn viên của Văn phòng Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Mỹ hi vọng Trung Quốc thúc ép nước láng giềng trở lại "các cuộc đàm phán nghiêm túc" về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Một nguồn tin thân cận với các quan chức Mỹ cho biết nước này nghĩ rằng việc Triều Tiên đóng vai trò quan trọng tại diễn đàn Vành đai và Con đường là điều không thích hợp.
Một nguồn tin có hiểu biết về vấn đề tiết lộ một số nước phương Tây có thể rời khỏi phiên họp cụ thể của cuộc họp thượng đỉnh nếu Triều Tiên được giao vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Cũng theo nguồn tin trên, trưởng phái đoàn Triều Tiên có thể xuất hiện trên cùng sân khấu khi chụp ảnh nhóm với các nhà lãnh đạo và đại biểu khác. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Kim Yong-jae, Bộ trưởng Các mối quan hệ kinh tế nước ngoài, sẽ dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên.
Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên sẽ tham gia phiên nào trong cuộc họp, bao gồm thương mại, tài chính và trao đổi thông tin. Phía Trung Quốc đưa ra rất ít thông tin về người tham dự.