Trao đổi với tờ Bưu Điện Hoa Nam, Đại sứ Đức tại Trung Quốc Michael Clauss cho biết, sẽ là điều cường điệu khi nói rằng, Nga-Trung hình thành một khối thống nhất bởi vì “nhiều quan điểm khác nhau về các vấn đề” giữa họ vẫn còn tồn tại, bao gồm cả khủng hoảng Ukraine.
|
Tổng thống Nga Putin (đứng bên trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết các thỏa thuận của hai nước tại Thượng Hải ngày 21/5/2014.
|
Ở hội nghị Hội nghị cấp cao lần thứ tư về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại Thượng Hải hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương. Nhiều chuyên gia nhận định, đó là động thái nhắm vào Mỹ.
Cần phải nói, Bắc Kinh xem sự hỗ trợ an ninh của Washington đối với Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lần lượt ở Hoa Đông và
Biển Đông, là một động thái ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của họ. Để củng cố quan hệ giữa họ, Nga và Trung Quốc gần đây tổ chức cuộc tập trận hải quân ở vùng Hoa Đông.
Tuy nhiên, Đại sứ Clauss chỉ ra rằng, Trung Quốc đã không luôn luôn đứng vê phía Nga. Trong khi không đưa ra các chỉ trích Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng (thay vì phủ quyết) trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc ra nghị quyết vụ
sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
“Trung Quốc đã không ủng hộ các hành động của Nga ở Ukraine. Điều này trở nên rõ ràng ở phiên họp trên”, ông nói.
Cùng với đó, nhà ngoại giao Đức cũng đánh giá thấp về triển vọng của thỏa thuận mua bán khí đốt lịch sử giữa Nga và Trung Quốc, một động thái gắn kết quan hệ hai nước theo nhận định của các nhà quan sát.
Bản thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD nêu rõ, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia”. Hai nước đã mất tới hơn 10 năm thương thảo vì chưa thống nhất về mức giá bán khí đốt. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này đã đi tới hồi kết vào hồi tháng 5 khi ông
Putin đến thăm Thượng Hải.
“Ấn tượng của tôi đó là rất nhiều người ở Nga hi vọng, Trung Quốc sẽ sốt sắng với các cuộc đàm phán khí đốt đó. Cuối cùng, Nga lại là nước đưa ra nhiều nhượng bộ để đạt thỏa thuận về giá cả”, Đại sứ Clauss nói.