Sáp nhập Crimea, Nga phá vỡ mưu đồ hiểm của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, việc Nga sáp nhập Crimea đã phá vỡ kế hoạch đầy tham vọng tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tới các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ)

Việc Nga bất ngờ sáp nhập Crimea hồi tháng 3 được phương tây nhận định là một bước đi chống lại chính phủ thân phương tây ở Kiev của Moscow. Tuy nhiên mối quan hệ kinh tế ngày càng tăng giữa Ukraine và Trung Quốc cũng có thể là một lý do khác.
Quan hệ Trung Quốc – Ukraine trước khi Nga sáp nhập Crimea
Trong năm 2013, mối quan hệ thương mại song phương giữa Ukraine và Trung Quốc đạt mức 10 tỷ USD và nước này trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ukraine sau Nga. Bắc Kinh cũng cung cấp khoản vay 10 tỷ USD cho Ukraine.
Tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố dự án “Khu vực Kinh tế Con đường Tơ lụa” bằng buổi nói chuyện tại ĐH Nazarbayev, Astana (thủ đô Kazakhstan) và sau đó là cuộc họp của các nước trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Bishkek. Với sự có mặt của ông Putin, ông Tập Cận Bình đã trình bày dự án của Trung Quốc về hành lang giao thông mới nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới châu Âu, đi qua Trung Á và các nước Liên Xô cũ – bao gồm cả Ukraine, nhưng lại không có sự tham gia của Nga.
 Kế hoạch Khu vực kinh tế Con đường tơ lụa của Trung Quốc.
Ngày 3/12/2013, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã bay tới Bắc Kinh theo lời mời của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm 4 ngày. Ông Yanukovych đã tham dự diễn đàn doanh nghiệp Ukraine – Trung Quốc cũng như đưa ra tuyên bố Ukraine hỗ trợ dự án “Khu vực Kinh tế Con đường Tơ lụa”.
Nhằm đối phó với các căng thẳng gia tăng tại Ukraine, ông Yanukovych cũng yêu cầu khoản vay khẩn cấp 12 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không hứa hẹn gì về khoản vay kể trên và đề nghị 2 nước "dần dần thúc đẩy quan hệ đối tác dự án lớn" và Trung Quốc "sẵn sàng thảo luận hợp tác" với Ukraine về “Khu vực Kinh tế Con đường Tơ lụa”.
Kế hoạch ở Crimea của Trung Quốc
Trong chuyến thăm của ông Yanukovych, tỷ phú Trung Quốc Wang Jing công bố liên doanh 3 tỷ USD trong giai đoạn đầu với Kievgidroinvest nhằm xây dựng cảng thương mại nước sâu gần Saki ở Crimea, cải tạo Sevastopol và xây dựng một khu công nghiệp. Giai đoạn thứ 2 của liên doanh này sẽ được đầu tư 7 tỷ USD để xây dựng nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên, sân bay và nhà máy đóng tàu.
Trung Quốc dự định đầu tư 10 tỷ USD vào Crimea. 
Giám đốc Oleksiy Maziuk của hãng Kievgidroinvest cho biết, cảng mới ở Crimea sẽ đem về ít nhất 1,5 tỷ USD thu nhập mỗi năm cho Ukraine.
Báo chí Nga theo dõi rất sát những bước đi này của Ukraine và Trung Quốc và cho biết, hai nước đã có kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tập trung vào Crimea.
Cảng nước sâu không phải là dự án hàng hải duy nhất của Trung Quốc ở Crimea. Trung Quốc cũng lên kế hoạch xây dựng hàng loạt kho chứa hàng để trữ ít nhất 20 triệu tấn hàng hóa dọc bờ Biển Đen. Trong kế hoạch của Trung Quốc cũng có việc xây dựng lại và phát triển cảng đánh cá Sevastopol cũng như xây dựng cảng mới cho khu công nghệ cao.
Trung Quốc cũng thảo luận với ông Yanukovych trong việc thuê 600 dặm vuông ở Crimea để trồng 8 triệu tấn lúa mỳ và ngô xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tỷ phú Wang Jing cho biết, việc xây dựng ở Crimea sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2015 với thời gian triển khai không quá 2 năm và cảng sẽ bắt đầu có lợi nhuận vào năm thứ 6 sau khi tất cả các gian đoạn của dự án được thực hiện đầy đủ.
Lợi ích của Trung Quốc ở Crimea không chỉ đơn thuần là thương mại. Năm 2009, Trung Quốc ký hợp đồng với hãng vũ khí nhà nước Ukraine Ukrspetseksport để đóng 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr. 2 chiếc trong số này được đóng ở Crimea, 2 chiếc sẽ đóng ở Trung Quốc với sự trợ giúp của Ukraine. Chiếc tàu đổ bộ đầu tiên trị giá 350 triệu USD đã được chuyển cho Trung Quốc vào tháng 4/2013 cùng với các chi tiết kỹ thuật.
Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho rằng hành động của Ukraine đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Nga khi chuyển giao chi tiết kỹ thuật giúp Trung Quốc tự đóng được tàu đổ bộ đệm khí của Nga.
 Tàu đổ bộ đệm khí Zubr.
Trung Quốc phải chấp nhận Crimea thuộc Nga
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, các quyền lợi của Trung Quốc ở Crimea nằm dưới quyền điều khiển của Nga. Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý trong cuộc hội đàm với phía Trung Quốc về việc chúng tôi sẽ xem xét các dự án tại Crimea”.
Sau đó, đại sứ Nga ở EU Vladimir Chizhov thông tin thêm rằng, Nga sẽ hợp tác với Trung Quốc để xây dựng cảng nước sâu ở Crimea như một phần trong kế hoạch “Khu vực Kinh tế Con đường Tơ lụa” nhưng vẫn cho biết: “Vấn đề môi trường sẽ được ưu tiên”.
Còn lại, những kế hoạch khác của tỷ phú Wang như thuê đất nông nghiệp vẫn đang được xem xét. Việc Trung Quốc muốn mua thêm thủy phi cơ ở Crimea liệu có được tiếp tục dưới sự kiểm soát của Nga hay không, cũng là một điều không rõ ràng.
Với ông Putin, việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Ukraine cũng là mối đe dọa cho các dự án hợp tác kinh tế song phương giữa Nga-Ukraine cũng như tạo điều kiện cho chính quyền của ông Yanukovych thoát khỏi tầm kiểm soát của Nga. Việc con đường hàng hải của “Khu vực Kinh tế Con đường Tơ lụa” đi qua Ukraine và các nước Liên Xô cũ ở khu vực Caucasus và các nước Trung Á sẽ làm yếu đi ảnh hưởng của Nga tại đây trong khi tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
 Sevastopol là căn cứ rất quan trọng với Hải quân Nga, việc để Trung Quốc vươn bàn tay tới đây là điều không tốt chút nào.
Những sự cân nhắc kể trên chắc chắn sẽ góp phần trong quyết định sáp nhập Crimea của ông Putin. Ông Putin chắc chắn sẽ không để Trung Quốc gây ảnh hưởng lên Ukraine do vị trí quan trọng của Ukraine trong việc vận chuyển khí đốt cũng như căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Kế hoạch phát triển Crimea của Trung Quốc vẫn sẽ được tiếp tục nhưng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga và nước này có thể sẽ có sự thay đổi đáng kể so với kế hoạch ban đầu.
Về phía mình, Trung Quốc chấp nhận việc Nga sáp nhập Crimea là việc đã rồi. Thậm chí, Trung Quốc còn để Crimea kết nghĩa với đảo Hải Nam. Tất cả các việc này cho thấy Trung Quốc đang muốn duy trì mối quan hệ tốt với Nga khi Trung Quốc đang dần phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Trung Quốc cũng sẽ chấp nhận thực tế rằng, các nước Liên Xô cũ trong “Khu vực Kinh tế Con đường Tơ lụa” sẽ chịu nhiều ảnh hưởng hơn từ Nga thay vì Trung Quốc như kế hoạch ban đầu.
Ngô Trang

Bình luận(0)