Ba ngày sau vụ khủng bố ở Paris, Pháp, dư luận thế giới vẫn tiếp tục nóng với câu chuyện liên quan tới vấn đề đảm bảo an ninh và chiến lược chống khủng bố sau sự kiện gây chấn động này.
Các vụ đánh bom và xả súng đêm 13/11 tại Paris, Pháp được đánh giá là vụ khủng bố quy mô và có thiệt hại về người lớn nhất trong 40 năm trở lại đây ở Châu Âu. Ít nhất 129 người thiệt mạng và 352 người bị thương sau các vụ tấn công ở 6 địa điểm đông người. Pháp đang tiến hành một cuộc điều tra rầm rộ chưa từng có nhằm xác định thủ phạm của các vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại nước này và thông tin hé lộ đó là các chiến binh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
|
Cảnh sát Paris siết chặt an ninh (Ảnh Getty)
|
Không giống như vụ tấn công tại tòa soạn Charlie Hebdo của Pháp hồi tháng 1/2015, khi bọn khủng bố nhằm vào mục tiêu là những người được coi là "kẻ thù của Hồi giáo", lần này vụ tấn công lại nhằm vào dân thường. Giới quan sát nhận định, điều đó cho thấy lực lượng khủng bố muốn reo rắc sự sợ hãi, khiếp đảm cho người dân. Sau ba ngày xảy ra thảm họa, tinh thần của người dân Pháp ra sao? Việc xác định danh tính của những kẻ khủng bố có ý nghĩa như thế nào và dẫn tới những thay đổi gì trong quyết sách của phương Tây trong chiến lược chống khủng bố.
Người dân Pháp lo lắng nhưng không sợ hãi
Ngay sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong đêm thứ Sáu thì tất cả các cuộc tụ tập đông người đều bị cấm. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được người dân Pháp ra đường bày tỏ sự xót thương của mình với các nạn nhân cũng như bày tỏ sự kiên cường của mình trước các mối đe dọa khủng bố.
Ngày 15/11, tại các địa điểm bị khủng bố như quán bar Le Carillon ở quận 10 hay nhà hát Bataclan ở quận 11, rất nhiều người Pháp cả người già và trẻ em, cầm theo hoa đến để tưởng niệm các nạn nhân. Trên quảng trường Republique cũng có hàng trăm người tụ tập để bày tỏ sự đoàn kết. Những cuộc tụ tập như thế diễn ra trên khắp nước Pháp.
Nếu không vì tôn trọng lệnh cấm của chính phủ Pháp về tụ tập đông người, người dân Pháp nói chung và Paris nói riêng sẵn sàng xuống đường cả hàng trăm ngàn người để phản đối khủng bố. Người dân Pháp có lo lắng nhưng họ không sợ hãi. Họ tuyên bố nếu đóng cửa ở nhà thì chính là đang làm điều mà bọn khủng bố muốn, họ phải ra đường, sống tiếp cuộc sống theo cách họ muốn, để chứng tỏ cho bọn khủng bố thấy là chúng sẽ không bao giờ thắng. Nhịp sống bình thường đang quay lại với Paris, dù với một nhịp độ chậm hơn.
Nhập cư và khủng bố - “thách thức kép” cho châu Âu?
Theo thông tin điều tra được tiết lộ thì thủ phạm của các vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris vừa qua do nhóm chiến binh Hồi giáo IS tiến hành. Đáng chú ý là khi xác định danh tính nghi phạm thì có ba tên mang quốc tịch Bỉ, một tên mang quốc tịch Pháp và một tên mang hộ chiếu Syria nhập cư vào Pháp. Phải chăng “nhập cư” và “khủng bố” đang đặt ra những thách thức kép cho châu Âu?
Nhập cư là một chủ đề vô cùng nhạy cảm. Nhập cư tất nhiên mang đến gánh nặng về an sinh xã hội, công ăn việc làm và đặc biệt về an ninh nhưng nhập cư cũng là vấn đề nhân đạo mà các nước phương Tây, trong đó có Pháp, rất coi trọng. Không phải mọi người nhập cư đều có tiềm năng là khủng bố, nhưng khả năng khủng bố trà trộn vào dòng người nhập cư là rất lớn.
Đó chính là lí do mà từ nhiều tháng qua, khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21, các nước châu Âu đã tìm mọi cách thiết lập các cơ chế kiểm soát, như tăng cường kiểm soát biên giới ngoại vi, thiết lập các “hot spot” (điểm nóng) để phân loại người nhập cư ngay từ đầu nguồn, cũng như thiết lập hồ sơ số của từng người.
Châu Âu cũng vận động và tài trợ rất lớn cho các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước châu Phi để các nước này ngăn chặn từ xa dòng người tị nạn. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến lâu dài mà phải mất rất nhiều công sức mới có thể mang lại hiệu quả bởi căn nguyên của việc dân tị nạn Syria, Iraq… đổ sang châu Âu là vì chiến tranh, nghèo đói ở các đất nước đó.
Trong khi đó, khủng bố lại là một thách thức đến từ bên ngoài lẫn bên trong. Các phần tử khủng bố IS không chỉ đến Pháp hay châu Âu trong dòng người nhập cư mà còn nảy sinh từ chính các công dân Pháp hay châu Âu. Những công dân này, thường là gốc gác nhập cư, bị cực đoan hóa và được phiến quân IS tuyển mộ, trở thành những kẻ khủng bố ngay trong lòng nước Pháp và châu Âu.
Đây mới là mối đe dọa lớn nhất vì không ai có thể ngăn cản được những kẻ mang chính quốc tịch Pháp, sinh ra, lớn lên và hưởng trọn nền giáo dục Pháp nhưng rồi bất cứ lúc nào cũng có thể nã súng, nổ bom vào đồng bào của mình.
Bước ngoặt của chính sách đối ngoại Pháp?
Giới phân tích cho rằng, vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự đáp trả mạnh mẽ của phương Tây đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đó là một khả năng lớn. Kể cả khi chưa có vụ khủng bố đẫm máu vừa rồi ở Paris thì theo kế hoạch, thứ Tư này tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp cũng sẽ chính thức bắt đầu các chiến dịch không kích IS ở Syria. Vụ khủng bố này chắc chắn sẽ buộc chính phủ Pháp phải hành động mạnh tay hơn nữa. Chính quyền Pháp coi đây là “hành động chiến tranh” và Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố sẽ tấn công IS trên mọi mặt trận. Pháp chắc chắn sẽ gia tăng hành động quân sự ở Syria.
Tuy nhiên, với tiềm lực có hạn, Pháp không thể hành động một mình mà buộc phải tìm kiếm trợ giúp và hợp tác với các nước khác. Pháp đã nhận được tín hiệu ủng hộ mọi thứ cần thiết từ Mỹ, Anh và Đức để có thể tiến hành. Các chính trị gia đối lập ở Pháp như cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đang gây sức ép buộc chính phủ Pháp xích lại gần hơn với Nga để hợp tác cùng Nga trong các chiến dịch quân sự tại Syria.
Rất nhiều nhà phân tích đánh giá, vụ khủng bố ở Paris có thể sẽ là bước ngoặt trong đường lối đối ngoại của Pháp, nước vốn cứng rắn nhất đối với ông Bashar Al-Assad, người được Moscow bảo trợ. Có thể Pháp sẽ phải mềm mỏng hơn trong vấn đề này để đổi lại sự hợp tác hiệu quả hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Chỉ còn hai tuần nữa diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Pháp. Cho đến nay, tất cả các quan chức Pháp đều khẳng định COPE 21 vẫn sẽ diễn ra như kế hoạch, Pháp sẽ không vì mối đe dọa của bọn khủng bố mà lùi sự kiện quan trọng này. Pháp dự định sẽ huy động một số lượng lớn binh lính quân đội để đảm bảo an ninh, riêng khu vực Bourget, nơi diễn ra Hội nghị, sẽ dày đặc binh lính và bất khả xâm phạm. Bất cứ thay đổi nào về nghị trình của COPE 21 đều được Pháp coi như là một sự đầu hàng trước bọn khủng bố.
Ngoài COPE 21 thì vài tuần nữa Pháp còn tổ chức bầu cử địa phương, cũng là một sự kiện có nguy cơ an ninh cao nhưng Pháp cũng tuyên bố sẽ không thay đổi lịch bầu cử. Nhiều lãnh đạo các nước lớn trên thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã tái khẳng định sẽ vẫn đến Paris dự COPE 21, như là một hành động sát cánh cùng nước Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.