Tại khóa họp thứ 73 Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc hôm qua (7/6), Việt Nam - quốc gia đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương đã được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) với số phiếu ủng hộ áp đảo, 192 trên tổng số 193 phiếu.
Dư luận quốc tế đã ngay lập tức chúc mừng chiến thắng của Việt Nam, đồng thời bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
|
Khán phòng vỗ tay chúc mừng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. (Ảnh chụp màn hình). |
“Chúc mừng chiến thắng của Việt Nam”
“ Chúc mừng những người bạn của chúng tôi”
“ Hi vọng các bạn Việt Nam sẽ có một nhiệm kì thành công"
Đây là những lời chúc tốt đẹp mà đoàn đại biểu các nước đã đợi để bắt tay và chúc mừng Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cũng như đoàn đại biểu Việt Nam sau khi kết thúc phiên bỏ phiếu tại Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Với kết quả gần như tuyệt đối 192/193 phiếu, sự ủng hộ của các nước trước đó cũng được thể hiện với cả khán phòng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã vỗ tay không ngớt, sau khi Chủ tịch Đại hội đồng Maria Fernanda Espinosa thông báo Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 .
Đây là lần thứ 2 Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để đảm nhận trọng trách này. Trên trang mạng xã hội Twitter, hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế đã gửi lời chúc mừng đến Việt Nam. Phái bộ thường trực của Canada tại Liên Hợp Quốc đã gửi lời chúc mừng đến 5 quốc gia được bỏ phiếu, với một chiến dịch thành công để trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cũng gửi lời chúc mừng đến Việt Nam cũng như 4 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an nhiệm kì 2020- 2021, đồng thời bày tỏ Ukraine mong đợi được hợp tác hữu ích trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu với các nước. Người đứng đầu phái bộ thường trực Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog cho rằng, với kinh nghiệm hợp tác hiệu quả với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khác trong nhiệm kì đầu tiên, với nhiệm kì thứ 2, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức lớn của thế giới:
“Một nước đảm nhận vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an hiện cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn như sự chia rẽ chính trị giữa các nước lớn tại Hội đồng Bảo an hay bảo vệ quyền của người dân được nhận hỗ trợ nhân đạo. Tôi nghĩ đây là những lĩnh vực mà các nước được lựa chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an như Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng. Tôi nghĩ đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam được chờ đợi thể hiện vai trò cũng như sự tín nhiệm của mình với tư cách là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Olof Skoog nói.
Là quốc gia đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương, đã được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nhà ngoại giao quốc tế đánh giá đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đóng góp trên mặt trận ngoại giao, thương mại và an ninh khu vực. Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc Koro Bessho trông đợi Việt Nam sẽ giúp chuyển tải được quan điểm của khu vực châu Á tới các chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ông Bessho nhận định, Việt Nam có bề dày lịch sử rất quan trọng khi đã phải trải qua chiến tranh, đã xây dựng hòa bình, và phát triển kinh tế ngoạn mục. Những kinh nghiệm đó tạo cho Việt Nam có vị thế tại Hội đồng Bảo an, giúp Việt Nam có thể tư vấn và đóng góp rất tốt cho nhiều vấn đề tại đó. Đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc Dian Triansyah Djani tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có một nhiệm kì thành công, đóng góp tiếng nói giải quyết nhiều thách thức mà thế giới phải đối mặt.
Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã được cả khu vực châu Á lựa chọn, ủng hộ, để trở thành ứng cử viên duy nhất ra ứng cử vào Hội đồng Bảo an lần này. Đây tiếp tục là cơ hội giúp Việt Nam phát huy những thành công trong nhiệm kỳ 10 năm trước, 2008-2009, và tiếp tục có những đóng góp tích cực, thực chất và có trách nhiệm đối với Liên Hợp Quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiệm kỳ 2020-2021.