Theo đó, trong cuộc trao đổi phỏng vấn với tờ Interfax hôm thứ Hai (7/4), Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng trực thuộc Thượng viện Nga, ông Viktor Ozerov cho hay, lực lượng gìn giữ hòa bình của họ sẽ chỉ được điều sang quốc gia khác theo đúng khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Nga sẽ không thực hiện theo yêu cầu của những chính quyền địa phương. Đây là lời tuyên bố từ Moscow để trả lời trước yêu cầu từ Hội đồng nhân dân vùng Donetsk.
“Lực lượng hòa bình sẽ chỉ hành động theo đúng luật pháp quốc tế. Chúng ta đã có khá nhiều ví dụ về hoạt động của lực lượng này ở một số khu vực trên thế giới, như Nam Ossetia hay Abkhazia. Tất cả những lần gửi binh sĩ gìn giữ hòa bình đó đều nằm trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Do vậy, việc gửi lực lượng này tới Donetsk hay một nơi nào khác theo yêu cầu của chính quyền địa phương nơi đó sẽ đi ngược lại luật pháp quốc tế”, ông Ozerov phát biểu.
|
Cảnh đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình ở Donetsk.
|
Ngoài ra, vị Chủ tịch này cũng để ngỏ khả năng điều lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này tới thành phố Donetsk nếu có được sự chấp thuận của LHQ. “Nga không có quyền làm điều đó đơn phương. Tuy nhiên, nếu Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết gửi lực lượng hòa bình tới đó, thì Nga (với tư cách thành viên thường trực và là người tham gia ký kết Hiệp ước Hợp tác và An ninh ở châu Âu) sẽ có quyền tham gia đội ngũ gìn giữ hòa bình để đảm bảo an ninh ở khu vực này”.
Cho ý kiến về tình hình ở miền đông nam Ukraine, nơi những người thân Nga muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, ông Ozerov cho hay: “Trong trường hợp này, sẽ là phản tác dụng để kích động sự kiện từ bên ngoài. Nga lưu tâm tới sự ổn định ở Ukraine. Cùng với đó, ý nguyện của người dân cũng là vấn đề đáng bàn. Một cuộc trưng cầu dân ý là cách dân chủ nhất để người dân thể hiện mong muốn của mình”, ông nói.