Theo Al Jazeera, ngay cả trong hoàn cảnh bình thường, một vụ tấn công tàu chở dầu gần eo biển Hormuz - tuyến hàng hải quan trọng trong hoạt động cung cấp dầu của thế giới nằm giữa Iran và Oman - cũng trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Xảy ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran leo thang, vụ hai tàu chở dầu Front Altair và Kokuka Courageous bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 13/6 vừa qua càng khiến sự cố này trở thành mối đe dọa lớn đối với không chỉ thương mại toàn cầu, mà còn cả an ninh-hòa bình trong khu vực và quốc tế.
|
Sự cố tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman vừa qua khiến căng thẳng Mỹ-Iran leo thang. Ảnh: EPA. |
Mỹ ngay lập tức cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công, đồng thời công bố video được cho là ghi lại cảnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang cố tháo gỡ một quả mìn chưa nổ ra khỏi tàu Kokuka Courageous.
Tuy nhiên, Tehran bác bỏ những cáo buộc từ phía Washington. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng thời điểm xảy ra vụ tấn công là "đáng ngờ".
Giới chuyên gia Iran cũng phản bác các cáo buộc từ phía Mỹ.
"Sự việc không thể do Iran gây ra. Vụ tấn công này xảy ra tại vùng biển ngoài khơi Iran đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Tehran. Ngoài ra, thủy thủ người Nga có mặt trên con tàu Front Altair do Na Uy sở hữu. Trước đó, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định rằng 'kháng chiến' không có nghĩa là hành động quân sự. Sau khi xem xét những yếu tố này, bạn sẽ nhận ra rằng, Tehran không phải là thủ phạm (vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman)", Hamidreza Azizi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Shahid Beheshti ở thủ đô Tehran bình luận.
Một chuyên gia Iran giấu tên nói với Al Jazeera rằng, bất kể ai đứng đằng sau vụ hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 14/6, tình trạng bất ổn có thể vẫn hiện hữu ở Vùng Vịnh cho tới khi Mỹ và các đồng minh của họ thay đổi hành vi gây hấn đối với Iran.
"Nhiều người ở Tehran tin rằng cuộc đối đầu nguy mô lớn ở Vùng Vịnh là không thể xảy ra vì điều đó cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho cả Mỹ và các đồng minh khu vực của nước này", vị chuyên gia nhận định.
Mời độc giả xem thêm video về vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman (Nguồn: RT)
"Nếu sự leo thang căng thẳng dẫn đến đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran thì phản ứng của Tehran sẽ không chỉ nhắm đến Mỹ, mà còn liên quan đến các đồng minh của Washington trong khu vực. Họ có thể hy vọng về một cuộc xung đột có giới hạn, nhưng điều đó không xảy ra trong trường hợp của Iran. Đó sẽ là một cuộc chiến toàn diện do chính Mỹ khởi xướng", chuyên gia này nói tiếp.
Bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington, Tehran khẳng định sẽ không bị bắt ép ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Thay vào đó, họ khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả, bao gồm việc đóng cửa eo biển Hormuz.
"Theo luật pháp quốc tế, eo biển Hormuz là một tuyến đường hàng hải quan trọng, và nếu chúng tôi bị cấm sử dụng tuyến đường này, chúng tôi sẽ đóng cửa nó", Tướng Hải quân Iran Alireza Tangsiri tuyên bố.