Một trận động đất có cường độ 5,1 độ Richter vừa xảy ra tại Triều Tiên. Trong cuộc họp khẩn, các quan chức Hàn Quốc nhận định nhiều khả năng động đất ở Triều Tiên do thử hạt nhân.
|
Vị trí trận động đất vừa xảy ra tại Triều Tiên. Ảnh: USGS
|
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho hay tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km và cơn địa chấn xảy ra lúc 9h30 ngày 6/1 (giờ địa phương), cách khu vực Punggye-ri - nơi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2013 - khoảng 49 km.
Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc nghi ngờ cơn địa chấn vừa xảy ra tại Triều Tiên là một vụ nổ, theo Yonhap.
"Chúng tôi nghi ngờ đây là trận động đất do con người gây ra và đang phối hợp với Viện Tài nguyên và Khoa học Địa chất Hàn Quốc phân tích quy mô cũng như tâm chấn", Reuters dẫn lời một thành viên thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Hàn Quốc cho hay.
Trong cuộc họp khẩn, các quan chức Hàn Quốc nhận định nhiều khả năng động đất ở Triều Tiên do thử nghiệm hạt nhân.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, cũng cho rằng trận động đất tại Triều Tiên có thể là một vụ thử nghiệm hạt nhân. Ông đưa ra nhận định này dựa trên thông tin trong quá khứ. Theo ông Suga, chính phủ Nhật Bản đang họp và phân tích thông tin về vụ việc.
Reuters dẫn thông tin từ quan chức Mỹ cho hay Bộ Quốc phòng nước này đang “kiểm tra các báo cáo về trận động đất gần khu thử hạt nhân của Triều Tiên”.
|
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 4/1/2013 (bên trái) và ngày 23/1/2013.
|
Theo Yonhap, Triều Tiên sẽ đưa ra "tuyên bố đặc biệt" vào lúc 12h30 (giờ địa phương).
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã không thông báo về việc thử hạt nhân cho phía Trung Quốc hoặc Mỹ.
Tháng 12/2015, các nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkin nói, những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Bình Nhưỡng đang đào một đường hầm mới tại Punggye-ri. "Dù chưa có dấu hiệu về một vụ thử hạt nhân ngay lúc này, đường hầm mới tăng khả năng Triều Tiên sẽ thực hiện thêm các vụ thử nghiệm trong những năm tới", các nhà nghiên cứu nhận định.
Trong khi đó, Reuters dẫn thông tin từ truyền thông Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên dường như đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hồi tháng 12/2015.
Một quan chức quân sự Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên tiếp tục nâng cao khả năng của tên lửa phóng từ tàu ngầm. Tuy nhiên, các chuyên gia nói Bình Nhưỡng cần thời gian để có thể triển khai thành công loại vũ khí như vậy.
Hồi tháng 12, Yonhap cho hay Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử vũ khí nhiệt hạch tại bãi thử Punggye-ri.
Chương trình phát triển vũ khí hủy diệt của Bình Nhưỡng bắt đầu năm 1956. Dù là một bên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng rút lui năm 2003 với lý do bị chính sách thù địch của Mỹ đe dọa. Ba năm sau, vụ thử hạt nhân đầu tiên diễn ra.
Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 2, động thái khiến cả thế giới lo ngại. Vụ nổ gây ra một cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter. Người ta cho rằng Bình Nhưỡng kích nổ vũ khí ở khu vực gần Kiju, nơi được coi là địa điểm thử hạt nhân Pungye-ri của Triều Tiên. Vụ thử lần thứ 2 khiến Triều Tiên hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ngày 12/2/2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 và cũng là vụ thử lớn nhất. Các cơ quan chuyên trách của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phát hiện trận động đất mạnh từ 4,9 đến 5,1 độ Richter tại nơi Triều Tiên thử hạt nhân, bãi Pungye-ri. Theo phía Hàn Quốc, sức công phá của vụ nổ tương đương 6.000 tới 7.000 tấn thuốc nổ TNT.
Bên cạnh các vụ thử hạt nhân, Triều Tiên cũng đang nỗ lực thu nhỏ vũ khí thành đầu đạn để lắp lên tên lửa đạn đạo. Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo cho thấy Triều Tiên đang dần sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa liên lục địa, có thể tấn công tới các mục tiêu nằm xa khu vực.