|
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (Ảnh: SCMP) |
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20/12 đã chính thức kết tội hai tin tặc Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp các bí mật thương mại và công nghệ từ 12 quốc gia trên khắp thế giới. Cả hai nghi phạm này đều được xác định là hoạt động tấn công mạng thay cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS).
Tuyên bố trên của Mỹ được đưa ra không lâu sau vụ bắt giữ chưa từng có tiền lệ diễn ra hồi tháng 10. Xu Yanjun, một quan chức cấp cao của Cơ quan tình báo MSS, đã bị dẫn độ sang Mỹ sau khi bị "dụ dỗ" và bắt giữ tại Bỉ. Xu bị cáo buộc tìm cách đánh cắp các bí mật thương mại từ nhiều công ty hàng không và vũ trụ của Mỹ.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cũng từng gây chấn động khi bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia" của Trung Quốc hồi đầu tháng 12. Đây được xem là động thái trả đũa của Bắc Kinh sau vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Trung Quốc, theo đề nghị của Mỹ.
Các cơ quan tình báo về bản chất luôn hoạt động bí mật. Tuy nhiên, MSS dường như hoạt động dưới vỏ bọc thậm chí còn bí mật hơn tất cả các cơ quan tình báo khác. Không giống Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hay Cơ quan Tình báo Anh (MI6), MSS không có bất kỳ cổng thông tin điện tử chính thức nào, thậm chí các thông tin liên hệ công khai hay người phát ngôn cũng không có.
Cơ cấu của MSS
Bộ An ninh Quốc gia là cơ quan tình báo dân sự chính của Trung Quốc. Được thành lập từ năm 1983, MSS chịu trách nhiệm về các hoạt động phản gián, tình báo nước ngoài cũng như giám sát và tình báo nội bộ cho an ninh quốc gia Trung Quốc. Do vậy, MSS thường được mô tả là cơ quan pha trộn giữa Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Tương tự nhiều bộ khác trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, MSS cũng có mạng lưới chi nhánh rộng khắp tại các tỉnh thành trên lãnh thổ Trung Quốc.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc được tổ chức thành nhiều cục, trong đó mỗi cục được giao một nhiệm vụ khác nhau như tuyển mộ nhân viên làm việc cho MSS, thu thập thông tin tình báo nước ngoài, phụ trách hoạt động tình báo tại các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Macao, Hong Kong.
Lãnh đạo của MSS
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc do ông Chen Wenqing, người từng có 20 năm hoạt động trong lực lượng an ninh tại tỉnh quê nhà Tứ Xuyên, lãnh đạo. Trước khi nhận nhiệm vụ tại MSS vào năm 2015, ông Chen là cấp phó của "kiến trúc sư trưởng" chiến dịch chống tham nhũng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại cơ quan chống tham nhũng thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 2 năm.
Mặc dù tên của các thứ trưởng MSS thường không được công bố, song một trong số các quan chức của bộ này được xác định là Thứ trưởng Ma Jian - người đã bị cách chức. Ông Ma được cho là có quan hệ với Guo Wengui - một tỷ phú bỏ trốn của Trung Quốc đang sống lưu vong tại Mỹ. Ông Ma đã sa lưới trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc.
Danh tính một thứ trưởng khác của MSS, ông Qiu Jin, được hé lộ sau khi ông áp giải Wang Lijun, cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh, về Bắc Kinh. Ông Wang từng xin tị nạn trong lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vào đầu năm 2012 khi mối quan hệ giữa ông và cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người bị kết tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm quyền, xấu đi.
Quyền lực của MSS
Theo Luật Tình báo Quốc gia được thông qua năm 2017, MSS cùng các cơ quan tình báo khác của Trung Quốc có quyền năng rất lớn trong việc tiến hành nhiều hoạt động tình báo khác nhau ở cả Trung Quốc và nước ngoài, giám sát và điều tra các cá nhân và tổ chức trong nước và nước ngoài, thậm chí có thể ra lệnh cho các đối tượng này tham gia hoặc hỗ trợ cho các hoạt động tình báo.
MSS cũng được trao quyền để bắt giữ các đối tượng bị nghi ngờ cản trở hoặc để lộ các thông tin liên quan tới hoạt động tình báo trong thời hạn 15 ngày.
Theo Luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc, MSS có thẩm quyền bắt giữ các đối tượng là cảnh sát nếu phát hiện có hành vi phạm tội liên quan tới an ninh quốc gia.
Hai công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, đều bị MSS bắt với cáo buộc "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia" Trung Quốc. Tại Trung Quốc, cáo buộc này có nội hàm rất rộng và thường được sử dụng để nhắm mục tiêu tới các đối tượng bất mãn chính trị hoặc có tiếng nói trong vấn đề nhân quyền.
Hồi tháng trước, Sheng Hong, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Unirule, bị cấm rời khỏi Trung Quốc để tham dự một hội thảo tại Đại học Harvard, Mỹ với lý do ông này "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia".
Năm 2016, Peter Dahlin, một cán bộ thuộc tổ chức phi chính phủ Thụy Điển, cũng bị MSS bắt giữ trong khoảng thời gian hơn 3 tuần với cáo buộc tương tự. Dahlin được trả tự do sau khi xuất hiện trên truyền hình nhà nước Trung Quốc để thú nhận hành vi của mình.