Vào ngày 21.12.1988, chiếc Boeing 747-121 của Hãng hàng không Pan Am đã nổ tan thành nhiều mảnh khi đang hành trình từ sân bay London Heathrow của Anh tới sân bay quốc tế John F. Kennedy, Mỹ. Các nạn nhân xấu số gồm 243 hành khách và 16 thành viên phi hành đoàn, và 11 cư dân Lockerbie trên mặt đất. Họ đến từ 21 quốc gia khác nhau.
|
Hiện trường xác máy bay rơi. |
Trong vụ việc khiến cả thế giới chấn động, quả bom giấu trong một đài cassette đã phát nổ ở khoang chứa hàng hóa khi máy bay số hiệu 103 đang di chuyển ở độ cao 9,5km. Với 189 nạn nhân là người Mỹ, đây được xem là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất chống lại nước này trước thời điểm xảy ra vụ việc ngày 11.9.2001.
Trước vụ nổ 16 ngày, Đại sứ quán Mỹ ở Helsinki, Phần Lan, nhận được cuộc gọi cảnh báo sẽ có bom cài trên một chuyến bay Pan Am từ Frankfurt, Đức. Do vậy, sau này đã có nhiều tranh cãi về mức độ nghiêm trọng mà Mỹ đánh giá về cuộc gọi đó, nhưng giới chức Washington khẳng định mối liên hệ giữa lời cảnh báo và quả bom chỉ là ngẫu nhiên.
Tiến trình điều tra vụ việc diễn ra rất phức tạp và kéo dài. Mãi đến năm 1991, sau một cuộc điều tra chung giữa chính quyền Anh và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ngày 14.11, Washington chính thức cáo buộc 2 sĩ quan tình báo Libya - Abdel Basset Ali Al-Megrahi và Al Amin Khalifa Fhimah - là trùm sò.
Mỹ yêu cầu lãnh đạo Libya khi đó là Đại tá Gaddafi trao nộp 2 nhân vật này. Cả hai bị truy tố ở Mỹ về 193 tội danh, gồm 3 tội mang án tử hình. Các lệnh bắt giữ 2 người Libya này cũng được phát đi ở Scotland về các tội giết người và âm mưu liên quan vụ đánh bom.
|
Abdel Basset Ali Megrahi (phải) và Al Amin Khalifa Fhimah (trái). |
Tổng thống Mỹ George Bush đã tham vấn Thủ tướng Anh John Major và nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác để quyết định đưa ra phản ứng quốc tế. Họ nhất trí sẽ không loại trừ dùng vũ lực nếu Libya không trao nộp các nghi phạm.
Tuy nhiên, Đại sứ Libya tại Pháp Saeeb Mujber tuyên bố nước ông sẽ không đáp ứng yêu cầu, cho rằng làm như vậy không khác gì từ bỏ chủ quyền của Libya.
Cuối cùng, vào năm 1999, nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Libya, Đại tá Qaddafi đã đồng ý chuyển Al-Megrahi và Fhimah sang Scotland để xét xử tại Hà Lan nhưng sử dụng luật pháp và công tố viên của Scotland.
Đầu năm 2001, al-Megrahi bị kết án tù chung thân, còn Fhimah được tha bổng. Dù bị chính phủ Mỹ phản đối, Al-Megrahi được phóng thích và trở lại Libya vào tháng 08.2009 sau khi các bác sĩ xác định ông này chỉ còn sống được vài tháng.
Năm 2003, Libya nhận trách nhiệm về vụ đánh bom, được Liên Hợp Quốc và Mỹ bãi bỏ lệnh trừng phạt. Phía Libya đồng ý trả cho gia đình các nạn nhân khoảng 8 triệu USD tiền bồi thường. Thủ tướng Libya sau đó nói rằng, thỏa thuận này là "cái giá vì hòa bình", hàm ý đất nước ông nhận trách nhiệm là để thoát khỏi lệnh trừng phạt.