COVID-19: Hơn 50.000 người chết, ông Trump nói Mỹ ứng phó tốt

Google News

Số người chết do Covid-19 ở Mỹ vượt quá 50.000, tương đương 1/4 số ca tử vong trên toàn thế giới. Trong khi đó, tính đến ngày 25/4, số ca nhiễm sắp chạm mốc 1 triệu.

Cụ thể, theo số liệu trên trang Worldometers, tính đến ngày 24/4, Mỹ ghi nhận tổng cộng 52.092 ca tử vong, tăng hơn 1.600 ca so với một ngày trước đó và tăng gấp đôi trong vòng 10 ngày qua.
Cùng ngày, Mỹ cũng có thêm hơn 37.100 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này lên 923.612 ca. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được dự báo sẽ sớm lên tới 1 triệu khi Mỹ tiếp tục thúc đẩy công tác xét nghiệm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm ứng phó của chính phủ khi hơn 50.000 người đã chết vì Covid-19 tại Mỹ, ông Trump nói: "Tôi nghĩ chúng tôi đã làm rất tốt". Bởi theo ông Trump, giới chuyên gia trước đó dự đoán số người chết tại Mỹ có thể ít nhất 100.000 người.
COVID-19: Hon 50.000 nguoi chet, ong Trump noi My ung pho tot
 Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo về dịch Covid-19. Ảnh: New York Times
Tại cuộc họp báo hôm 24/4, ông Trump cũng thanh minh sau khi gây tranh cãi với đề xuất tiêm chất khử trùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ông Trump nói: "Tôi chỉ đặt ra một câu hỏi mỉa mai cho các phóng viên để xem điều gì xảy ra".
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 23/4, ông Trump đưa ra đề xuất: "Tôi thấy chất khử trùng hạ gục virus trong một phút, một phút thôi. Và có cách nào để chúng ta làm điều tương tự bằng cách tiêm vào bên trong cơ thể hay tẩy sạch chúng không? Bởi vì virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở phổi, và lây lan số lượng lớn trên phổi. Sẽ rất thú vị khi thử tới khả năng đó. Bạn sẽ phải nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ y khoa nhưng tôi thấy nó rất thú vị".
Ngay lập tức, ý tưởng này bị giới chuyên gia y tế phản bác.
COVID-19: Hon 50.000 nguoi chet, ong Trump noi My ung pho tot-Hinh-2
 Một tiệm cắt tóc ở Atlanta, Georgia hôm 24/4. Ảnh: AP
Cũng trong ngày 24/4, Tổng thống Donald Trump ký ban hành đạo luật phân bổ 484 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp và bệnh viện đang chịu sức ép vì dịch Covid-19 tại Mỹ. Gói hỗ trợ này là nỗ lực mới nhất của chính phủ liên bang nhằm cứu các doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động trong lúc các bang cố gắng làm chậm sự lây lan của Covid-19. Phần lớn số tiền sẽ đến tay các doanh nghiệp nhỏ thông qua Chương trình Bảo vệ Tiền lương.
Cũng theo AP, trong một tuần qua, khoảng 26 triệu người Mỹ, tức cứ 6 người có 1 người, đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: "Hàng triệu người mất việc. Đây thực sự là một ngày rất buồn. Chúng ta có mặt ở đây khi gần 50.000 người đã chết, một con số lớn người bị ảnh hưởng và sự bất định về mọi thứ".
Người dân ngồi tại một công viên ở Seattle của bang Washington khi công viên này mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters
Trong lúc ca nhiễm mới và số ca tử vong vì Covid-19 tiếp tục tăng mạnh, nhiều bang của Mỹ vẫn triển khai những bước đi đầu tiên nhằm mở cửa kinh tế trở lại, trong đó có bang Georgia, Oklahoma và hàng loạt bang khác.
Georgia là một trong những địa phương gây tranh cãi nhất với việc cho phép các phòng gym, tiệm làm tóc và các cơ sở kinh doanh khác mở cửa trở lại bất chấp cảnh báo từ giới chuyên gia rằng việc vội vã nới lỏng hạn chế có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại.
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump lại phát đi những tín hiệu trái chiều về thời điểm cũng như cách thức mở cửa nền kinh tế trở lại. Đầu tháng này, ông kêu gọi các thống đốc phe Dân chủ "giải phóng" các bang của họ khỏi các lệnh hạn chế, nhưng trong cuộc họp báo mới đây, ông không đồng tình với việc Georgia mở cửa trở lại.
Theo H.Bình/Báo Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)