Do ảnh hưởng của đại dịch, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Joe Biden khởi xướng dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tuyến và sẽ được phát trực tiếp để công chúng theo dõi.
Bên cạnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Biden còn gửi đi lời mời tham dự hội nghị đến 39 nguyên thủ quốc gia khác, trong đó có lãnh đạo của Trung Quốc và Nga.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Biden chủ trì. Ảnh: Thuận Thắng. |
Sự kiện nói trên được xem là một phần trong nỗ lực ưu tiên giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden. Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Biden có nhiều động thái nhằm giữ đúng cam kết ưu tiên vấn đề môi trường mà ông đã tuyên bố trong suốt cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Ngay trong ngày nhậm chức (20/1), Tổng thống Biden đã tuyên bố đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 26/3, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ công bố "mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng cho năm 2030" vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu. Nhà Trắng cũng cho biết họ sẽ khuyến khích các quốc gia khác thúc đẩy các mục tiêu về môi trường của riêng họ theo Hiệp định Paris.