VOV xin giới thiệu một số nét chính về quan điểm, chính sách trong cương lĩnh tranh cử của ông Joe Biden:
|
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu tại bang quê nhà Delaware (Ảnh: Reuters). |
Chính sách đối nội:
+ Đối với đại dịch Covid-19, ông Biden chủ trương xét nghiệm miễn phí cho toàn dân; kêu gọi sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng cường sản xuất trang thiết bị bảo hộ y tế; có kế hoạch giúp doanh nghiệp và trường học mở cửa trở lại; hỗ trợ tài chính để giữ chân và chi trả tiền công cho công nhân; xây dựng cơ sở thanh toán cho trường học; đảm bảo nghỉ phép vẫn được trả lương đối với những người bị nhiễm Covid-19, hoặc những người đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19; và kêu gọi bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong ít nhất ba tháng tới để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
+ Đối với vấn đề nhập cư, ông Biden ủng hộ cải cách chính sách nhập cư, bao gồm cho phép nhiều cư dân hiện sống tại Mỹ mà không có giấy tờ trở thành công dân. Tuy nhiên, ông Biden cũng ủng hộ tăng cường thực thi luật di trú của Mỹ, trục xuất những người mới nhập cư và có tiền án. Ông Biden cam kết sẽ khôi phục các chính sách nhập cư của mình dưới thời Tổng thống Obama, sau những thay đổi quá cứng rắn của Chính quyền Trump. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hiệp hội Quốc gia các Nhà báo da màu và Hiệp hội Quốc gia các Nhà báo gốc Tây Ban Nha ngày 06 tháng 8, ông Biden tuyên bố sẽ ngừng xây dựng tường biên giới với Mexico, khẳng định không có một mét tường nào khác được xây dựng dưới chính quyền của mình. Đồng thời, ông Biden cam kết nước Mỹ sẽ có biên giới phía Nam được bảo vệ, nhưng điều đó dựa trên việc sử dụng công nghệ cao để đối phó với những hoạt động bất hợp pháp trên toàn tuyến biên giới và tại các cửa khẩu.
+ Về cải cách lực lượng cảnh sát, ông Biden không ủng hộ chủ trương kêu gọi gây “mất lòng” lực lượng cảnh sát; ủng hộ các đề xuất tăng chi tiêu cho các chương trình xã hội tách biệt với ngân sách dành cho cảnh sát địa phương; ủng hộ cấp kinh phí cho cải cách lực lượng cảnh sát ở địa phương và tăng cường trang bị thiết bị cho cảnh sát trong đảm bảo an ninh trật tự; ủng hộ chương trình định hướng tiếp cận cộng đồng trong lực lượng cảnh sát.
+ Về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Biden chủ trương chi khoảng 1,7 tỷ USD để đưa Mỹ trở lại đúng quỹ đạo nhằm loại bỏ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050; đưa ra kế hoạch “Blue Deal” (Giải pháp Xanh) nhằm giải quyết cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu; kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho phát triển nhiên liệu hóa thạch và cấm cấp phép khai thác dầu khí mới ở trên các khu vực đất công; và sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
+ Về phát triển kinh tế, ông Biden chủ trương thúc đẩy tầng lớp trung lưu trở thành phần trụ cột trong nền kinh tế Mỹ; bãi bỏ các biện pháp cắt giảm thuế của Chính quyền Trump; tăng mức lương làm việc theo giờ (15 USD/giờ); loại bỏ các thỏa thuận không cạnh tranh cho người lao động và mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục giá phù hợp; xem xét việc nâng mức thuế thu nhập cá nhân lên khoảng 39,5% và tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%.
+ Về vấn đề giáo dục, ông Biden chủ trương tăng tài trợ cho các trường học ở các khu vực có thu nhập thấp, giúp giáo viên có thể trả các khoản vay và tăng gấp đôi số lượng bác sĩ, nhân viên y tế trong các trường học; cắt giảm các khoản vay nợ cho sinh viên; và quyết tâm đưa các đề xuất giáo dục trở thành luật ngay cả khi đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện sau bầu cử.
+ Về vấn đề sử dụng súng, ông Biden không ủng hộ sử dụng súng vì cho rằng đây là mối đe dọa an ninh và từng tuyên bố “kẻ thù của chúng tôi là các nhà sản xuất súng”.
+ Về y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, ông Biden chủ trương mở rộng chương trình trợ cấp theo Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng, hay còn gọi là Obamacare, nhằm tạo ra sự lựa chọn mới tương tự Medicare dành cho mọi đối tượng.
Chính sách đối ngoại:
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Biden đã công bố kế hoạch nhằm khôi phục vị thế toàn cầu của Mỹ. Kế hoạch nhấn mạnh 3 ưu tiên gồm: Đổi mới dân chủ ở trong nước; Trang bị cho người dân Mỹ để thành công trong nền kinh tế toàn cầu; Xây dựng lại ngành ngoại giao Mỹ, theo đó đặt các nhà ngoại giao chuyên nghiệp vào một vị thế thích hợp, qua đó thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm huy động hành động tập thể để ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu.
Trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên đảng Dân chủ đầu năm nay, ông Biden ủng hộ việc duy trì quân đội Mỹ tại Trung Đông, cho rằng việc duy trì quân đội Mỹ tại khu vực là cần thiết, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran dẫn tới về nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai nước.
Trước đó, phát biểu tại Đại học thành phố New York, bang New York, ông Biden cũng đã vạch ra tầm nhìn chính sách đối ngoại của riêng mình liên quan tới vai trò toàn cầu của Mỹ và trái ngược với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump. Ông Biden tuyên bố, nếu đắc cử tổng thống Mỹ, ông sẽ nhắc cả thế giới rằng “chúng tôi là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” và sẽ không “chiều chuộng những nhà độc tài”, ám chỉ việc ông Trump làm ngơ vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như để tình cảm cá nhân lấn át giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thông tin về ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden:
Ông Joe Biden sinh ngày 20/11/1942 (77 tuổi) tại thành phố Scranton, bang Pennsylvania.
Về gia đình: Vợ Jill Biden và vợ đầu Neilia Hunter (đã mất). Ông Biden có 4 người con, gồm Hunter Biden; Beau Biden, cựu Bộ trưởng Tư pháp bang Delaware (mất 2015); Ashley Biden; và Naomi Biden.
Trình độ học vấn: Tốt nghiệp Đại học Luật Syracuse (1968).
Về sự nghiệp chính trị: Ông Biden là Phó Tổng thống thứ 47 của Mỹ (2009 - 2017) dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trước đó, ông Biden là Thượng nghị sĩ đại diện bang Delaware (1973-2009) và là người có thâm niên lâu thứ 6 so với tất cả các thượng nghị sĩ hiện tại của Mỹ.Ông Biden từng hai lần ra tranh cử tổng thống trong những năm 1988 và 2008.