Tính đến ngày 5/6, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã vượt qua mốc 1.991 phiếu đại biểu cam kết cần thiết để đại diện cho đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với đương kim Tổng thống Donald Trump.
|
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh: CNN. |
Ứng cử viên Biden đã khiến dư luận bất ngờ với khởi đầu chậm chạp ở ba bang bầu cử sơ bộ đầu tiên, giờ ông lại đang khiến dư luận bất ngờ hơn bởi những bước tiến ngoạn mục. Vậy đâu là điểm tựa giúp ông Biden bứt phá trong chiến dịch vận động tranh cử trong nội bộ đảng Dân chủ?
Hiện tại, ông Biden đã thu được 1.993 phiếu đại biểu cam kết, cho dù vẫn còn 8 bang và 3 vùng lãnh thổ vẫn chưa tổ chức bầu cử tổng thống sơ bộ. Với việc các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ đã lần lượt rút lui, về mặt lý thuyết ông Biden hiện đã là ứng cử viên cuối cùng song vẫn phải chờ đến khi được chính thức xướng tên tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra từ ngày 17-20/8.
Bước đi hợp lý
Để có được thành quả quan trọng này, bản thân cựu Phó Tổng thống Joe Biden và đội ngũ vận động tranh cử giàu kinh nghiệm của ông đã có những bước đi hợp lý cả về mặt chiến lược và chiến thuật vận động để đoàn kết, tập hợp lực lượng, mà trước tiên là trong nội bộ đảng Dân chủ.
Phát biểu tại buổi họp báo sau khi đã giành đủ số đại biểu cam kết cần thiết, cựu Phó Tổng thống Biden bày tỏ vinh dự khi cạnh tranh cùng một trong những nhóm ứng cử viên tài năng nhất của đảng Dân chủ và tuyên bố các thành viên Dân chủ sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử với vai trò là một khối đoàn kết. Ông Biden đồng thời khẳng định sẽ dành từng ngày, từ nay đến ngày 3/11 để thu hút phiếu bầu của những cử tri Mỹ trên khắp cả nước.
Ông Biden cũng không quên xoáy sâu vào điểm yếu của đối thủ Donald Trump: “Theo quan điểm của tôi, ông ấy không biết điều gì đang thực sự xảy ra ở đất nước này. Ông ta không có ý tưởng nào về nỗi đau sâu thẳm mà nhiều người vẫn đang chịu đựng và vẫn hoàn toàn lãng quên sự tổn thất về sinh mạng. Đây là thời điểm cần bước ra khỏi hầm trú ẩn của riêng mình, xem xét những hậu quả bắt nguồn từ những lời nói và hành động của ông ấy”.
Ngay từ đầu, các đối tượng mà đội ngũ vận động tranh cử của cựu Phó Tổng thống Biden hướng tới là cộng đồng người Mỹ gốc Phi, cử tri lớn tuổi, cử tri da trắng ở vùng ngoại ô và trên thực tế ông đã nhận được sự ủng hộ của họ.
Khi các cuộc biểu tình phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd lên tới đỉnh điểm tại nhiều bang của Mỹ, ngày 01/6, ông Biden đã gặp các lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở thành phố Wilmington, bang quê nhà Delaware. Một ngày sau, ông Biden lại phát biểu ở Tòa thị chính Philadelphia, bang Pennsylvania để kêu gọi Quốc hội Mỹ ban hành luật cải cách lực lượng cảnh sát và giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc. Ông Biden cũng cam kết đến dự lễ tang George Floyd ở thành phố Houston, bang Texas vào ngày 9/6 tới.
Chắc chắn những hành động đó sẽ giúp ông Biden thu hút thêm lá phiếu của cử tri gốc Phi, vốn được dự báo có tiếng nói quan trọng trong cuộc bầu cử lần này.
Tận dụng điểm yếu của ông Trump
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng đương kim Tổng thống Trump là người giỏi khai thác những chia rẽ của nước Mỹ hơn là hàn gắn các rạn nứt và bất đồng. Ông Trump không chỉ công khai đối đầu với các nghị sỹ đảng Dân chủ tại cả hai viện của Quốc hội, mà còn gây bất hòa trong chính nội bộ đảng Cộng hòa liên quan tới hàng loạt vấn đề trong thực thi chính sách đối nội và đối ngoại.
Những lời nói, hành động của ông chủ Nhà Trắng, mà bên phía đảng Dân chủ và truyền thông cho rằng chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” vào thời điểm nước Mỹ đang phải đương đầu với một cuộc “khủng hoảng kép” càng gây thêm chia rẽ trong lòng nước Mỹ.
Đối tượng cử tri và cách thức tiếp cận của đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cũng khác biệt so với đối thủ bên phía đảng Dân chủ. Với khẩu hiệu “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”, các nhóm đối tượng cử tri mà chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump đang hướng tới vẫn là tầng lớp trung-thượng lưu, cử tri da trắng khu vực thành thị và cử tri nông thôn.
Hàng loạt các cuộc thảo luận bàn tròn ở Nhà Trắng giữa ông Trump với đại diện các tập đoàn công nghiệp chế tạo, bán lẻ, chăn nuôi, khai thác-chế biến thủy sản,… thời gian vừa qua cho thấy rõ mục tiêu đó. Ông Trump cũng nhiều lần tuyên bố đã giữ lời hứa với cử tri Mỹ khi đang nỗ lực xây dựng một xã hội thịnh vượng và toàn diện nhất thế giới, nơi mọi người dân đều có thể tham gia. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thực tế dường như không phải như vậy.
Kể từ đầu nhiệm kỳ cũng như khi chính thức tuyên bố tái tranh cử, ngoại trừ kênh truyền hình Fox News, ông Trump gần như quay lưng lại hoàn toàn với các phương tiện truyền thông, nhiều lần gọi đó là những hãng “tin giả”. Đây là cách tiếp cận hoàn thoàn trái ngược với cựu Phó Tổng thống Biden.
Vẫn còn gần 5 tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử. Với việc ông Biden đã gần như chắc chắn là ứng cử viên cuối cùng bên phía đảng Dân chủ, từ thời điểm này trở đi cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ thực sự gay cấn.
Kết quả thăm dò dư luận trung bình trên toàn quốc đến thời điểm này vẫn đang tạm nghiêng về ông Biden với 7,1% và sẽ còn thay đổi trong những tuần, tháng tới. Sử dụng hợp lý cả về chiến lược và chiến thuật trong giai đoạn vận động tranh cử nước rút này sẽ quyết định ông Trump hay ông Biden là chủ nhân Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021.