Cụ thể, tại sự kiện hôm 1/4 này, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski đã “xin” hai lữ đoàn bộ binh cơ giới nặng (với khoảng 5.000 quân mỗi lữ đoàn) tới đóng trên lãnh thổ của Ba Lan trong thời gian tới. Ba Lan hiện có khoảng 22,5 Km đường biên giới chung với chủ thể Kaliningrad của Nga.
“Sẽ là rất quan trọng khi tất cả thành viên được đón nhận cùng một mức độ an ninh. Ba Lan đã là thành viên của NATO trong 15 năm qua. Do vậy, chúng tôi yêu cầu việc triển khai một lượng quân thường trú trên lãnh thổ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia”, Ngoại trưởng Sikorski phát biểu.
|
Toàn cảnh phiên họp các ngoại trưởng NATO hôm 1/4.
|
Các Ngoại trưởng NATO đang tập trung ở Brussels để xem xét khả năng điều chuyển quân tới Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic (tất cả đều có chung biên giới với Nga). Đây là một động thái nhằm ứng phó với những báo động về việc Nga không ngừng triển khai binh sĩ tới dọc biên giới giáp miền đông Ukraine.
Một mối bận tâm khác đã được Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen trình bày trước toàn thể đại diện các quốc gia thành viên. Theo đó, cũng trong hôm 1/4, ông Rasmussen thẳng thắn cho biết, “không thể xác nhận Nga có đang rút quân hay không”. Đồng thời, vị Tổng thư ký này đã cảnh báo về các nguy cơ gây nên bởi “sự triển khai quân rầm rộ như vậy”.
Trước đó, vào hôm thứ 2 (31/3), trong cuộc diện đàm với Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Nga Putin thông báo kế hoạch rút một số lượng binh sĩ của họ ở dọc biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, các vị ngoại trưởng NATO trong cuộc họp này khẳng định, Moscow chưa thực hiện theo đúng lời cam kết trên.