Dấu ấn hồn Khuê Văn Các
Là một võ tướng, Nguyễn Văn Thành (1758 – 1817) rất coi trọng việc học hành. Cùng thời gian sửa sang lại Bắc thành (tên gọi của Thăng Long vào đời Tây Sơn khi kinh đô đóng ở Phú Xuân - Huế), ông đã cho tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các (Gác văn sao Khuê) ở cửa Nghi Môn. Công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805, tạo nên một kiến trúc có giá trị văn hóa, mỹ thuật. Chính tại đây, hằng năm vào mùa xuân và mùa thu, chọn ngày Đinh, lệnh cho quan đến tế, lấy bốn tháng giữa xuân, hạ, thu, đông tổ chức khảo thí học trò.
|
Khuê Văn Các.
|
Theo các sách chính sử, Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát, mái mỗi bề xếp thành hai lớp tạo nên một đài tháp tám mái gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, bốn mặt gác đều có cửa sổ hình mặt trời với kích thước hài hòa, cân xứng, những song gỗ tỏa đều như tia nắng chiếu lên bề mặt địa cầu mà giếng vuông Thiên Quang là biểu tượng. Hai bên phải, trái của gác Khuê Văn là hai cổng nhỏ Súc Văn và Bí Văn (văn hàm súc và văn sáng đẹp). Khuê Văn Các được lát gạch Bát Tràng, muốn lên gác phải đi qua ba bậc thang đá. Toàn gác đặt trên bốn trụ gạch vuông, trên các mặt trụ đều có chạm trổ hoa văn tinh tế. Bốn cạnh sàn cũng đều có diềm gỗ chạm trổ sắc sảo.
Đến nay, Khuê Văn Các vẫn là một trong những biểu tượng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Ít người biết rằng kiến trúc này chính là ý tưởng của vị tổng trấn đầu tiên của triều Nguyễn trên đất Bắc thành - Thăng Long, thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học với tư tưởng coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia.
Nghi án từ một bài thơ phản
Nổi bật trong công trạng của Nguyễn Văn Thành với vương triều Nguyễn là việc ông được vua Gia Long giao cho là người đứng đầu soạn thảo bộ Hoàng Việt luật lệ mà lịch sử thường gọi với tên luật Gia Long. Đây là bộ luật hoàn chỉnh nhất trong thư tịch cổ của pháp luật Việt Nam bên cạnh bộ Quốc Triều hình luật (tức luật Hồng Đức thời hậu Lê).
Dù là một công thần của triều đình nhưng Nguyễn Văn Thành đã liên quan đến một vụ án thời vua Gia Long để rồi ông đã phải chọn cái chết để kết thúc một cuộc đời đầy tự hào và oan trái. Điều đặc biệt, Nguyễn Văn Thành là người soạn thảo bộ luật Gia Long nhưng chính ông lại phải nhận cái án đầy khắc nghiệt trong bộ luật này. Vụ án của Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ và ông đã phải chịu trách nhiệm liên đới.
Nguyễn Văn Thành có con trai trưởng Nguyễn Văn Thuyên. Thuyên đỗ hương cống năm Ất Hợi 1815, vốn là người hâm mộ văn chương, thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” (ghi chép lịch sử thời vua Gia Long) nhắc đến bài thơ như sau:
“Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt/ Dành để chiếu bên ta muốn chờ/ Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn/ Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc/ Thơm nghìn dặm lan trong hang tối/ Vang chín chằm phượng hót gò cao/ Phen này nếu gặp Tể (tướng) trong núi/ Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ”.
Bài thơ đã đến tai nhiều vị quan triều đình trong đó có cả vua Gia Long. Những người có hiềm khích với Nguyễn Văn Thành đã dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua của cha con ông. Vụ án đã lan rộng ra khắp nơi và trở thành vụ án lớn nhất thời bấy giờ. Vì là người có công trạng lớn trong triều đình nên việc xử lý Nguyễn Văn Thành rất khó khăn. Ông đã bị tước hết ấn và tiếp tục chờ xử lý.
Vị tướng oai phong chết trong oan nghiệt
Cũng cần nói vai trò của vua Gia Long trong vụ án này. Dù là người đứng trên tất cả nhưng Gia Long cũng không bảo vệ một trong những vị công thần có công lớn đưa mình lên ngôi hoàng đế. Điều đó thể hiện sự nghiêm khắc của vương triều hay giữa vị vua đầu tiên của triều Nguyễn với công thần của mình đã có những rạn nứt trong quan hệ? Vụ án ngày càng trở nên căng thẳng trong triều đình, cuối cùng Nguyễn Văn Thành đã phải chịu cái án nặng nhất – cái chết.
|
“Sách Đại Nam thực lục” nói về việc Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc chết.
|
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 55, năm Gia Long thứ 16 (1817) có chép: Vua nói: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội thì phép công của triều đình trẫm không thể làm của riêng được”. Bèn sai bắt Văn Thành và con giam ở nhà quân Thị lang. Bầy tôi họp ở Võ công thị để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: “Có làm phản không?” Thành nói: “Không”. Văn Thành trả lời rồi đi qua, sắc mặt bừng bừng. Trở về nhà quan nói với Thống chế Thị trung Hoàng Công Lý rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Rồi thân đi nằm hồi lâu, uống thuốc độc chết. Việc tâu lên, vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nó gì không?” Công Lý đem hết lời Thành nói thưa lên. Vua giận nói rằng: “ Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Bỗng có quân lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ biểu khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.
Vụ án Nguyễn Văn Thành khép lại để lại những dấu hỏi lớn trong triều đình. Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử còn người con trai của ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị trảm quyết. Vụ án này không những để lại những dư âm triều vua Gia Long mà sau này còn ảnh hưởng đến cả các triều vua sau của nhà Nguyễn.