Bước đầu dấy nghiệp của nhà Tây Sơn gắn liền với nhiều câu chuyện phong thủy rất sống động về địa thế của vùng đất có núi non trùng điệp ở hai bờ sông Côn và luôn tồn tại song song với câu sấm truyền lịch sử vào thuở ấy: “Tây khởi nghĩa – Bắc thu công”…
Có một “Hoành Sơn” ở phương Nam
Thường mỗi khi nhắc hai tiếng “Hoành Sơn” ở phía Bắc (tỉnh Quảng Bình) người ta liên tưởng đến cơ nghiệp nhà Nguyễn. Song cũng có một “Hoành Sơn” khác nữa nằm sâu về phía Nam (tỉnh Bình Định) vốn là nơi huyệt kết phát vương của anh em nhà Tây Sơn.
Núi Hoành Sơn chạy dài và tỏa rộng về phía đường quốc lộ với hai dòng suối (Đồng Tre và Chi Lưu) đưa nước uốn quanh dưới chân (thủy tụ). Mộ của ông bà Nguyễn Phi Phúc - song thân của Tây Sơn tam kiệt, tức ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - nằm trên đó. Song không ai biết chính xác mộ ở vị trí nào trong núi.
Đến nay, nơi huyệt táng ông bà Nguyễn Phi Phúc vẫn là điều bí ẩn thu hút các nhà nghiên cứu phong thủy. Tuy nhiên, căn cứ theo các tài liệu lịch sử cũng như dò tìm manh mối qua các nội dung truyền khẩu tại địa phương, người ta được biết ít nhất hai câu chuyện liên quan đến đại địa của nhà Tây Sơn ở đó như sau:
Chuyện thứ nhất kể rằng, vào khoảng giữa thế kỷ 18, có một thầy địa lý từ Trung Quốc không biết cách nào đã lặn lội vào tận đất Bình Định để tìm long mạch và huyệt kết vùng núi Hoành Sơn. Thầy đã dùng hai cây trúc lén cắm ở hai nơi trên triền núi Hoành Sơn để dò huyệt địa, rồi bỏ đi mất một thời gian. Những gì thầy địa lý làm đều không qua được mắt của Nguyễn Nhạc.
|
Ảnh minh họa.
|
Nguyễn Nhạc theo dõi và thấy một trong hai cây trúc bị chết, tàn lụi, còn cây trúc kia vẫn sống tươi xanh. Ông nhổ cây trúc chết đem trồng vào chỗ cây trúc sống. Lại nhổ cây trúc sống đến trồng vào chỗ cây trúc đã chết. Chẳng bao lâu sau, thầy địa lý người Trung Hoa đến để xem kết quả thử địa ở Hoành Sơn thì thấy cả hai cây trúc đều khô chết nên thầy thất vọng thầm nghĩ đây không phải là đất phát vương nên bỏ đi biệt hẳn. Bấy giờ, Nguyễn Nhạc mới bốc mộ của cha mình là cụ Nguyễn Phi Phúc đem táng vào chỗ có cây trúc tươi mà chỉ Nguyễn Nhạc biết thôi.
Chuyện thứ hai cho rằng, thầy địa lý người Trung Hoa khi đến vùng Tây Sơn để dò tìm long mạch và chỗ huyệt kết đã ở tại nhà của Nguyễn Nhạc. Hằng ngày, thầy đi lùng kiếm khắp vùng, đem theo chiếc la bàn, tấm vải điều màu đỏ và một chiếc gậy đẽo từ gỗ của một cây đại thọ trăm năm. Hết chỗ này đến chỗ khác thầy vẫn không vừa ý, cuối cùng thầy địa lý để tâm đến hòn Hoành Sơn.
Nguyễn Nhạc dò biết nên âm thầm kín đáo theo sau thầy địa lý và phát hiện được nơi huyệt kết. Khi thầy địa lý về lại Trung Hoa để hốt cốt thân sinh của mình đem đến chỗ huyệt kết để chôn, bấy giờ Nguyễn Nhạc tìm cách đánh đổi: "Đến ngày đã chọn, thầy Tàu lén đem chiếc tráp (có hài cốt) cùng địa bàn đi lên Hoành Sơn, vừa đến chân núi thì một con cọp Tàu cau to lớn ở trong bụi, gầm một tiếng, nhảy ra vồ".
"Thầy Tàu hết hồn, quăng tráp và địa bàn (dùng dò hướng đất theo thuật phong thủy) mà chạy. Hồi lâu không thấy cọp đuổi theo, liền quay lại chỗ cũ. Thấy chiếc tráp và địa bàn còn nằm lăn lóc đó, thầy mừng như chết đi sống lại, vội trực chỉ lên nơi long huyệt đã tìm ra. Chôn cất xong xuôi, thầy hớn hở trở về Trung Quốc, không ngờ rằng chiếc tráp thầy chôn vốn đựng di hài Nguyễn Phi Phúc và con cọp kia chỉ có lớp ngoài mà thôi”.
Đó là đoạn văn kể về sự tích phong thủy Hoành Sơn của nhà thơ Quách Tấn (1910-1992), trong một tài liệu viết về di tích và truyền thuyết nhà Tây Sơn với kết luận rằng hai câu chuyện trên tuy có vài chi tiết không giống nhau, song đều đồng một điểm chính là cho biết mộ Nguyễn Phi Phúc chôn ở Hoành Sơn.
Hoành Sơn còn gọi là núi Ngang, cao hơn 360 thước, có núi Ông Bình làm hậu tẩm, núi Ông Đốc với hình dạng “giống như một con hổ phục, đầu ngó lên Hoành Sơn. Núi Ông Đốc không cao và tuy giống hình cọp, song ngó bộ hiền lành như con cọp tu hành lâu đời.
Nơi triền phía Bắc hiện có một ngôi chùa thờ Phật. Đó là điềm “hổ cứ”. Còn “long bàn” là hai nhánh của con sông Côn, một từ phía Tây chảy xuống, một từ phía Tây Nam chảy ra, hợp nhau tại địa đầu thôn Phú Phong, trông như hai cánh tay ôm choàng lấy cuộc đất của Hoành Sơn vậy”.
Một vùng núi bút non nghiên…
Hoành Sơn là nơi được các thầy địa lý của Trung Hoa cũng như của Việt Nam công nhận là đại địa “vì có, nào bút nào nghiên, nào ấn nào kiếm, nào cổ (trống) nào chung (chuông), ở bên tả bên hữu… trước mặt trên ba nổng gò, đã mọc giăng hàng giống như những toán quân đứng chầu về. Và xa xa có hổ phục long bàn”. Bằng những phân tích địa thế phong thủy, Quách Tấn chứng minh những điều nêu trên là xác thực, vì:
- Bút đó là hòn Trung Sơn ở bên Phú Lạc, xa trông phảng phất như ngòi bút chép mây.
- Nghiên đó là hòn Hội Sơn tục gọi là hòn Dũng, trong địa phận Trinh Tường về phía Nam, đứng đối trí cùng hòn Trung Sơn ở phía Bắc.
Hòn Hội Sơn cao hơn 490m nhưng trông đầy vẻ uy nghiêm “trên núi có một vũng nước vừa rộng vừa sâu, quanh năm không bao giờ cạn. Người địa phương lên đó vỡ đất làm ruộng, đất tốt không kém dưới đồng bằng (nhờ nước đầy đủ).
Vì núi có vũng nước nên đám bình dân gọi núi là hòn Vũng (thay vì hòn Dũng). Còn đám hàn mặc (nho sinh) thì coi vũng nước là nghiên mực của trời nên đặt cho núi một tên nữa là Nghiên Sơn tức hòn Nghiên vậy, hòn Nghiên và hòn Bút nằm bên hữu bên tả hòn Hoành Sơn trông cân đối”, phù hợp với câu ca:
Một vùng núi Bút non Nghiên
Trời giao ấn kiếm cho miền Tây Sơn.
Cuộc đất tốt như vậy kết hợp lời sấm truyền do thầy dạy học của ba anh em nhà Tây Sơn là cụ giáo Hiến thông báo, rằng: “Tây khởi nghĩa – Bắc thu công”, đã tạo sức mạnh tâm linh thúc giục Tây Sơn tam kiệt khởi binh. Tây khởi nghĩa tức là dựng cờ nổi dậy ở vùng núi hướng Tây - vùng Tây Sơn. Bắc thu công là thành công lớn ở hướng Bắc, lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân (Huế bây giờ) năm 1788 và tiến ra Bắc đánh thắng quân Thanh xâm lược năm 1789…
Trong bài này chúng tôi chọn trích dẫn phong thủy nhà Tây Sơn chủ yếu theo tài liệu của Quách Tấn là vì trước hết gia đình ông đã trải qua chín đời ở ấp Tây Sơn hạ, ông viết: “Tây Sơn là dãy núi phía Tây tỉnh Bình Định thuộc hệ thống Trường Sơn (…) vì núi mệnh danh là Tây Sơn nên các vùng sơn cước bình nguyên ở chung quanh cũng gọi là vùng Tây Sơn.
Trước kia gọi là ấp Tây Sơn với ba phần: Tây Sơn thượng, Tây Sơn trung và Tây Sơn hạ”. Những gì ông viết ra về địa lý, phong thủy của vùng đất Tây Sơn cũng như những câu chuyện truyền khẩu liên quan đều do chính ông nghe nội tổ và song thân cùng các vị phụ lão ở quê ông kể lại, giới thiệu qua cuốn tài liệu “Quang Trung – Nguyễn Huệ” của nhiều tác giả, do NXB Văn hóa Sài Gòn kết hợp tạp chí Xưa và Nay ấn hành 2008, nêu rõ trong khu vực Hoành Sơn“sát chân núi ngay phía Đông, khoảng giữa nổi lên một trảng đất.
Trong khoảng này, dáng núi lại hơi cong cong. Đứng phía trước trông vào thì giống một chiếc ghế bành vĩ đại, mà lưng và tay dựa vào núi, mặt ghế là trảng đất. Trên trảng nằm song song hai nấm mộ bằng đá, hình chữ nhật. Vua Gia Long ngờ rằng đó là phần mộ của ông bà Nguyễn Phi Phúc, song thân của Vua Tây Sơn, nên truyền quan địa phương khai quật. Nhưng khi đào lên hài cốt không thấy đâu cả, mà chỉ thấy bốn chum dầu phụng đã lưng, trong mỗi chum có một ngọn đèn chong chóng đang cháy”.
Như vậy, đến nay dấu tích về mộ của ông bà Nguyễn Phi Phúc vẫn còn mờ mịt. Những ngọn đèn dầu phụng đã bị nhà Nguyễn (Gia Long) thổi tắt, nhưng sự nghiệp của nhà Tây Sơn vẫn cháy đỏ trong lịch sử Việt Nam.
Nếu tính từ lúc dấy nghiệp vào năm Mậu Tuất 1778 là năm Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu (niên hiệu Thái Đức), gọi thành Đồ Bàn là Hoàng đế thành, đến lúc suy vong vào năm Nhâm Tuất 1802, thì nhà Tây Sơn tồn tại 24 năm.
Nếu tính từ năm Vua Quang Trung lên ngôi thì chỉ kéo dài có 14 năm (1788-1802). Dẫu ngắn ngủi nhưng nhà Tây Sơn đã để lại một dấu ấn sâu đậm qua chiến công của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ dẫn đại quân tiến vào Thăng Long, đánh thắng hai mươi vạn quân Thanh xâm lược vang dội đến nay – ứng đúng câu sấm truyền Tây khởi nghĩa – Bắc thu công…