Hoàng đế Thuận Trị tên thật là Phúc Lâm, Thuận Trị là tên niên hiệu trong thời gian ông trị vì, là Hoàng đế thứ 3 của nhà Thanh, cha đẻ của Hoàng đế Khang Hy và là vua Thanh đầu tiên cai trị toàn bộ Trung Quốc. Những người như Hào Cách, Đa Đạc, Đa Nhĩ Cổn,… luôn tìm cách thôn tính lẫn nhau để đoạt quyền.
Nghi án về hoàng đế… “đa tình”
Trong số này, Đa Nhĩ Cổn là người có thế lực nhất và cũng là người có nhiều mưu mẹo nhất. Đa Nhĩ Cổn vốn là em trai của Hoàng Thái Cực, mặc dù quyền lực trong tay y không ít, tuy nhiên, vì sợ rằng, nếu như ngang nhiên cướp quyền thì những người khác sẽ không phục, do vậy, Đa Nhĩ Cổn đã quyết định lập đứa con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực là Phúc Lâm lên ngôi hoàng đế. Vì vậy, mặc dù Thuận Trị ở ngôi vua, song thực chất, mọi quyền lực đều tập trung trong tay của Đa Nhĩ Cổn.
|
Hoàng đế Thuận Trị. Ảnh: Wikipedia. |
Sau khi tiến vào trung nguyên, quân Thanh còn xua quân chiếm các tỉnh thành của Trung Hoa, rồi thống nhất Trung Quốc, đưa Phúc Lâm đến Bắc Kinh làm Hoàng đế Trung Hoa. Từ đó, người Hán sống dưới sự thống trị của người Mãn Châu. Sau đó, Đa Nhĩ Cổn chết, Hoàng đế Thuận Trị trị vì đất nước, tỏ rõ là ông vua tài năng, sáng suốt, chăm lo chính sự, lại cần cù siêng năng, học hành giỏi giang. Đáng tiếc, Thuận Trị lại qua đời khi còn quá trẻ, mới chỉ 24 tuổi.
Liên quan tới cái chết của vị vua tài năng mà bạc mệnh Thuận Trị, cho tới nay, các nhà sử học vẫn còn tranh cãi không ngớt. Nhiều người nói rằng, lúc bấy giờ, Thuận Trị Hoàng đế sủng ái một người con gái vô cùng xinh đẹp tên là Đổng Tử Vi, phong nàng ta là Đổng Ngạc phi. Nhưng không bao lâu, nàng Đổng Ngạc phi này mất. Vua Thuận Trị đau buồn, rồi lên bệnh đậu mùa, qua đời năm 24 tuổi. Tuy nhiên, một số người khác lại nói, Thuận Trị Hoàng đế không hề chết vào năm 24 tuổi như người ta vẫn nói mà chỉ bỏ trốn khỏi kinh thành để đi tu. Sau khi xuất gia, Thuận Trị lấy pháp hiệu là Hành Si hòa thượng, từ đó về sau không quan tâm gì tới chính sự nữa. Vậy, sự thực về cái chết của vị hoàng đế này ra sao? Ông đã dứt mình khỏi chốn bụi trần, đi tu, đắc đạo hay chết vì mối tình si với Đổng Ngạc phi và sự dày vò của bệnh đậu mùa?
Trước hết, vì sao nhiều người lại cho rằng, Thuận Trị không chết mà chỉ là bỏ kinh thành trốn đi xuất gia? Điều này có lẽ liên quan tới việc, Thuận Trị rất tin Phật giáo. Người ta kể rằng, vào năm Thuận Trị thứ 14, tức năm 1657, nhờ sự sắp xếp kỹ lưỡng của các thái giám thân cận, Hoàng đế Thuận Trị, khi đó mới 20 tuổi đã gặp hòa thượng Ham Phác Thông tại chùa Hải Hội ở cửa Tuyên Vũ. Sau khi hai người nói chuyện một hồi, cảm thấy rất tâm đầu ý hợp. Sau đó ít lâu, Thuận Trị xuống chiếu triệu Ham Phác Thông vào cung. Từ đó, Thuận Trị thường xuyên cho triệu kiến Ham Phác Thông tại Tây Uyển (tức Trung Nam Hải ngày nay) để thỉnh giáo về Phật pháp đồng thời còn phong cho Ham là “Minh Đường Thiền sư”.
Cái chết chưa được sáng tỏ
Tuy nhiên, từ việc tin sùng và trốn khỏi kinh thành để xuất gia là cả một khoảng cách rất xa. Thứ nhất là vì, bản thân Thuận Trị là một hoàng đế của triều Đại Thanh, nhất cử nhất động đều có sự “tiền hô hậu ủng” của các đại thần, thái giám, cung nữ, không dễ dàng gì có thể trốn ra khỏi cung để đi tu như vậy.
Nếu như Thuận Trị có ai đó giúp đỡ để trốn đi thì chắc chắn triều đình sẽ chẳng khó nhọc gì tìm thấy. Thứ hai, vào năm đó, Thuận Trị mới chỉ 20 tuổi, mặc dù là hoàng đế nhưng thực chất Thuận Trị mới chỉ là một thanh niên mới lớn, lại thêm từ nhỏ lớn lên trong chốn cấm cung, Thuận Trị sẽ không thể một mình trốn ra ngoài để đi tu như người ta tưởng tượng được.
Giả thuyết thứ 2 trên thực tế, sát với sự thực hơn. Ở đây, không thể không nhắc tới một nhân vật quan trọng trong cuộc đời của Thuận Trị, đó chính là Đổng Ngạc phi. Đổng Ngạc phi sinh năm 1639, có tên là Tử Vi, mang họ Đổng Ngạc thuộc Chính Bạch ỳ trong Bát Kỳ, quê quán ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Cha bà Ngạc Thạc, từng giữ chức Nội thị đại thần trong triều đình nhà Thanh, còn mẹ bà là người Hán. Năm 18 tuổi, Đổng Ngạc Tử Vi được đưa vào cung, sống tại cung Thừa Càn. Tử Vi được Hoàng đế Thuận Trị vô cùng sủng ái, lập làm Hiền phi vào tháng 10 năm 1656.
Một tháng sau, vào ngày 15/11/1656, bà được lập làm Hoàng quý phi, đến ngày 20/1/1657 thì Thuận Trị ban chiếu chính thức sắc phong cho bà tước vị Hoàng quý phi với một buổi lễ sắc phong vô cùng long trọng cùng lệnh ân xá thiên hạ. Chính vì thế, sau này, người ta mới gọi Tử Vi là Đổng Ngạc Phi.
Tới ngày 12/11/1657, Đổng Ngạc phi hạ sinh một hoàng tử, nhưng hoàng tử này mất sớm khi chưa tròn một tuổi. Thuận Trị truy phong cho con của Đổng Ngạc phi làm Vinh thân vương. Cái chết sớm của đứa con đã tác động sâu sắc đến Đổng Ngạc phi và Thuận Trị. Vì quá đau buồn, Đổng Ngạc phi bị bệnh hậu sản, rồi ốm và qua đời năm 1660 ở tuổi 21.
Đổng Ngạc phi qua đời là một cú sốc rất lớn đối với Thuận Trị. Thuận Trị ngừng thiết triều trong 5 ngày để để tang cho bà. Cả ngày lẫn đêm phải có người trông chừng ông, để phòng ông quá đau buồn mà tự sát. Với một người yếu đuối, đa tình hay mềm lòng như Thuận Trị, liên tiếp phải chịu đựng những mất mát, từ con trai, vợ cho tới mẹ ruột là điều khó có thể chịu đựng nổi. Lại thêm, thân là hoàng đế, muốn tự sát hay xuất gia cũng tìm sự thanh thản cho riêng mình cũng không được.
Tinh thần Thuận Trị vì thế cứ liên tục bị dày vò. Có lẽ vì thế, sau khi Đổng Ngạc phi qua đời vừa tròn 100 ngày, Thuận Trị Hoàng đế mắc bệnh đậu mùa, một căn bệnh nan y lúc bấy giờ. Ít ngày sau đó, Thuận Trị qua đời ở Dương Tâm Điện.
Những sử liệu còn lưu giữ lại cũng khẳng định, Thuận Trị chính xác là chết vì bệnh đậu mùa. Sách “Thanh Thế Tổ thực lục” có chép rất rõ: “Giờ Tý ngày mồng 7, hoàng thượng băng ở Điện Dưỡng Tâm”. Trong quá trình Thuận Trị mắc bệnh và qua đời, triều đình nhà Thanh cấm dân chúng rang đậu. Thời bấy giờ, do bệnh đậu mùa là căn bệnh nan y, người ta cho rằng, căn bệnh này là do thần đậu giáng tội lên người, do vậy mới có chuyện cấm rang đậu trong dân chúng. Ngoài ra, sử sách cũng chép, sau khi Thuận Trị qua đời, thi hài Thuận Trị đã được hỏa thiêu. Đây cũng là một bằng chứng chứng tỏ Thuận Trị chết do bệnh đậu mùa. Bệnh đậu mùa là bệnh có thể lây lan, do vậy, sau khi Thuận Trị chết, do sợ căn bệnh mà Thuận Trị mang trong người lây cho người sống, người ta mới hỏa thiêu thi hài của Thuận Trị. Bởi nếu không, với tư cách là một hoàng đế Thanh triều, thi thể của Thuận Trị không thể nào bị đem đi hỏa thiêu như vậy.