Theo truyền thuyết và lời kể lưu truyền trong dân gian thì triều đại đầu tiên của nước ta có 18 đời vua đều xưng hiệu là Hùng Vương nên được gọi là triều Hùng của nước Văn Lang. Chính vì thế không mấy ai được nghe nói tới vị vua Hùng thứ 19 bởi nguồn tư liệu hiếm hoi và ít được phổ biến.
Khái lược về thân thế Hùng Vương thứ 19
Trước tiên nói về con số 18 đời vua Hùng, theo các tài liệu chính sử thì sách "Đại Việt sử lược" là tác phẩm đầu tiên đề cập tới và dường như dữ kiện đó được nhiều tác phẩm sử học, khảo cứu sau này ghi chép theo, thậm chí các tác phẩm ở dạng diễn ca cũng viết:
Bể dâu biến đổi cơ trời,
Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn.
Kể vua mười tám đời truyền,
Hai ngàn năm lẻ vững bền khôn lay.
Một dòng Phụ đạo xưa nay,
Trước ngang Đường đế sau tày Noãn vương.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Thật khó có thể xác định sự thực có đúng là triều Hùng gồm 18 đời vua hay 18 ngành vua với mỗi ngành gồm nhiều đời, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì đây chỉ là con số mang tính chất biểu tượng có tính ước lệ mà thôi, có ý kiến cho rằng với người Việt số 9 là con số thiêng nên các bội số của nó như số 18 cũng thiêng tương tự như vậy…
|
Hùng Vương huyền sử. Tranh minh họa. Nguồn: vietlis. |
Về đời vua Hùng thứ 19, rất ít tài liệu nhắc đến; trong các bản thần tích, ngọc phả về các đời vua Hùng thường chỉ nói đến vị vua cuối cùng là Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18), thí dụ trong bản Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng viết rằng vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) chỉ sinh được hai người con gái “đức hạnh trinh hiền, phong tư tuấn nhã” tên là Tiên Dung và Ngọc Hoa.
Một số tư liệu chép về truyền thuyết thời Hùng Vương cho biết thêm rằng, Hùng Duệ Vương có nhiều con gồm cả trai lẫn gái, nhưng các quan lang (hoàng tử) và mị nương (công chúa) đều mất sớm, chỉ còn hai người con gái, “một người là Mỵ Châu Tiên Dung công chúa gả cho Chử Đồng Tử hóa tiên bất diệt, một là Mỵ Nương Ngọc Hoa công chúa gả cho Tản Viên Sơn Tinh” (Theo Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền).
Bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua Hùng với những thông tin thú vị liên quan, về đời vua Hùng Duệ Vương (chi thứ mười tám), bản thần tích cho biết vua tên húy là Huệ Lang, là vị vua ngành thứ 18 đời cuối cùng, Ngài đã từng truyền cho con trưởng nối ngôi xưng là Hùng Kính Vương nhưng vị vua này (Hùng Vương thứ 19) chỉ làm vua được 6 năm thì mất nên Hùng Duệ Vương lại lên làm vua lần thứ hai, về sau già yếu quá mới có ý cho con rể là Nguyễn Tuấn (Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn Thánh) kế vị nhưng vì Nguyễn Tuấn không nên vua đành giao cho ông tạm thay quyền trị quốc…
Bản thần tích có đoạn chép rằng: “Ban đầu truyền ngôi cho con trưởng là Kính Vương cai trị được 6 năm thì mất. Vua truyền cho rể hiền là Tản Viên Sơn nhiếp chính, thay mệnh vua cha chế định thiên hạ. Được 10 năm, cha con đồng lòng hóa thành thượng tiên chính giác, đại pháp thần nông, làm người tiên vạn cổ bất diệt, rồi nhường ngôi cho Thục An Dương Vương, cũng là tôn diệt Hùng Vương, là tông phái hoàng đế triều trước, là cháu 16 đời làm Bộ chúa phụ đạo”.
Những chuyện truyền kỳ về Hùng Kính Vương
Vì tư liệu nhắc đến Hùng Kính Vương (Hùng Vương thứ 19) rất ít nên chưa rõ có bản ngọc phả, hay thần tích nào cho biết những thông tin về vua như tên húy là gì, ngày sinh, ngày hóa… Tuy nhiên, dù chỉ cầm quyền trong 6 năm ngắn ngủi, nhưng những câu chuyện tản mạn còn truyền tụng đến ngày nay phần nào cũng cho thấy về công ơn đức độ của một vị quân vương triều Hùng.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, thành ngữ là một bộ phận cấu thành quan trọng, có một câu thành ngữ mà xuất xứ của nó có liên quan đến chuyện về Hùng Kính Vương. Bấy giờ, một lạc dân ở Kẻ Đơi có con ngựa đen rất đẹp, viên Bồ chính ở Kẻ Đọi thích lắm, hắn cậy quyền thế cướp mất ngựa của người kia. Anh ta không biết làm sao, đành đến xin vua phân xử. Khi bị vua gọi đến, viên Bồ chính khăng khăng nói đó là ngựa của mình, lại nói rằng bị lạc dân vu oan. Vua Hùng Kính Vương truyền giữ lại con ngựa rồi cho hai người về nhà suy nghĩ một đêm, sau đó quay lại nghe vua phán quyết.
Chiều hôm ấy, vua thả con ngựa ra rồi Ngài âm thầm đi theo, con ngựa đi qua Kẻ Gát, Kẻ Nú rồi qua Kẻ Đọi về đến Kẻ Đơi vào chuồng cũ của người lạc dân kia ăn cỏ. Ngay sáng hôm sau, Hùng Kính Vương nói lại chuyện này rồi phán xử phần thắng thuộc về người Lạc dân, Ngài lại hạ lệnh bắt giam viên Bồ chính về ba tội: tham lam, cậy quyền thế cướp của và không thật thà, bất kính với bề trên. Tương truyền câu thành ngữ: “Ngựa quen đường cũ” được xuất phát từ câu chuyện này.
|
Vua Hùng và quần thần. Tranh minh họa. Nguồn: clbsuhoctre. |
Một chuyện khác kể rằng, viên Phụ đạo hạt Gia Phong là kẻ tham lam, hắn tìm mọi cách vơ vét của cải, bóc lột lạc dân trong vùng mình quản lý khiến cho lời oán thán vang khắp chốn. Cũng từ đó trong hạt trộm cướp xảy ra, lại có những người vì khổ sở quá mà tụ tập nhau lại chống đối, viên Phụ đạo bèn đem quân trấn áp, bắt được một số người cầm đầu đem về kinh đô xét xử. Vua Hùng Kính Vương, nghe tin liền đến xem sự tình ra sao, khi bị kết án, những người kia đều kêu oan rồi đồng thanh tố cáo sự tham tàn của viên Phụ đạo. Thấy sự việc có điều uẩn khúc, đáng nghi, vua Hùng sai tạm hoãn thi hành hình phạt rồi cho người điều tra lại thì biết được sự thật, vua liền cho tha bổng những người oan khuất, khuyên họ về chăm việc cày cấy nông tang, còn viên Phụ đạo bị tống giam vào ngục.
Tài trí của Hùng Kính Vương còn thấy qua câu chuyện vua dùng ruồi để tìm ra kẻ sát nhân. Vụ án này tóm lược như sau: Có hai cha con người thợ sau khi tiền lĩnh công trở về nhà thì trời đã tối, khi qua Kẻ Nỏ đã gần nửa đêm, bất ngờ họ bị một kẻ cầm dao tấn công, người cha mẹ đâm chết, người con bỏ chạy thoát thân, khi quay lại thì đồ đạc mất hết, xác người cha cũng không thấy, chỉ còn lại vũng máu đông.
Để tìm ra thủ phạm, vua Hùng nghe theo lời một Lạc tướng cho bắt những người có nhà gần hiện trường vụ án nhưng không tra khảo đánh đập, sợ có người vì đòn đau mà nhận tội bừa. Nhà vua ra lệnh thu hết vật dụng đồ đồng, đồ sắt như dao, mác, thuổng… ở những ngôi nhà kia, phân rõ xem nó là của ai, sau đó sai người dùng lưới nhỏ bẫy rất nhiều ruồi đem nhốt vào lồng. Tiếp đến, vua cho lấy máu đông của người bị hại để vào lồng, đàn ruồi liền bu kín lại; rồi cục máu đông được đem ra, lần lượt những vật dụng bị thu giữ được đưa vào trong lồng. Khi thấy đàn ruồi đậu kín vào một con dao, Hùng Kính Vương ra lệnh bắt ngay chủ nhân của con dao đó, kẻ ấy sợ hãi đành phải thú nhận và chịu hình phạt vì tội ác của mình. Theo lời khai của hắn, vua Hùng cho dân chài buông lưới, thả câu tìm vớt xác người bị hại từ dưới sông đưa lên bờ an táng tử tế, lại thu giữ tang vật và một phần tài sản của kẻ thủ ác đem bồi thường cho con trai người thợ xấu số.
Ngoài những chuyện trên, dân gian còn truyền tụng một số mẩu chuyện khác về trí thông minh, tài xử án của Hùng Kính Vương, như chuyện Ngài phân xử đúng sai cho Tinh Thử (chuột thành tinh) và Tinh Hổ (hổ thành tinh); chuyện vua lập mẹo xử án Cao Sơn giả, Cao Sơn thật…
Tuy là người được xếp vào những vị vua trong huyền thoại, truyền thuyết, lại ít được nhắc tới nhưng Hùng Kính Vương vẫn có một vị trí trang trọng trong tâm thức dân gian. Cùng với các vị vua Hùng khác, Ngài được cháu con đời đời ghi tạc ân đức sâu dày mà “vạn năm hương hỏa”, suy tôn là “thượng đẳng tối linh” và nhắc nhở nhau:
Mở trang sử cũ lưu truyền,
Hùng Vương huyền thoại, muôn niềm ngợi ca.