De Latte de Tassigny - Một tư duy lỗi thời
Trong số các viên tướng Pháp sang Việt Nam làm chỉ huy quân viễn chinh, De Latte de Tassigny là một ngôi sao sáng. Ông ta có uy tín lớn trong giới quân sự nước Pháp. Người ta kỳ vọng nhiều vào De Latte khi cử ông này sang Việt Nam nhằm xoay chuyển tình thế.
|
De Latte de Tassigny (ngoài cùng bên phải), viên tướng được kỳ vọng của Pháp. Ảnh: Wikipedia.
|
Ngày 6/2/1950, De Latte đến Việt Nam. Vừa bắt đầu cương vị Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, De Latte đã tiến hành nhiều thay đổi như xây dựng quân đội quốc gia cho chính quyền Bảo Đại, xây dựng hệ thống boong-ke để thiết lập vành đai ngăn sự xâm nhập của Việt Minh. Mùa đông năm sau, De Latte tiến hành chiến dịch đánh vào Hòa Bình.
Các hoạt động của De Latte và đặc biệt là chiến dịch Hòa Bình được báo chí Pháp và phương Tây ca ngợi như là những biểu hiện cho thấy quân Pháp đang lấy lại thế chủ động.
Khi trận chiến tại Hòa Bình còn đang tiếp diễn thì De Latte ốm nặng phải về Pháp và mất vào tháng 1/1952. Nước Pháp đã tổ chức quốc tang và truy phong hàm Thống chế cho De Latte. Nhiều người Pháp cho rằng nếu như De Latte còn sống thì kết cục chiến tranh có thể đã khác. Tuy nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nghĩ như vậy. Nói với Alain Ruscio – một nhà báo Pháp đồng thời là tác giả cuốn sách Võ Nguyên Giáp – Một cuộc đời, ông phân tích về chiến dịch Hòa Bình của De Latte:
“Hãy lấy trận Hòa Bình làm ví dụ. Tháng 11/1951, De Latte quyết định mở cuộc hành quân không vận, tất cả phương Tây đều kêu lên cho đó là một hành động kỳ diệu. Quân đội viễn chinh đang giành lại thế chủ động. Nhưng với binh sĩ Pháp, họ đã thấy gì? Một thành phố đã bị phá hoại, dân chúng đã rời đi nơi khác. Cuộc đánh chiếm thật tuyệt! De Latte, mặc dù những nhật lệnh của ông ta đầy hào khí, ra vẻ đã giành toàn thắng, đã không bắt được ai trừ mây ngàn gió núi! Nhưng có lẽ ông ta có sáng kiến như vậy để biện bạch các ngân khoản do người Mỹ ban cho.
Quân đội chúng tôi không tổ chức kháng cự ở đó, nhưng tập trung lực lượng để phản công ở nơi nào và lúc nào là do chúng tôi quyết định. Tốt hơn là chúng tôi lợi dụng tình hình đó để đi sâu vào vùng châu thổ, nơi địch sơ hở vì phải tập trung quân lên mặt trận Hòa Bình nên không kiểm soát nổi…Chính vào thời điểm do chúng tôi lựa chọn, chúng tôi phản công địch. Lúc đó Bộ Tham mưu Pháp phải đứng trước 2 lựa chọn: hoặc là rút bỏ Hòa Bình (nhưng để giữ trong vài ngày một nơi trống rỗng) hoặc là đóng chốt ở đó và có nguy cơ bị quét sạch trong 1 thời gian ngắn hay trung hạn. Đúng là De Latte giữa lúc đó bị ốm nặng và phó tướng của ông ta, sau này là người kế nhiệm, tướng Raoul Sala đã làm một việc không tốt. Cuối cùng Salan buộc phải ra lệnh rút khỏi Hòa Bình vào tháng 2 năm 1952 khi De Latte vừa mới chết. Nhưng dù ông ta còn sống thì mọi việc vẫn cứ diễn ra đúng như thế”.
Còn phòng tuyến De Latte với hơn 2.000 boong – ke được giới quân sự Pháp đánh giá cao, tướng Giáp nói đó là một biểu hiện không hiểu biết về tính chất cuộc chiến ở Việt Nam. Ông nói tiếp: “Một ví dụ cuối cùng là phòng tuyến De Latte nổi tiếng. Trong đầu óc ông ta đã có mầm mống ý tưởng về xây dựng một phòng tuyến nhằm ngăn chặn các cuộc xâm nhập vào vùng châu thổ của các chiến sĩ chúng tôi. Điều này chứng tỏ ông ta thật sự không hiểu gì về tính chất cuộc chiến tranh mà ông ta phải tiến hành! Sai lầm nghiêm trọng! người ta không thể chặn đứng một cuộc chiến tranh nhân dân mà đâu đâu cũng là mặt trận như trong chiến tranh cổ điển”.
Navarre – Đối thủ tầm cỡ
Sau trận Điện Biên Phủ, nhiều bình luận của phương Tây cho kế hoạch Navarre mà đặc biệt là việc nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là một ý định ngu ngốc. Mặc dù trước đó, khi Điện Biên chưa bị tấn công, người ta tung hô nó là một cứ điểm bất khả xâm phạm. Từ góc độ của một nhà quân sự và đặc biệt là nhà quân sự ở vị trí địch thủ của Navarre, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng đây là một trong những đối thủ tầm cỡ trong đời binh nghiệp của ông.
|
Đại tướng Navarre. Ảnh: Internet.
|
Đại tướng nói: “Kế hoạch Navarre đặt ra cho chúng tôi nhiều vấn đề nghiêm trọng, những khó khăn mới. Bên trong vùng châu thổ chẳng hạn, Navarre đã tập trung một lực lượng đông đảo chưa từng có. Không nên quên rằng Navarre đã bắt đầu việc chỉ huy của mình bằng hai chiến công: Chiến dịch Hirondelle (chim én) ở sâu trong hậu phương của chúng tôi là Lạng Sơn và Lộc Bình, và việc rút lui thành công một cách xuất sắc khỏi căn cứ Nà Sản, khiến chúng tôi không kịp trở tay. Về phần mình tôi không bao giờ coi thường bất cứ một tổng tư lệnh nào của quân đội viễn chinh. Nhưng những tháng đầu tiên trong trách nhiệm tổng chỉ huy, Navarre đã chứng tỏ rằng ông ta là một đối thủ tầm cỡ”.
Tuy nhiên, như nhiều tướng lĩnh thực dân khác, Navarre cũng không tránh khỏi cái mâu thuẫn tiềm tàng do tính chất của cuộc chiến tranh xâm lược quy định. Chính bởi cái mâu thuẫn giữa tập trung quân để tạo nên sức mạnh với phân tán để chiếm đất đai đã khiến Navarre thua trận khi bị tướng Giáp khai thác triệt để.
Tướng Giáp phân tích: “Tôi nhấn mạnh: kế hoạch đó không thiếu tính chặt chẽ, nhất quán và sáng tạo. Nhưng ông ta đã không giải quyết được cái mâu thuẫn căn bản của mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Quân đội viễn chinh muốn tập trung lực lượng để giành chiến thắng bằng sức mạnh tiềm tàng trên một số điểm được xác định, nhưng nó lại thua, theo tỷ lệ chính xác trong việc kiểm soát đất đai”.
Binh pháp cổ có câu: Biết địch biết ta trăm trận không nguy. Trong những đánh giá về các chỉ huy đối phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỏ ra rất thận trọng nhưng ông cũng rất tỉnh táo và sắc sảo trong vấn đề nhìn nhận những thế yếu và nhược điểm của đối phương.