Không hình dung được mặt trận
Điều dễ nhận thấy trong cả 2 cuộc kháng chiến vừa qua của dân tộc ta là kẻ thù luôn luôn tìm mọi cách xây dựng hệ thống chính quyền tay sai để kìm kẹp nhân dân về chính trị. Đồng thời với đó là cho xây dựng các hệ thống đồn bốt để kiểm soát giao thông nhằm khu biệt khu vực chiến trường với hậu phương. Từ phòng tuyến De Latte de Tassigny của Pháp đến hàng rào điện tử McNamara của Mỹ đều nhằm thực hiện một việc là ngăn cách hậu phương với mặt trận một cách rõ rệt.
|
Tướng 4 sao Westmoreland - một trong những chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam. Ảnh: Internet.
|
Tuy nhiên, đây lại chính là chỗ thể hiện sự không hiểu biết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam của các tướng lĩnh từ Pháp đến Mỹ. Trong cuốn sách Võ Nguyên Giáp một cuộc đời, Đại tướng của chúng ta đã phân tích rất rõ điều đó cho tác giả Alain Ruscio. Ông nói: “Một ví dụ là “phòng tuyến De Latte” nổi tiếng. Trong đầu óc ông ta đã có mầm mống ý tưởng về xây dựng một phòng tuyến nhằm ngăn chặn các cuộc xâm nhập vào vùng châu thổ của các chiến sĩ chúng tôi. Điều này chứng tỏ ông ta thật sự không hiểu gì về tính chất cuộc chiến tranh mà ông ta phải tiến hành! Sai lầm nghiêm trọng! Người ta không thể chặn đứng một cuộc chiến tranh nhân dân mà đâu đâu cũng là mặt trận…Sai lầm này lại được người Mỹ lặp lại với phòng tuyến McNamara”.
Điều Đại tướng muốn nói đến ở đây là tất cả các tướng lĩnh Pháp cho đến Mỹ đều nhìn cục diện chiến trường Việt Nam theo cách nhìn của chiến tranh cổ điển. Tức là luôn phải có tiền tuyến, có hậu phương. Trong khi đó, cuộc chiến tranh về phía người Việt Nam là một cuộc chiến tranh nhân dân đã phát triển đến trình độ rất cao. Bất kỳ người dân nào cũng là 1 người lính. Từng làng mạc là những tòa thành.
Và đây là cách mà Đại tướng đã khai thác triệt để sự sai lầm từ cách nhìn lạc hậu của các đối thủ. Ông nói: “Chúng tôi quan tâm biến hậu phương của địch thành mặt trận để tiêu hao lực lượng địch, làm mất phương hướng khiến địch luôn luôn phải đề phòng và không biết đâu là mặt trận. Chiến thuật của chiến tranh nhân dân là đối với kẻ địch, mặt trận ở khắp nơi và không ở đâu cả. Đối với chúng tôi đâu đâu cũng là hậu phương và không ở đâu là hậu phương thật sự”.
Đối với địch mặt trận ở khắp nơi và không ở đâu cả là vì vào những khi địch lơ là sơ hở, chúng có thể bị tiêu diệt bởi những du kích có mặt khắp nơi. Nhưng khi địch tổ chức hành quân càn quét để tiêu diệt chủ lực đối phương thì chúng chẳng tìm đâu ra. Những cú đánh của địch tung ra chỉ đánh vào khoảng không.
Tử huyệt không khắc phục được
Có người nói rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất sắc sảo trong việc lợi dụng và khoét sâu các mâu thuẫn nội tại của địch. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhìn vào 30 năm chiến tranh, Đại tướng không mắc phải 1 sai lầm chiến lược nào nhưng ông không bỏ qua bất kỳ một sai lầm nào của đối thủ để khoét sâu.
Điều quan trọng nhất, từ đầu đến cuối, Đại tướng đã nhìn ra cái mâu thuẫn căn bản nhất của một đội quân xâm lược. Đó là mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng và phân tán lực lượng. Nguyên tắc quân sự phải tập trung lực lượng. Có tập trung mới có đủ sức tiến hành các cuộc hành quân lớn. Nhưng một đội quân xâm lược lại luôn phải chú ý đến việc chia quân giữ các vùng đất đai mới chiếm được để làm hậu phương cho chúng.
Khi nhắc đến kế hoạch Navarre, tướng Giáp đã phân tích rõ cái mâu thuẫn căn bản và không khắc phục được của những đội quân xâm lược. Ông nói: “Tôi nhấn mạnh: kế hoạch đó không thiếu tính chặt chẽ, nhất quán và sáng tạo. Nhưng ông ta đã không giải quyết được cái mâu thuẫn căn bản của mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Quân đội viễn chinh muốn tập trung lực lượng để giành chiến thắng bằng sức mạnh tiềm tàng trên một số điểm được xác định, nhưng nó lại thua, theo tỷ lệ chính xác trong việc kiểm soát đất đai”.
|
Tướng Navarre cùng Cogny và De Casries. Ảnh: Internet.
|
Đây là mâu thuẫn căn bản và là câu hỏi mà các chỉ huy quân sự từ Pháp đến Mỹ đều đau đầu tìm lời giải nhưng vô hiệu. Navarre muốn tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ để tổ chức những cuộc tiến công lớn kết thúc chiến tranh. Tập trung lực lượng cơ động thì các vùng chiếm đóng sẽ phải dàn mỏng lực lượng. Bởi thế khi quân ta tiến công các vùng Thượng Lào, Tây Nguyên, Tây Bắc đã dễ dàng giải phóng đất đai. Nhưng Pháp không thể để mất nhiều đất đai vì vốn dĩ vùng chúng kiểm soát cho đến năm 1953 đã còn rất ít rồi.
Thế là Navarre lại phải xén bớt lực lượng cơ động đi ứng cứu để bảo vệ các vùng còn lại hoặc hành quân giải vây. Cho đến khi bước vào trận Điện Biên, về cơ bản kế hoạch của Navarre đã phá sản hoàn toàn. Tất cả nguyên nhân chỉ nằm trong ngay mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng.
Đến kháng chiến chống Mỹ cũng vậy. Trong 2 mùa khô 1966 và 1967, Mỹ tập trung quân để tổ chức các cuộc hành quân lớn thì lại khiến quốc sách ấp chiến lược của họ ngày càng lao đao có nguy cơ phá sản vì thiếu quân để bảo vệ. Bởi thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết: “Trong thực tế, mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung lực lượng không bao giờ được giải quyết, vì không thể giải quyết được, do tính chất của cuộc chiến tranh mà kẻ xâm lược tiến hành”.
Tướng Giáp nói ông không bao giờ xem thường bất kỳ một tướng lĩnh đối phương nào vì họ đều được đào tạo bài bản trong trường lớp danh giá. Nhưng điều căn bản nhất khi họ đến Việt Nam là họ ở trong thế phi nghĩa nên không nhìn ra được tính chất thực sự của cuộc chiến. Đó là nguồn gốc đưa họ đến những phán đoán và hành động sai lầm để rồi chuốc lấy thất bại.
Đại tướng chia sẻ với Alain Ruscio một điều mang tính bản chất: “Sai lầm chính của những kẻ thù của chúng tôi là đã không hiểu điều đó (chiến tranh nhân dân – PV). Thật ra đặt trong hoàn cảnh của họ là kẻ chịu trách nhiệm gây ra chiến tranh xâm lược, họ không thể nào hiểu được chiến lược đó, mà dù có hiểu cũng không thể nào áp dụng được để thắng chúng tôi”.