Đào Nương (tức Đào Thị Huệ), không chỉ được coi là bà tổ của nghệ thuật ca trù mà còn lập công lớn giúp nhà Lê "chuốc rượu" giết giặc Minh.
-
Đào Nương (tức Đào Thị Huệ), một ca nương tài sắc sống ở thể kỷ XV - không chỉ được coi là bà tổ của nghệ thuật ca trù mà còn lập công lớn giúp nhà Lê "chuốc rượu" giết giặc Minh.
Ả đào giết giặc
Đền Đào Nương nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ tại địa phận làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên. Tương truyền vào thế kỷ XV, đó là nơi "phù hoa phố chợ" với cuộc sống nhộn nhịp, và là chốn để Đào Nương hành nghề ca hát.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Phấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hưng Yên cho hay, Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, là một cô gái vô cùng xinh đẹp, nổi tiếng tài ca hát khắp tổng Cao Cương xưa.
Năm Ả Đào 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ "phù Trần diệt Hồ", đem quân xâm lược nước ta. Chúng đã đóng đồn trại về tận các thôn xóm hòng vơ vét của cải, giết hại dân lành khiến bốn bể lầm than. Đàn ông bị bắt làm phu dịch thực hiện những công việc nặng nhọc cho tới chết, đàn bà bị bắt làm nô tì.
Thời điểm đó cũng là lúc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại đất Lam Sơn. Đào Nương cùng với nhiều chị em trong làng Đào Đặng đã mở quán rượu để lôi kéo tướng sĩ quân Minh lui tới ăn uống. Mục đích là tìm hiểu nội tình quân địch giúp Lê Lợi đánh lên đất Thăng Long.
Nhờ có tài nghệ và nhan sắc hơn người, Đào Nương nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cả quân và tướng giặc Minh. Chúng có phần vị nể và biến quán rượu của nàng thành nơi hội họp, ăn uống, nghỉ ngơi mà không đề phòng bất cứ điều gì.
Hằng ngày, quân sĩ giặc Minh thường kéo nhau đến quán rượu của nàng Đào Nương tập trung chè chén thâu đêm suốt sáng. Rượu tiệc no say, chúng lại lăn ra ngủ. Thời đó, tổng Cao Cương vốn là vùng lau sậy um tùm, nhiều côn trùng đặc biệt là muỗi. Vì thế, để khỏi lạnh và tránh bị muỗi đốt, giặc Minh đã làm những chiếc túi bằng bao tải gai để được "ấm thân" và an toàn trước côn trùng.
Đêm đến chúng chui vào bao và buộc túi lại tránh muỗi. Đào Nương nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Với công việc này, Ả Đào đã nghĩ ra kế giết giặc. Sau khi thông báo "mật kế" cho nghĩa quân Lâm Sơn, Ả Đào bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong vùng bàn kế hoạch giết giặc.
Cứ đêm đến khi giặc đã ngủ say, dưới sự chỉ huy của Đào Nương, anh em trai tráng đến khiêng từng túi quẳng xuống sông. Khi ném chúng xuống, các túi ngủ đều được buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài nên dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu phải đuối nước.
Quân số của giặc ngày càng hao hụt cho tới một hôm, tướng giặc thấy không rõ vì sao mà quân lính trong đồn tự nhiên mất tích một cách khó hiểu. Hắn vội ra lệnh kiểm điểm lại số quân và bắt tất cả quân lính trong đồn đứng xếp hàng vào một thửa ruộng hình vuông, bốn bề có đắp tường cao, gọi là đấu đong quân để biết thiếu đủ ra sao.
Tướng giặc giật mình khi thấy quân sĩ hao hụt quá nửa mà không tìm ra nguyên nhân mới cho rằng tổng Cao Cương là vùng đất độc, không thích hợp cho việc đóng quân nên quyết định phải dời đồn trú đi nơi khác. Đến nay, dấu vết của giặc Minh vẫn còn tại một khu ruộng ở làng Đào Đặng.
|
Di tích đền thờ Đào Nương hiện được ghi là "đền Mẫu". |
Tài sản của bà tổ ca trù
Khi nàng Đào Thị mất (10/11 năm Nhâm Thìn) dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ bà. Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ phong bà làm Phúc thần kiến quốc, Trinh Liệt Phu nhân và cho sửa lại nhà thờ, cấp ruộng cúng tế hàng năm.
Dựa vào những tài liệu còn lưu giữ được tại di tích, ngôi đền xưa được xây dựng vào năm 1433 với kiến trúc "nội công ngoại quốc" gồm 3 tòa 19 gian, được trang trí theo mẫu tứ linh, tứ quý. Năm 1951, thực dân Pháp đã phá bỏ hoàn toàn để xây dựng đồn bốt. Mãi sau này, nhân dân trong vùng mới khôi phục lại được trên nền móng cũ theo hình chữ Nhất.
Theo người dân địa phương, trước đây ngôi đền còn nhiều hiện vật của bà Đào Nương nhưng quân Pháp đã phá bỏ và cướp đi nhiều thứ quý giá. Hiện tại, trong đền còn lưu giữ được một số hiện vật gồm: Khám thờ, ngai, bài vị, thần phả, chuông đồng, tượng...
Đặc biệt, tại đền còn lưu giữ được bộ sưu tập hiện vật gắn liền với nghề ca hát của bà: Hộp đồ trang sức, vòng tay, hoa tai và khuyên bạc, quạt ngà, lược ngà, trâm ngà và chén ngà cùng một số câu đối, đại tự cổ.
|
Người lạ rất khó tiếp cận phía bên trong ngôi đền. |
Mộ Đào Nương chưa được tôn trọng!
Đào Nương không chỉ là nhân vật lịch sử có công giết giặc Minh mà còn được coi là bà tổ của nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận và xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ.
Ngay sau ngôi đền linh thiêng hiện nay là khu mộ của bà Đào Thị Huệ. Ngôi mộ hình chữ nhật, có mái đỏ, trên mái có bốn đầu đao, phần giữa trang trí lưỡng long chầu nguyệt, gồm hai bậc được ốp gạch xung quanh. "Tuy nhiên, điều đáng nói là khu mộ đang không được tôn trọng cả về mặt tâm linh lẫn di tích lịch sử bởi ngay trước khu mộ là nhà vệ sinh của một hộ dân", bà Bùi Thị Phấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa tỉnh Hưng Yên cho biết.
Không chỉ ngôi mộ chưa được tôn trọng mà ngay cả ngôi đền cũng đang bị người dân "hô biến" thành đền Mẫu, thần thánh nhân vật lịch sử. Thế nên, đó là lý do mà người lạ vào tham quan rất khó để tiếp cận với các di sản và tư liệu lịch sử đang trưng bày trong ngôi đền.
|
Ngôi mộ của bà Đào Nương. |
"Đền Đào Nương gắn với nghệ thuật ca trù của Việt Nam, nhân chứng sống ở địa phương gần như không còn, người biết hát biết đàn chỉ còn một người duy nhất. Địa phương cũng không lập được Câu lạc bộ vì thiếu kinh phí. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định đền Đào Nương và tài sản bà để lại là những vật chứng quý báu nhất, cần được gìn giữ bảo vệ một cách nghiêm ngặt".
Bà Bùi Thị Phấn (Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa - Sở Văn hóa - Thể Thao & Du lịch tỉnh Hưng Yên) |
Trần Hòa