Vì anh hư hỏng, em mới được lên ngôi
Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (22/9/1829), vua là con thứ 2 của Thiệu Trị (Nguyễn Hiến Tổ), thân mẫu là là bà Phạm Thị Hằng (sau được tôn phong là Thái hậu Từ Dũ).
Do các vua triều Nguyễn chỉ đặt một niên hiệu trong thời gian trị vì của mình nên sử sách thường gọi theo niên hiệu chứ không gọi theo xưng hiệu, hay miếu hiệu như vua các triều đại trước. Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên nối ngôi từ tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), đặt niên hiệu là Tự Đức, làm vua đến tháng 6 năm Quý Mùi (1883) thì băng hà, thọ 54 tuổi. Triều đình đặt miếu hiệu là “Anh Hoàng đế”, thụy hiệu là Nguyễn Dực Tông.
|
Vua Tự Đức và quần thần. Tranh vẽ của họa sĩ Pháp.
|
Theo sử sách triều Nguyễn, năm lên 14 tuổi, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được phong tước Phước Tuy công, được mọi người kính phục về sự hiếu nghĩa, chăm chỉ, ham học… Theo thông lệ truyền thống, người kế vị ngôi báu là hoàng tử cả của vua, thế nhưng với hoàng đế Thiệu Trị thì đây là nỗi lo lắng lớn của ông. Người con trưởng của vua là Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Bảo, lười biếng, thiếu tài năng, kém đức hạnh, chỉ ham chơi bời, ca xướng; mặc dù được vua cha quan tâm, nhắc nhở phải biết tu chí, rèn luyện đạo dức, học vấn nhưng “sinh con ai khá dễ sinh lòng”, Hồng Bảo vẫn chứng nào tật đấy, không có thay đổi, sửa chữa gì. Thậm chí khi nhà vua lâm trọng bệnh vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), các hoàng tử, hoàng thân, đại thần lo lắng túc trực bên long sàng thì riêng Hồng Bảo lại vắng mặt bởi đang mải mê ở chốn ca lâu.
Biết không thể phó thác trọng trách lớn lao cho người con như vậy, vua Thiệu Trị truyền gọi các đại thần là Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào chầu và có lời di huấn rằng: “Ta nối nghiệp lớn đã 7 năm, ngày đêm lo lắng không dám thong thả vui chơi, mấy lâu se mình, hôm nay mệt lắm! Ta lo nghiệp lớn của tổ tiên phó thác, nên phải chọn người nối nghiệp để yên xã tắc. Trong mấy người con của ta, Hồng Bảo tuy lớn nhưng là thứ xuất (con vợ thứ), mà lại ngu độn, ít học, chỉ ham chơi, nối nghiệp không được. Có thứ hai là Phước Tuy công, thông minh, ham học, giống như ta, đáng nối nghiệp vua. Hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để lại trong long đồng. Các ngươi phải tuân theo đó, đừng trái mệnh ta”.
Các đại thần đều cúi đầu vâng mệnh. Sau đó Thiệu Trị cho gọi con thứ là Phước Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm vào trao cho ấn, kiếm. Nghe tin đó, Hồng Bảo vội cưỡi ngựa dẫn theo thân binh của mình kéo đến hoàng cung, quan Tham tri bộ Lại là Phạm Thế Lịch đem 3.000 quân hổ bôn giữ cửa Ngọ Môn ngăn lại.
Khi Hồng Bảo đến cửa Ngọ Môn, có lệnh truyền ra nói rằng chỉ cho một mình vào trong cấm điện. Đến nơi, Hồng Bảo quỳ trước giường vua khóc mà nói: “Thánh thượng đã hứa truyền ngôi cho con, ai cũng công nhận con là Thái tử. Nay con phạm tội bất hiếu, xin ơn trời lượng bể tha cho”.
Vua Thiệu Trị buồn rầu phán rằng: “Thiên hạ là của đức Cao hoàng (Gia Long), kế đến đức Thánh Tổ (Minh Mạng) truyền lại cho ta. Ta đã định truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh, thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Thần khí rất trọng, ta không thể lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung được”.
Thấy Hồng Bảo vẫn nấn ná, khóc lóc quỳ lạy bên giường ngự, Phạm Thế Lịch và Võ Văn Giải đưa mắt lệnh cho quân ngự lâm bắt Hồng Bảo giam vào hậu cung.
Chuyện lạ trong lễ đăng quang
Ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị qua đời tại điện Cần Chánh, thọ 41 tuổi. Triều đình đặt thụy hiệu cho ông là “Thiệu thiên Long vận Chí thiện Thuần hiếu Khoan minh Duệ đoán Văn trị Vũ công Thánh triết Chương Hoàng đế”, miếu hiệu là Nguyễn Hiến Tổ.
Ngay ngày hôm ấy, các hoàng thân, văn võ bá quan họp nghe tuyên đọc di chiếu, Hoàng tử thứ hai là Phước Tuy công khóc lạy lĩnh mạng nhận ngôi báu. Tuy nhiên lễ lên ngôi của Nguyễn Phúc Thì cũng không được suôn sẻ, khi bản di chiếu được đọc lên, Hồng Bảo phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, ngã vật ra trước điện đình, quần thần phải vội vàng đỡ dậy dìu vào hàng để nghi lễ đăng quang được hoàn tất.
Trong bản tuyên chiếu lên ngôi của Phước Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm cho biết, kể từ tháng Giêng năm sau (tức năm Mậu Thân 1848) sẽ là năm Tự Đức thứ nhất. Sau đó tờ chiếu của vua Thiệu Trị được đưa cho Tôn nhân phủ và các đình thần ký tên vào, riêng Hồng Bảo nhất định không chịu ký, thúc đầu vào tường làm máu chảy chan hòa. Quan đại thần Phạm Văn Nghị phải đến khuyên giải mãi, thậm chí khóc mà nói rằng: “Xin điện hạ nghĩ lại, di chiếu của đức Tiên hoàng, điện hạ không ký cũng không được, xin ký để cho yên xã tắc và để cho đức Tiên hoàng yên ổn dưới cửu tuyền”. Nói hai, ba lần Hồng Bảo mới chịu ký.
Một chuyện lạ nữa không thể không nhắc đến, đó là bấy giờ có hoang tin nói rằng Nguyễn Phúc Hồng Nhậm không phải là con của Thiệu Trị mà là con của Trương Đăng Quế, do vị đại thần này dan díu mờ ám với Nhất giai phi Phạm Thị Hằng (sau này đã được tôn làm Thái hậu Từ Dũ), bởi vậy Trương Đăng Quế lập kế đưa con mình lên ngôi. Chuyện này là vô căn cứ, bởi bà hoàng Phạm Thị Hằng nhập cung khi mới lên 14 tuổi, làm vợ Thiệu Trị khi ông vẫn còn là Hoàng trưởng tử, hơn nữa bà nổi tiếng là đức hạnh, đoan trang, rất được vua sủng ái. Thậm chí trước khi mất, Thiệu Trị còn để lại di chiếu tôn bà làm Hoàng hậu và lời căn dặn rằng: “Ta tiếc là không được cùng ái phi chung hưởng phúc lâu dài. Trong mấy đứa con của ta, Hồng Bảo lớn tuổi nhưng ít chữ, lại ham vui, việc triều chính không thể giao phó vào tay nó. Hồng Nhậm là đứa con ta tin tưởng hơn cả, phi hãy giúp nó trông nom triều chính như đã giúp ta. Ngoài ra mọi việc trong nội cung, phi hãy lo sao cho chu tất, chớ phụ lòng của trẫm”.
Tuy nhiên tin đồn thất thiệt đó cũng gây ít nhiều tâm lý nghi ngờ, hơn nữa khi vua Thiệu Trị băng hà, mọi chuyện điều hành sự vụ trong lúc rối ren đó đều do Trương Đăng Quế chủ trì. Do đó một số đại thần lấy làm ngờ vực, điều này dẫn đến chuyện có người không chịu lạy tân hoàng đế trong lễ lên ngôi. Sách Quốc sử di biên có đoạn cho biết như sau: “Mùa đông, tháng 10, ngày 5, Hoàng tử Phúc Tuy công lên ngôi Hoàng đế. Trước đó, Trương Đăng Quế định kế trong cung, ngoài triều đều lấy làm ngờ. Đến lúc Hoàng tử Nhậm lên ngôi, có người không chịu xếp vào ban thứ (đến lạy mừng). Võ thần Hà Văn Chương tuốt gươm ốp việc xếp ban thứ nói rằng: “Lúc tiên đế sắp mất, đã lập sẵn Thái tử. Chúng ta phụng chiếu tôn phò, ai không theo chiếu chỉ, đã có phép nước”. Bấy giờ cả đình thần đều xếp ban thứ lạy mừng”.