Các nhà khoa bảng VN từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), mỗi người trong số họ đã từng là một điểm sáng văn hóa. Tổng hợp lực của nó đã tạo thành giá trị của nền văn hiến Việt Nam vẻ vang. Đây là một niềm tự hào trong truyền thống hiếu học của đất nước và của từng địa phương, từng dòng họ, từng gia đình.
Từ khoa thi đầu tiên
Sau khi dời đô về Thăng Long, mọi việc sắp đặt xây dựng đều phải làm từ đầu. Việc dạy Nho học và chữ Hán chưa được quy định chính thức, nhưng triều đình không thể không nhận thấy lợi ích của việc tiếp xúc với nền văn hóa Trung Hoa. Muốn vậy, cần phải có trường học. Năm Thần Vũ thứ 2 (1070) Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để cho Hoàng thái tử đến đó học tập.
Năm 1075, Lý Nhân Tông đã cho tổ chức khoa thi nho học đầu tiên ở nước ta, gọi là khoa thi "Tuyển Minh kinh bác học và Nho học tam trường" vào tháng 2 năm Thái Ninh 4 (tháng 3/1075). Người đỗ đầu khoa này là Lê Văn Thịnh, trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng nước ta. Lê Văn Thịnh người làng Đồng Cửu, huyện Gia Định, nay là thôn Đông Cửu, xã Đông Cửu, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Ông từng giữ chức Thị lang bộ Binh, dẫn đầu sứ bộ nước ta đến trại Vĩnh Bình cùng sứ bộ nhà Tống thương lượng về việc biên giới. Khi về nước được thăng Thái sư.
Khoa thi Hương cuối cùng là khoa Mậu Ngọ (1918), tổ chức tại trường Thừa Thiên. Sau khoa thi Hương này, ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam. Số cử nhân đỗ ở kỳ thi Hương sẽ được thi Hội, thi Đình vào năm 1919. Ngày 1/4/1919 , khoa thi Hội cuối cùng, tức khoa Kỷ Mùi được tổ chức, ngày 28/4 công bố danh sách những người trúng cách và số phó bảng.
Ngày 15/9/1919, khoa thi Đình cuối cùng được tổ chức với đề thi Đối sách là bàn về hai chữ "Văn minh" do vua Khải Định ra. Các khoa thi Hội, thi Đình cuối cùng này đã chọn được 7 ông nghè (tiến sĩ) và 16 phó bảng. Tuy nhiên, theo phủ Khâm sứ thông báo thì những người đỗ trong khoa thi này, tuy vẫn còn giữ được danh hiệu, học vị cũ, nhưng sẽ không có giá trị trong việc bổ nhiệm vào quan trường. Với khoa thi này, nền khoa cử nho học Việt Nam (1075 - 1919) hoàn toàn kết thúc.
|
Ảnh minh họa. |
Những điểm sáng văn hóa
Danh sách các tiến sĩ và phó bảng cuối cùng của nền khoa cử Việt Nam gồm:
7 Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân: Nguyễn Phong Di (người Thanh Hóa); Trịnh Hữu Thăng (Nam Định); Lê Văn Kỳ (Hà Tĩnh); Nguyễn Văn Tiêu (Thanh Hóa); Bùi Hữu Ma (Thừa Thiên); Vũ Khắc Triển (Quảng Bình) và Dương Thiệu Tường (Hà Đông).
16 Phó bảng: Nguyễn Xuân Đàm (Hà Tĩnh); Bùi Hữu Thứ (Thừa Thiên); Chu Văn Quyền (Thừa Thiên); Mai Duyên (Thanh Hóa); Phạm Đình Long (Quảng Nam); Đặng Văn Oánh (Nghệ An); Trần Nguyên Trinh (Nghệ An); Lê Nguyên Lượng (Quảng Trị); Nguyễn Hà Hoành (Quảng Nam); Hà Văn Đại (Hà Tĩnh); Lê Viết Tạo (Thanh Hóa), Nguyễn Tấn (Nghệ An); Nguyễn Ngọc Huỳnh (Khánh Hòa); Nguyễn Cư (Quảng Bình); Đặng Văn Hướng (Nghệ An); Hoàng Yến (Thừa Thiên).
Các nhà khoa bảng Việt Nam từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919) thuộc nhiều thời đại khác nhau, nhiều địa phương khác nhau, ở mỗi người đều có sở trường sở đoản riêng của mình, nhưng có thể nói chung là trong lịch sử của dân tộc, mỗi người trong số họ đã từng là một điểm sáng văn hóa, mà tổng hợp lực của nó đã tạo thành giá trị của nền văn hiến Việt Nam vẻ vang. Đây là một niềm tự hào trong truyền thống hiếu học của đất nước và của từng địa phương, từng dòng họ, từng gia đình.
Tuy không phải tất cả, nhưng phần lớn các nhà khoa bảng đều đã từng giữ những chức vụ khác nhau trong triều chính của các triều đại, bản thân họ là những người tham gia hoặc là chứng nhân của các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Một số không ít là nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, y học, quân sự, nhà tư tưởng... có tên tuổi. Đó là niềm tự hào của chúng ta và của các thế hệ mai sau.