Các vị vua thời trước đều được xưng tụng là những bậc phi phàm, khác thường thế nên người đời đã đặt ra nhiều thuyết lạ với những chi tiết ly kỳ bao quanh xuất thân của những vị vua ấy, trong đó có câu chuyện về những giấc mơ hạ sinh ra đế vương nhuốm màu sắc huyền bí, lạ lùng… Và chuyện về sự ra đời của Bố Cái đại vương Phùng Hưng là một trong những câu chuyện ly kỳ như thế.
Giấc mộng thiên sứ xin đầu thai làm con
Tương truyền vợ chồng Phùng Hạp Khanh đã lớn tuổi mà vẫn chưa có con, một hôm vợ ông đi cầu tự, khi trở về thấy người khang khác bèn kể lại cho chồng biết, đêm ấy cả hai vợ chồng Phùng Hạp Khanh đều nằm mộng thấy một tiên ông nói là vâng lệnh Thượng Đế xuống ban thưởng cho người có lòng nhân đức, rồi đưa cho chùm ba quả đào lớn tỏa mùi thơm phức nói là đưa cho thê tử ăn, ắt sinh quý tử. Nói xong vị tiên xoa đầu ông ba cái rồi biến mất.
Khi tỉnh dậy, vợ chồng đều tin rằng đó là giấc mộng lành, sau hôm đó bà họ Sử có mang, sau 12 tháng, vào một ngày đẹp trời thì hạ sinh ba người con trai, con cả đặt tên là Phùng Hưng (tự là Công Phấn), con thứ hai là Phùng Hải (tự là Tư Hào), con út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Khi trưởng thành, ba anh em họ Phùng nổi tiếng là người khôi ngô, tuấn tú, thông minh, có chí lớn, giỏi võ nghệ và đặc biệt là sức khỏe phi thường.
|
Tiên ông ban đào. Hình minh họa. |
Theo bản thần tích làng Thịnh Hào (nay thuộc khu vực Kim Mã, nội thành Hà Nội) thì thời ấy có con yêu quái (gọi là Hắc Hán) thường tác oai tác quái, hãm hại nhân dân. Một hôm Phùng Hạp Khanh trên đường về nhà, lúc đó trời đã tối, con yêu hiện ra chặn đường bị ông rút kiếm chém, từ đó nó biến mất, không xuất hiện nữa. Vì trừ yêu quái, có công với dân nên Ngọc hoàng thượng đế cho ba vị thần xuống đầu thai làm con của Phùng Hạp Khanh, thần tích có đoạn viết:
“Một hôm, đang giờ ngọ vào giấc ngủ trưa, Hạp Khanh mơ thấy ba người. Một người đội mũ đầu hổ, mặc áo chầu thêu rồng, tự xưng là Đại La Thiên sứ thánh. Một người chít khăn phốc đầu, mặc áo màu xanh nhạt, tự xưng là Giao Hải Đại Quan tôn thần. Một người đội khăn đỏ, mặc áo gấm xanh sẫm, tự xưng là Thiên La võ tướng. Cả ba đều diện mạo đường hoàng, thân cao mười thước, có sức đuổi gió, chém chớp, tiến đến trước nhà.
Cùng Hạp Khanh tương kiến, muốn chuyện trò. Trong khi hàn thuyên, những người này tự bảo rằng:
- Lúc trước, ông đã trừ Hắc Hán, có thể cứu giải nguy nan cho chúng sinh. Thượng đế khen ngợi lắm, cho rằng ông có công lớn trừ ác. Vì vậy, sai chúng tôi tới đây trao cho ông chức tước mãi mãi, để ông được thành tựu. Ông hãy nhận lấy tước trời, không được từ chối.
Hạp Khanh mừng rỡ tỉnh dậy, nhìn ra cửa sổ phía Tây. Vừa tỉnh dậy, còn nhớ rành rành giấc mộng, nghĩ thầm không biết thế nào. Tháng ấy, phu nhân có mang, 14 tháng sau mới sinh được ba bé trai, tướng mạo khác thường”.
Tác giả Phan Thị Bảo trong sách "Tiếng vọng Đường Lâm" có diễn tả lại huyền tích này quan những vần thơ như sau:
Một hôm yêu quái hiện hình,
Nhe răng, quắc mắt, dọa rình dân qua.
Từ trẻ thơ đến cụ già,
Người người hoảng sợ, nhà nhà thất kinh.
Hạp Ông tìm kế đi rình,
Lăm lăm tay kiếm, quên mình xông pha.
Băm thây gian tặc làm ba,
Trăm họ cảm phục tài hoa người hùng.
Đêm chìm vào xóm mông lung,
Hạp Ông hỉ hả vui cùng giấc mơ.
Tiên ông râu tóc bạc phơ,
Gọi Người thức dậy chờ giờ thưởng công:
“Muốn con nối dõi cha ông,
Ta cho sinh được con Rồng cháu Tiên”.
Phép thần đem đến quả nhiên,
Sau mười hai tháng sinh liền ba trai.
Uy nghi dáng mạo danh tài,
Tóc mun, mắt xếch, mày ngài, trán cao.
Làn môi tựa sắc hoa đào,
Tai to, mặt lớn, người nào cũng vinh.
Gương mặt hiển tướng uy linh,
Lớn lên như thổi, thân hình phổng phao.
Vua Lớn hiển linh phù giúp nước
Chính sử chép rằng Bố Cái Đại vương Phùng Hưng mất năm Tân Mùi (791), nhưng có nguồn dã sử lại cho rằng qua đời ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 13 tháng 9 năm 802). Lăng mộ Phùng Hưng được đặt ở phía Tây thành Tống Bình, ngày nay ở đầu phố Giảng Võ vẫn được giữ gìn chu đáo, trên bia đề bốn chữ "Phùng Hưng cố lăng". Tại quê hương và nhiều nơi khác đã xây dựng đền thờ Phùng Hưng để tỏ lòng nhớ thương và cúng lễ cầu mong Ngài phù hộ cho dân chúng được an cư lạc nghiệp.
Sau khi mất Bố Cái Đại vương Phùng Hưng rất linh thiêng, những câu chuyện lạ kỳ như vậy được lưu truyền trong dân gian và thư tịch cổ, như trong sách Việt điện u linh viết rằng:
“Sau khi mất, Bố Cái Đại vương rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa. Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía Tây của phủ đô hộ.
|
Uy linh Bố Cái Đại Vương. Tranh minh họa: Mythuat.net. |
Đền thờ Vương rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó khăn như bị kẻ xấu lấy trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy, người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt. Khi Ngô Tiên Chủ dựng nước, bọn giặc Nam Hán sang cướp nước ta. Ngô Tiên Chủ ngày đêm lo nghĩ tìm cách chống đánh. Thế rồi một đêm, Ngô Tiên Chủ nằm mơ, thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề, đến nói rõ họ tên của mình và bảo rằng:
- Tôi đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức Nhà vua, xin Nhà vua hãy gấp tiến binh, đừng lo nghĩ gì cả. Đến khi Ngô Tiên Chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có tiếng binh mã ầm ầm, và quả nhiên trận ấy được đại thắng.
Ngô Tiên Chủ lấy làm lạ, liền sai sửa sang ngôi đền, khiến cho đền rộng rãi và lịch sự hơn xưa. Xong, Ngô Tiên Chủ đem các thứ lễ vật cùng cờ quạt chiêng trống đến để tế lễ. Sau, các triều quen dần thành lệ. Thời Trần, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), nhà vua (Nhân Tông) sắc phong là Phù Hựu Đại Vương. Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) lại gia phong thêm hai chữ Chương Tín. Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua (Anh Tông) gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa”.
Trong bản thần tích làng Thịnh Hào cũng có đoạn ghi chép tương tự như sau:
“Sau khi Vương chết, rất linh ứng, dân chúng cho là thần, lập tức dựng đền ở phía tây đô phủ để thờ cúng. Phàm có những việc trộm cắp bất minh, đến đền minh thệ, lập tức sẽ thấy lành dữ. Vì vậy, ở đây hương hỏa không ngớt. Đến khi Ngô tiên chúa sáng nghiệp khai quốc, quân Nam Hán sang xâm lược. Tiên chúa rất lo lắng, đêm mơ thấy Vương mặc áo giáp sáng, đốc lĩnh trăm vạn hùng binh, tướng soái ngàn người, đều cầm đao thương qua kích, cờ biển ngựa voi đông vô kể. Khi gặp tiên chúa, tự xưng họ tên rồi nói rằng:
- Bọn thảo khấu ngu xuẩn ấy đâu đáng nhắc tới. Ta sẽ giúp hiền khanh một tay.
Tiên chúa lấy làm lạ, tỉnh giấc. Đến khi dẹp xong giặc, tiên chúa xuống chiếu cho xây dựng đền thờ đường bệ, nghiêm trang, trồng hoa cỏ, treo cờ lớn, cử nhạc, nổi trống, cúng lễ thái lao. Các triều sau đều theo lễ này”.
Đánh giá về công lao của Phùng Hưng, dân gian có câu:
Gương Phùng Hưng ở Đường Lâm,
Vẫn còn ghi những tháng năm huy hoàng.