|
Phương thuốc giải bệnh ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa). |
Huyết ứ nội trở: Người bệnh thường đau bụng kịch liệt, lan ra sau lưng, thượng vị nổi u cục, quầng mắt thâm tối, chất lưỡi tía hoặc có nhiều điểm xuất huyết, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn, mạch huyền sáp. Phép trị: Lý khí hoạt huyết, nhuyễn kênh tiêu tích. Phương dược "phong giá thang gia giảm": Lộ phòng phong, thổ miết trùng, ngũ linh chi, sinh bồ hoàng, đào nhân, hồng hoa, ô dược, huyền hồ sách và sinh địa mỗi vị 10 - 15g, thiết mộc diệt, thạch kiến xuyên mỗi vị 20g, nga truật 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Nếu mệt mỏi nhiều bỏ nga truật, thổ miết trùng, gia hoàng kỳ 30g, đẳng sâm 20g để bổ khí kiện tỳ. Nếu nôn và buồn nôn nhiều gia thần khúc, hoắc hương để trừ thấp trọc, trợ tiêu hóa.
Trong bài, các vị thuốc thổ miết trùng, ngũ linh chi, sinh bồ hoàng, đào nhân, hồng hoa và nga truật để hoạt huyết; ô dược, huyền hồ sách lý khí; lộ phòng phong, hồng hoa, thiết mộc diệt, thạch kiến xuyên nga truật đều có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Khí huyết lưỡng hư: Người bệnh thần thái mệt mỏi, gầy yếu vô lực, sắc mặt nhợt nhạt kém tươi, đoản khí, ngại nói, tự hãn, thiếu máu, chất lưỡi nhợt, có vết hằn răng, rêu lưỡi trắng mỏng. Phép trị: Ích khí dưỡng huyết, kiện tỳ hòa dinh. Phương dược "sâm kỳ giao thang": Hồng sâm 10g, bạch truật 20g, hoàng kỳ 30g, nữ trinh tử 15g, đương quy 15g, bạch thược 15g, xuyên khung 15g, thục địa 15g, cam thảo 9g, a giao 18g, bạch linh 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Nếu bụng đầy chướng do vị khí hư nhược mà nê trệ gia bán hạ chế 12g, sa nhân 10g, giảm liều thục địa và hoàng kỳ. Nếu họng khô, nóng bụng gia tri mẫu 12g, miết giáp 20g, huyền sâm 15g, thay thục địa bằng sinh địa, bỏ xuyên khung, gia liều đương quy để tư âm, thanh hư nhiệt. Nếu sợ lạnh, tứ chi lạnh do tỳ thận dương hư gia quế chi 12g, phụ tử chế 12g (sắc trước) để ôn thận, trợ dương. Nếu có phù mặt và tứ chi gia trư linh 15g, trạch tả 20g, sinh khương bì 9g, tăng liều hoàng kỳ (có thể dùng tới 50g) để bổ khí, hành khí, ôn dương, hóa thủy.
Các vị thuốc hồng sâm, hoàng kỳ và bạch truật để song bổ khí huyết; thục địa bổ thận điều tinh để trợ tiên thiên; đương quy, bạch thược và a giao bổ huyết, hoạt huyết và chỉ huyết. Các vị thuốc phối hợp với nhau tạo nên công dụng: ích khí sinh huyết, hòa dinh của phương thuốc.
Tỳ thận dương hư: Biểu hiện bụng lạnh đau, thích chườm nóng và xoa ấm, hoặc sáng ăn chiều thổ hoặc chiều ăn sáng hôm sau thổ, phân sống và lỏng loãng, thậm chí đi nhiều không dứt, tiểu tiện bất lợi, mặt nặng chân phù, da nhợt nhợt, chất lưỡi nhợt bệu, có vết hằn răng, rêu lưỡi mỏng và trơn nhờn. Phép trị: Ôn trung tán hàn, ôn trợ thận dương. Phương dược "Phụ tử lý trung thang hợp Kim quỹ thận khí hoàn gia giảm": Đẳng sâm 20g, bạch truật 10g, bán hạ chế 10g, phụ tử chế 10g, trần bì 10g, đậu khấu 6g, can khương 6g trư linh 15g, phá cổ chỉ 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Nếu hàn ngưng huyết ứ gia: Kê huyết đằng 10g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g để ôn dương hành khí và hoạt huyết. Nếu hàn ngưng ứ trệ gia: Ô dược 10g và mộc hương 10g để khứ hàn hành khí. Nếu thận dương hư nặng gia: Nhục thung dung 10g và đỗ trọng 15g để ôn thận trợ dương. Nếu thủy thấp nội đình gia: Bạch linh 15g, trạch tả 15g, xa tiền tử 15g và quế chi 6g để ôn dương, lợi thủy, hóa thấp.
Trong bài dùng phụ tử, can khương và phá cổ chỉ để ôn bổ tỳ thận để tán hàn; đậu khấu và trần bì lý khí để giúp kiện tỳ. Các vị thuốc phối hợp với nhau để tạo nên công dụng ôn trung tán hàn, ôn trợ thận dương của phương thuốc; nhân sâm nha truật, xuyên khung làm gia tăng công năng kháng ung của bài thuốc.