Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy rằng mức tăng các axit béo huyết thanh và các chất chuyển hóa chúng trong máu có thể giúp chỉ ra sự hiện diện của ung thư phổi trong cơ thể.
Theo tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ David Sessler, Giáo sư kiêm Trưởng khoa nghiên cứu kết quả tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ) - một thử nghiệm như vậy rất có lợi cho việc phát hiện và quản lý căn bệnh.
"Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Mỹ. Nó không giống như một số bệnh ung thư khác, không có cách dễ dàng nào để chẩn đoán nó", Tiến sĩ David Sessler cho hay. Cũng theo Tiến sĩ, phương pháp kiểm tra tiêu chuẩn hiện nay là thực hiện chụp CT xoắn ốc nhưng chúng đắt tiền và người bệnh còn phải tiếp xúc với phóng xạ. Vì vậy, phương pháp xét nghiệm máu cho bệnh ung thư phổi sẽ rất hữu ích.
|
Mức tăng các axit béo huyết thanh và các chất chuyển hóa chúng trong máu có thể giúp chỉ ra sự hiện diện của ung thư phổi trong cơ thể. |
Sessler và nhóm nghiên cứu của ông đã kiểm tra các mẫu máu từ 55 bệnh nhân bị ung thư phổi và 40 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, so sánh chúng với các mẫu từ những người không bị ung thư. Các mẫu máu của các bệnh nhân ung thư có số axit béo huyết thanh và các chất chuyển hóa chúng nhiều hơn từ 1-6 lần so với các mẫu từ bệnh nhân không bị ung thư.
Trong giai đoạn thứ hai của nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu máu từ 24 bệnh nhân bị ung thư phổi trước khi trải qua phẫu thuật chữa bệnh. Sau đó, họ đã phân tích máu của bệnh nhân tại thời điểm 6h và 24h sau khi phẫu thuật. Mức độ axit béo trong huyết thanh tự do và các chất chuyển hóa chúng giảm từ 3-10 lần trong vòng 24 giờ sau khi các khối u ung thư đã cắt bỏ.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao mức độ các hợp chất này lại tăng lên nhưng họ cho biết, phát hiện của họ phù hợp với nghiên cứu trước đây về mối quan hệ của axit béo trong huyết thanh và ung thư.
Dù các xét nghiệm máu cho thấy có hiệu quả trong việc phát hiện bệnh nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nó không nên được sử dụng như một phương pháp kiểm tra sàng lọc ung thư phổi. Tuy nhiên, nó có thể hữu ích cho một số bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nhất định.
"Nó không phải là một xét nghiệm hoàn hảo", Tiến sĩ Sessler nói. Cũng theo Tiến sĩ, những xét nghiệm máu có độ nhạy và đặc hiệu cao. Nó vẫn chưa phải là một thử nghiệm tốt, chính xác để ứng dụng kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, phương pháp này có thể rất hữu ích cho những bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc bệnh nhân đã đang nghi ngờ mắc ung thư".
Ông Sessler cũng cho biết, các xét nghiệm máu có thể rất hữu ích cho những người đã trải qua phẫu thuật ung thư phổi để hiểu rõ hơn liệu họ có bị tái phát hay không.