Khả năng xuyên thấu của tia cực tím
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Hiệp hội Da liễu Mỹ, các nhà khoa học đã phân tích kết quả của 19 công trình nghiên cứu được tiến hành đối với hơn 266.000 người và rút ra kết luận rằng, các phi công có nguy cơ xuất hiện hắc tố gây ung thư da cao gấp 2,21 - 2,22 lần so với người bình thường. Tỷ lệ này ở các thành viên phi hành đoàn là 2,09 lần. Đây là hệ quả của việc các phi công và thành viên phi hành đoàn phơi nhiễm với lượng tia cực tím nhiều hơn được chiếu xuyên qua các tấm kính ở buồng lái và các cửa sổ trên thân máy bay. Tương tự, những người làm việc ngoài trời tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, người làm việc trên các tòa nhà cao tầng, khả năng bị bức xạ của ánh sáng mặt trời một cách trực tiếp khiến nguy cơ ung thư da cao hơn những người khác.
TS Nguyễn Hào Quang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật bức xạ hạt nhân, Bộ KH&CN cho biết, trong môi trường không gian thì có thể bị ảnh hưởng của bức xạ tia tử ngoại, nhưng thực tế tia tử ngoại hay còn gọi là tia cực tím phát ra từ ánh nắng mặt trời rất dễ che chắn. Chỉ cần một màng mỏng là có thể ngăn chặn được chúng. Máy bay được làm bằng vật liệu đặc biệt, phía buồng lái dù là kính thì nó cũng có độ dày không nhỏ, khó có tia cực tím nào có thể đi qua được. Tuy nhiên, khi bay ở độ cao như vậy thì khả năng bị tác động bởi các tia gama, bức xạ từ vũ trụ là có thể. Tia này có thể xuyên qua các lớp vật liệu vững chắc.
"Tuy nhiên, ngay cả khi bay ở độ cao 10.000m thì cũng chỉ bị tác động khoảng 1mcrosilver/h, đây là mức rất nhỏ nên không tác động nhiều đến các phi công. Bản thân bức xạ mặt trời có năng lượng thấp nên những người làm nghề phi công thì hoàn toàn có thể yên tâm vì nguy cơ ung thư da này chỉ là lý thuyết chung chung mà thôi", ông Nguyễn Hào Quang cho biết thêm.
|
Ảnh hưởng của bức xạ mặt trời khi ở nhà cao tầng là không đáng kể. |
Càng lên cao bức xạ càng lớn
Liệu sống trên các tòa nhà cao tầng thì mức độ hấp thụ bức xạ mặt trời có cao hơn những người sống ở tầng thấp? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Hào Quang cho biết, cấu tạo bầu khí quyển của Trái Đất giống như một chiếc áo giáp bảo vệ con người khỏi các loại bức xạ. Lên càng cao thì khí quyển càng mỏng, đương nhiên bức xạ sẽ càng lớn hơn. Thế nhưng, phải là một sự chênh lệch rất rất lớn thì mới chạm ngưỡng ảnh hưởng thực sự nghiêm trọng. Có những vùng núi, vùng cao nguyên có độ cao lên đến hàng nghìn met so với mặt nước biển, nhưng cư dân sinh sống ở đó không hề có biểu hiện nào bị ô nhiễm bức xạ hoặc bệnh tật từ bức xạ mặt trời cả. Trong khi đó, các tòa nhà cao tầng, cùng lắm cũng chỉ cao 100 tầng, thì ảnh hưởng này là không đáng kể.
"Rõ ràng, càng ở trên cao thì mức độ ảnh hưởng của bức xạ mặt trời càng lớn, nhưng dù lớn đến đâu thì so với vũ trụ, với độ dày hàng trăm km của khí quyển thì sống ở những nơi có độ cao này cũng chỉ có thể gọi là những vùng mấp mô gợn sóng của khí quyển mà thôi. Ảnh hưởng rất nhỏ, gần như không cảm nhận được", TS Nguyễn Hào Quang khẳng định.
Theo các chuyên gia, ở các nhà cao tầng, để tránh ảnh hưởng bởi tia bức xạ thì sử dụng rèm cửa, các loại vật liệu chuyên dụng chống nóng, chống bức xạ... là có thể yên tâm về mức độ bức xạ này. Còn đối với các phi công, chưa có nghiên cứu và cũng chưa có trường hợp nào nhiễm bệnh hoặc tử vong vì bị nhiễm bức xạ từ trường của vũ trụ cả. Bản thân con người sống trên mặt đất cũng có những lúc phải chịu tác động từ lực từ trường này.
"Con người không thể nhận biết được tác động khi sóng bức xạ ở tần số rất nhỏ, nhưng về lý thuyết thì sự tác động ấy là có. Chỉ cần có các biện pháp đơn giản bảo vệ là có thể tránh được bức xạ mặt trời này".
TS Nguyễn Hào Quang